MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tiên phong sản xuất áo da của một thương hiệu Việt: Khách mua sản phẩm không khác gì mua ô tô, phải đánh năm sản xuất lên áo

26-11-2023 - 11:25 AM | Doanh nghiệp

"Ô tô có khi 4-5 năm đã đổi, còn bên chúng tôi có những khách hàng 7-10 năm chưa đổi áo da", anh Nguyễn Hải Sơn, Co-founder của FTT Leather – một trong những thương hiệu đầu tiên sản xuất áo da may mới tại Việt Nam, chia sẻ.

Chuyện tiên phong sản xuất áo da của một thương hiệu Việt: Khách mua sản phẩm không khác gì mua ô tô, phải đánh năm sản xuất lên áo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hải Sơn - Co-Founder & CMO của FTT Leather.

FTT Leather là một local brand Việt chuyên về đồ da, hiện đã có 3 cửa hàng tại Hà Nội và một cửa hàng ở TP. HCM. Xuất phát điểm từ việc kinh doanh áo da hàng thùng, đội ngũ sáng lập thương hiệu đã quyết định đi tìm nguồn vải da thuộc cao cấp để tự sản xuất tại Việt Nam, nhằm khắc phục hàng loạt vấn đề của đồ si: không phải lúc nào cũng có size vừa với khách, sản phẩm đã qua sử dụng, có thể chất lượng không đảm bảo.

"Thời điểm năm 2015-2016, USP (Unique Selling Point – lợi điểm bán hàng độc nhất) của chúng tôi có lẽ là thương hiệu đầu tiên sản xuất áo da may mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi mình bán được, các bên khác cũng bước vào thị trường. Vì thế, mỗi năm chúng tôi cố gắng làm một USP riêng", anh Nguyễn Hải Sơn, Co-Founder & CMO FTT Leather chia sẻ trong series podcast Chapter0 của Rising Vietnam.

3 lợi ích không ngờ của việc đánh năm sản xuất lên sản phẩm

Một trong những vấn đề nổi bật của ngành đồ da là chi phí hàng tồn kho rất lớn. Anh Hải Sơn cho biết trên thị trường có nhiều đơn vị cất những sản phẩm năm nay không bán được vào kho, năm sau lấy ra bán tiếp, thậm chí có những chiếc áo quay vòng 4-5 năm không bán được.

"Tôi không muốn khách hàng có trải nghiệm như vậy. Sản phẩm da thuộc mỗi năm lại có công nghệ mới. Cùng một kiểu dáng này mà mình bán áo da cũ bằng giá áo mới thì không chấp nhận được. Vì vậy, chúng tôi quyết định đánh năm sản xuất trên sản phẩm", Co-founder FTT Leather nêu quan điểm.

Theo phân tích của anh, điều này giúp đem lại 3 lợi ích cho thương hiệu. Thứ nhất là họ có một câu chuyện hay khi giới thiệu với khách hàng, giải thích được cho khách rằng trên thị trường tồn tại những sản phẩm có thể bị lưu kho quay vòng, còn họ cam kết bán sản phẩm may mới hoàn toàn.

"Thứ 2, khi chúng tôi ra mắt sản phẩm năm 2023, có những khách tìm sản phẩm từ các năm trước đấy vì rẻ hơn. Chính vì thế, chúng tôi có cách để giảm giá hợp lý hơn. Một chiếc áo da giá trị như thế này, mình không thể quảng cáo giảm 30-50% như những áo thường được. Những khách hàng mới mua xong mà mình giảm giá 30%, họ sẽ cảm thấy bị phản bội. Thay vào đấy, chúng tôi giảm giá những chiếc áo đời trước.

Thứ 3, điều này tạo áp lực lên chính chúng tôi là phải làm thế nào để đẩy hàng cũ đi, lấp đầy bằng các sản phẩm mới", anh Hải Sơn chia sẻ.

Chuyện tiên phong sản xuất áo da của một thương hiệu Việt: Khách mua sản phẩm không khác gì mua ô tô, phải đánh năm sản xuất lên áo - Ảnh 2.

Nhân viên tại FTT Leather vệ sinh sản phẩm áo da.

"Khách mua một chiếc áo da không khác gì mua ô tô"

Một vấn đề khác là áo da thuộc dòng sản phẩm đặc thù, chỉ sử dụng trong mùa đông. Để duy trì dòng tiền, FTT Leather sản xuất những loại đồ da khác là cặp, túi, ví, cùng dụng cụ chăm sóc đồ da. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn đang phát triển các sản phẩm áo khoác chất liệu khác để khách hàng mặc được nhiều dịp hơn.

"Sản phẩm áo da này rất oái oăm, bởi vòng mua sản phẩm rất chậm. Khách hàng mua một chiếc áo da không khác gì mua ô tô. Có khi ô tô 4-5 năm đã đổi, còn bên chúng tôi có những khách hàng 7-10 năm chưa đổi áo da. Như vậy, chúng tôi sẽ phải tìm cách tối ưu, giới thiệu cho khách hàng những dòng sản phẩm khác", anh Hải Sơn bày tỏ.

Để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng, anh Hải Sơn chia sẻ rằng FTT Leather chỉ đơn giản là giải quyết những băn khoăn của họ, thường là về chất lượng da thuộc và cách sử dụng.

"Chúng tôi giải quyết bằng cách chăm sóc sản phẩm từ A đến Z. Tất cả các sản phẩm chúng tôi bán ra, hàng năm khách sẽ mang đến để vệ sinh, bảo dưỡng, làm mềm hoàn toàn miễn phí, để họ không còn băn khoăn về việc chăm sóc áo da như thế nào.

Một vấn đề nữa là khách hàng sợ hỏng. Chúng tôi lại miễn phí sửa chữa. Phần chi phí này thiên về marketing. Đội ngũ chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm không tạo ra lợi nhuận, nhưng xét về mặt marketing thì các bạn ấy đang đem về traffic, bởi khách quay lại cửa hàng sẽ giúp chúng tôi có cơ hội giới thiệu nhiều hơn về sản phẩm", Co-Founder FTT Leather phân tích.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên