[Chuyện thương hiệu] Những điều có thể bạn chưa biết về Huawei
Huawei là cái tên nóng nhất những ngày qua khi bị Google và hàng loạt đối tác tuyên bố ngừng hợp tác. Trước đó, doanh nghiệp Trung Quốc này cũng dính vào nhiều vụ bê bối khác.
- 26-05-2019Sếp Huawei ví công ty như chiếc máy bay đã thủng lỗ chỗ, thêm một vài vết đạn nữa cũng chẳng sao
- 25-05-2019Đưa Huawei vào danh sách đen, liệu Mỹ vô tình tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành một quốc gia tự cường về công nghệ?
- 24-05-2019Cả thế giới quay lưng, nhưng gã khổng lồ TSMC nói họ vẫn có thể hợp tác với Huawei
- 24-05-2019"Made in USA" vs "Made in China": Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2)
- 24-05-2019Panasonic phủ nhận ngừng hợp tác với Huawei
Huawei là công ty thiết bị và dịch vụ viễn thông đa quốc gia của Trung Quốc. Sản phẩm của thương hiệu này được bán tại hơn 70 quốc gia.
Năm 2018, Huawei đạt doanh thu 721,2 tỷ NDT (107,1 tỷ USD). Đây cũng là lần đầu tiên doanh thu của công ty vượt mốc 100 tỷ USD. Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Samsung.
Ảnh: Shutterstock.
Huawei được thành lập bởi ông Nhậm Chính Phi – người từng làm kỹ sư cho quân đội Trung Quốc - vào năm 1987. Hiện ông vẫn giữ vai trò CEO của doanh nghiệp này. Ông Nhậm được biết đến là một doanh nhân triết gia vì thích viện dẫn các câu tục ngữ và những thứ mang tính biểu tượng.
Tại trụ sở của công ty, ông cho thả vài con thiên nga đen trong hồ nước với mục đích thể hiện việc “không tự mãn trong văn hóa doanh nghiệp”.
Ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: AP.
Công ty có khoảng 180.000 nhân viên trên khắp thế giới. Trong đó hơn 1/3 làm việc tại cơ sở ở Đông Quản và Thâm Quyến - nơi mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc.
Truyền thông từng đưa tin, tại trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến, có một phòng nghiên cứu bí mật được đặt tên là "Nhà Trắng". Tại đây các kĩ sư nghiên cứu ngày đêm để phát triển những công nghệ được coi là "xương sống" trong tương lai như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ đám mây và phát triển các loại chip nhằm giúp Huawei có thể giảm sự lệ thuộc vào các hãng công nghệ Mỹ.
Thiên nga đen được nuôi trong hồ nước tại khuôn viên nơi làm việc của Huawei. Ảnh: Reuters.
Cách đây không lâu, Huawei đưa vào sử dụng trụ sở mới đặt tại khu phức hợp Ox Horn ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Nơi đây được thiết kế giống như một "châu Âu thu nhỏ" với 12 tòa lâu đài, lấy cảm hứng từ kiến trúc của 12 thành phố nổi tiếng của châu Âu và tổng chi phí xây dựng khoảng 2 tỷ USD. Khuôn viên mới có hồ nước, hệ thống xe điện riêng và có thể chứa tới 25.000 nhân viên.
Trụ sở mới của Huawei tại khu phức hợp Ox Horn. Ảnh: Reuters.
Điện thoại thông minh Huawei phổ biến tại nhiều nước trên thế giới nhờ giá thành rẻ và cấu hình mạnh. Thương hiệu Trung Quốc đã cố gắng mở rộng sang thị trường Mỹ, nhưng một thỏa thuận phân phối với AT&T bị đình chỉ hồi đầu năm 2018. Tập đoàn này vẫn chưa tìm thấy một hãng khác muốn hợp tác, có thể một phần do áp lực từ các quan chức Mỹ, những người không tin tưởng các công ty Trung Quốc.
Smartphone Huawei phổ biến tại nhiều nước trên thế giới nhưng không được bán tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu coi Huawei là mối đe dọa an ninh, do các mối quan hệ của công ty với chính phủ Trung Quốc. Một số người đưa ra giả thuyết rằng điện thoại và thiết bị điện tử của Huawei được sử dụng để do thám các quan chức chính phủ Mỹ. Công ty liên tục phủ nhận những cáo buộc này.
Tuy nhiên, mối lo ngại của Mỹ đối với Huawei không chỉ nằm ở an ninh mạng. Các quan chức liên bang đã điều tra Huawei từ năm 2016 vì nghi ngờ tập đoàn vận chuyển sản phẩm từ Mỹ đến Iran - vi phạm luật thương mại và lệnh cấm vận của nước này.
Ảnh: Reuters.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Mạnh Vãn Chu - con gái ông Nhậm Chính Phi và là Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Bà Mạnh (lấy theo họ mẹ) bị nghi ngờ nói dối một ngân hàng tại Mỹ, nhằm sử dụng công ty con SkyCom để bán nhiều thiết bị máy tính cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran. Hiện bà đang bị quản thúc tại Vancouver trước khị bị dẫn độ về Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei. Ảnh: Reuters.
Những vấn đề Huawei phải đối mặt không dừng tại đó. Thương hiệu này cũng bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ, bao gồm cả công nghệ robot được sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh của T-Mobile.
CEO T-Mobile (trái) và CEO Huawei (phải). Ảnh: Reuters.
Hồi đầu năm, Mỹ truy tố Huawei và bà Mạnh Vãn Chu 23 tội danh, trong đó có rửa tiền, lừa đảo, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Đến tháng 3, Huawei kiện chính phủ Mỹ vì cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua thiết bị và dịch vụ của họ, đồng thời cáo buộc Washington "tấn công máy chủ, đánh cắp email và mã nguồn" của tập đoàn.
Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ. Ngày 20/5, Google quyết định tạm ngưng hợp đồng với Huawei về cung ứng phần cứng và phần mềm. Sau đó, hàng loạt công ty khác cũng tuyên bố ngừng hợp tác với công ty Trung Quốc này.