MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chuyện thương hiệu] Gucci và cuộc chiến khốc liệt giữa 2 'ông trùm' hàng hiệu

21-07-2019 - 11:02 AM | Doanh nghiệp

Thương hiệu thời trang cao cấp Gucci gắn liền với cuộc chiến pháp lý kéo dài 2,5 năm của 2 tỷ phú giàu nhất nước Pháp - Bernard Arnault và Francois Pinault.

Khởi đầu từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ tại vùng Florence (Italia) vào năm 1921, đến nay, Gucci được biết đến là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới.

Bên cạnh những sản phẩm sang trọng, nhắc đến thương hiệu này, nhiều người sẽ nhớ đến một trong những cuộc chiến mà theo The New York Times là “dai dẳng nhất trong lịch sử doanh nghiệp” hay “cuộc chiến của những chiếc túi xách”, kéo dài 2,5 năm giữa 2 tỷ phú giàu nhất nước Pháp.

Một bên là Bernard Arnault – Chủ tịch và CEO Tập đoàn LVMH – người cách đây ít ngày vừa vượt qua đồng sáng lập Microsoft để trở thành tỷ phú giàu thứ 2 thế giới. Bên kia là Francois Pinault – ông chủ Tập đoàn Kering – sở hữu những thương hiệu đình đám như Alexander McQueen, Yves Saint Laurent...

Theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index, hiện Bernard Arnault nắm giữ tài sản 106 tỷ USD trong khi người đồng hương Francois Pinault sở hữu 37,9 tỷ USD. Xét về tài sản, Arnault đang “nhỉnh” hơn, nhưng cách đây 18 năm Pinault mới là người chiến thắng trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Gucci.

[Chuyện thương hiệu] Gucci và cuộc chiến khốc liệt giữa 2 ông trùm hàng hiệu - Ảnh 1.

Tỷ phú Bernard Arnault (phải) và Francois Pinault (trái). Ảnh: Photonews.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 5/1/1999, khi Domenico De Sole, CEO của Gucci, đang trên đường từ New York đến London thì nhận được một cuộc điện thoại. Yves Carcelle, người bạn lâu năm của De Sole và là một giám đốc của Louis Vuitton gọi điện để thông báo cho ông biết rằng LVMH đã mua 5% cổ phần của Gucci.

Thông tin này khiến De Sole - doanh nhân nổi tiếng và từng theo học trường luật của Harvard “choáng váng”. Ngay ngày hôm sau, tin tức Carcelle chia sẻ với De Sole được tiết lộ cho công chúng: LVMH đã âm thầm mua 5% cổ phần của Gucci.

Các thành viên trong hội đồng quản trị của Gucci gần như có mặt ngay lập tức. Họ đưa ra 2 trường hợp có thể xảy ra: Thứ nhất là LVMH sẽ mua lại toàn bộ Gucci và thứ 2 là tập đoàn này sẽ mua dần dần cổ phần của công ty cho đến khi họ giành quyền kiểm soát.

Gucci hiểu rằng LVMH sẽ chọn cách thứ 2 và họ không mất nhiều thời gian để chứng minh điều này. Chỉ trong vài ngày, Bernard Arnault đã mua lại 9,5% cổ phần của Gucci từ Patrizio Bertelli, Chủ tịch Prada và không ngừng tìm cách để nắm thêm cổ phần của thương hiệu Italia. Kết quả LVMH đã có trong tay 34,4% cổ phiếu của Gucci.

Để tránh việc bị LVMH thâu tóm, ban lãnh đạo Gucci quyết định phát hành 37 triệu cổ phiếu mới cho Pinault-Printemps-Redoute (PPR, tên gọi trước đây của Kering). Thỏa thuận này giúp cho Gucci có thêm 3 tỷ USD để thực hiện một số vụ thâu tóm - bao gồm thương hiệu thời trang Yves Saint Laurent - và giảm tỷ lệ cổ phần của LVMH xuống mức 20%. Trong khi đó PPR nắm giữ 42% cổ phần của công ty.

[Chuyện thương hiệu] Gucci và cuộc chiến khốc liệt giữa 2 ông trùm hàng hiệu - Ảnh 2.

Gucci hiện là một trong những thương hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, điều này không làm tập đoàn của Bernard Arnault lùi bước. Sau 2 lần trả giá không thành công để mua lại 100% Gucci, (bao gồm cả cổ phần của PPR), LVMH quyết định khởi kiện để chặn liên minh giữa PPR và Gucci.

LVMH cáo buộc Gucci đã phát hành cổ phiếu “thuốc độc” (poison bill). Đây là chiến lược được sử dụng bởi các các doanh nghiệp nhằm chống lại âm mưu thâu tóm của công ty đối thủ, thường thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi mới để làm cho cổ phiếu của doanh nghiệp ít hấp dẫn hơn đối với công ty sáp nhập.

Theo LVMH, Gucci đã sử dụng "mánh khóe" để tước quyền biểu quyết của tập đoàn này. “Thương hiệu Italia cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái này ngay lập tức”, luật sư của LVMH nói.

Hàng loạt vụ kiện giữa LVMH và PPR/Gucci tiếp tục diễn ra sau đó. Tháng 3/2001, một tòa án Hà Lan (nơi Gucci đăng ký) đã ra lệnh điều tra chi tiết về thỏa thuận Gucci-PPR, cũng như việc phát hành cổ phiếu ưu đãi của công ty. Cuối cùng tòa án tuyên bố việc phát hành cổ phiếu này là hợp pháp.

Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 2,5 năm, đến 10/9/2001, các bên đã chấp nhận đàm phán để giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án. Cuộc đàm phán căng thẳng đến mức 2 bên chỉ có thể ký thỏa thuận vào lúc 3h sáng ngày 11/9/2001.

Theo thỏa thuận này, PPR sẽ mua lại 8,6 triệu cổ phiếu Gucci mà LVMH nắm giữ với giá 94 USD/cổ phiếu, tổng trị giá là 806 triệu USD. Nhờ đó, tỷ lệ cổ phần của PPR trong Gucci tăng từ 42% lên 53,2%.

Hiện nay, Gucci được coi là “cỗ máy kiếm tiền” chủ lực của Kering. Năm 2018, doanh thu của tập đoàn này đạt 13,66 tỷ euro, trong đó Gucci đóng góp đến 8,29 tỷ euro, tăng 33,4% so với 2017.

Theo bảng xếp hạng những thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019 của Forbes, Gucci đứng thứ 2 trong lĩnh vực thời trang cao cấp với giá trị 18,6 tỷ USD. Vị trí số một thuộc về Louis Vuitton của LVMH.

Theo Linh Lam

NDH/Fashion Law, The New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên