Chuyện tình cổ tích của chàng kỹ sư Úc từ bỏ xe phân khối lớn để "lái" xe lăn cho người vợ khuyết tật ở Hà Nội
Vân hỏi rất nhiều lần, và lần nào Neil cũng đáp: "Anh mong cuộc sống có niềm vui, anh chỉ muốn làm cho em vui. Mỗi ngày em vui là anh vui. Có 2 thứ anh rất thích: một là xe phân khối lớn, 2 là đồng hồ. Và em thấy đấy, anh đã từ bỏ phân khối lớn để về Việt Nam lái xe lăn giúp em".
- 28-09-20186 câu chuyện nhỏ khiến những ai đang uể oải nhận ra bản thân quá hững hờ với cuộc sống: Hạnh phúc, thành công không xa xôi, nó đến từ sự tin tưởng bên trong chính mỗi người
- 27-09-2018Từ câu chuyện Bill Gates không nhặt tờ 100 USD rơi trên đường: Muốn trở thành người giàu có thì trước tiên bạn phải có suy nghĩ của người giàu đã
- 26-09-2018Câu chuyện cảm động về người đàn ông chia tiền phần hơn cho bạn mù: Giữa cuộc sống xô bồ vẫn còn có những tấm lòng chân tình đáng ngưỡng mộ
Chúng tôi hẹn gặp vợ chồng Vân vào một chiều thứ 6 cuối tuần thư thái. Đúng ngày Hà Nội trở mình chính thức sang thu, tiết trời dịu nhẹ và quá đỗi yên bình. Vân di chuyển trên chiếc xe lăn, còn Neil Bowden Laurence (người Úc gốc Anh) - chồng Vân, bế theo một đứa bé. Như một thói quen, Vân nhờ chủ quán chuẩn bị cho mình một ấm trà đãi khách.
Mở đầu câu chuyện, Vân cười: "Chuyện tình của vợ chồng mình chắc mọi người cũng nghe nhiều rồi, chẳng có gì để kể thêm đâu".
- "Nhưng tụi mình đâu chỉ muốn nghe Vân kể về anh Neil, hơn hết, đó là cuộc sống, nghị lực và kèm theo cả những ước mơ của Vân" - chúng tôi đáp.
- "Vân là một cô gái khuyết tật, và..."
Anh Neil Bowden Laurence và chị Nguyễn Thị Vân.
Bố mẹ chỉ mong cả nhà chết cùng nhau
Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thị Vân, là một trong số 7,2 triệu người khuyết tật tại Việt Nam. Cô không mấy xa lạ với cộng đồng người khuyết tật vì là người đồng sáng lập trung tâm Nghị lực sống. Cuối năm 2012, cô tiếp quản trung tâm sau khi anh trai là Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng qua đời.
Vân có thân hình nhỏ nhắn, nếu không muốn nói là ngày càng teo tóp. Khi mới sinh ra, Vân như bao trẻ em khác. Cơ thể phát triển bình thường, chẳng ai nghĩ cô là một đứa trẻ khuyết tật. Nhưng càng lớn, chân tay Vân nhỏ dần, cơ thể co lại và đến một thời điểm, mọi hoạt động của cô gắn liền với chiếc xe lăn.
Tụi con nít trong xóm hay gọi Vân là "người ngoài hành tinh", còn những kẻ khác lại tò mò đến mức thô thiển. Bố mẹ đều mong, rằng cả nhà sẽ chết cùng nhau, hoặc họ phải chết sau Vân và anh trai. Bởi nếu họ chết trước, sẽ không còn ai chăm sóc những đứa trẻ đáng thương này.
Đối với nhiều người khuyết tật Việt Nam, cái tên Nguyễn Thị Vân (CTHĐQT trung tâm Nghị Lực Sống) đã không còn xa lạ gì.
Cho tới bây giờ, chưa bao giờ Vân có thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình. "Có thể hôm nay bạn nhìn tôi thế này, nhưng biết đâu mấy năm sau, cơ thể tôi sẽ lại nhỏ hơn. Chẳng ai biết trước được tương lai cả". Vân dừng câu, nhấp môi tách trà rồi nói tiếp, "Ngày xưa tôi còn nghĩ mình chết đi cho rồi, có những giai đoạn trong cuộc đời quá khủng khiếp. Đi đâu tôi cũng gặp khó khăn, bị người đời coi khinh. Tại sao tôi nỗ lực nhiều nhưng rồi kết cục lại phải chịu như thế, có quá bất công với tôi không?".
Vân từng chứng kiến cảnh người khuyết tật ngồi trước đền chùa xin tiền. Trong một thoáng chốc, cô đã lo sợ về điều này, về tương lai của bản thân và cả cộng đồng người yếu thế. Sau những mặc cảm và sự tự ti, Vân quen với sự tổn thương đến nỗi chấp nhận nó và mặc kệ.
"Giờ tôi trưởng thành hơn, tôi thấy những khó khăn trước đây đều nhỏ bé và bình thường. Sau những cú sốc lớn, tôi tự học cách tự đứng lên và tiếp tục".
Đấy cũng chính là một trong những lý do Vân đồng sáng lập Trung tâm Nghị lực sống cùng anh trai mình. "Nghị lực sống" chính thức được thành lập từ năm 2003, là mái nhà chung của cộng đồng người khuyết tật. Với niềm tin có thể tạo việc làm, cơ hội, bình đẳng cho người yếu thế, Vân và anh trai nghĩ rằng công nghệ thông tin cho họ - vốn là những người không có cơ hội hoà nhập, có thể kết nối xung quanh.
"Ngày xưa tôi còn nghĩ mình chết đi cho rồi, có những giai đoạn trong cuộc đời quá khủng khiếp" - Vân nói.
2 năm 8 tháng trước, khi bắt đầu mở một doanh nghiệp xã hội trực thuộc Nghị lực sống, nơi 60% thành viên là người khuyết tật, mọi người đều nói Vân bị điên. Cả cuộc đời Vân khi đó gói gọn trong 5.000 USD, nhưng cô dám đánh cược, dù đã có những lúc bản thân cô nghĩ mình thật sự nguy kịch.
"Tôi tin vào bản thân mình. Bạn thấy không, giờ tôi rất thành công", Vân hào hứng.
"3 tháng nữa anh sẽ quay lại Việt Nam thăm Vân nhé!"
Bên cạnh Nghị lực sống và công ty nhỏ của mình, Vân có anh Neil Bowden Laurence. Chính Neil là người cho Vân những suy nghĩ khác, những dự định mới mà trước đây cô gái nhỏ nhắn chưa bao giờ dám nghĩ tới. Vân chưa từng nghĩ mình sẽ có một căn nhà, một tổ ấm hay đơn giản là một người bạn đời, cho đến khi cô quen Neil.
"Tụi mình quen nhau rất đơn giản, không có gì". Vân cười, nhớ lại cách đây 2 năm mình đã quen người đàn ông nước ngoài này như thế nào.
Đúng như Vân nói, họ quen nhau đơn giản, kỳ thực chỉ qua những cú like và comment trên facebook. "Mình không biết từ đâu anh ấy có facebook mình, rồi chăm chỉ like và comment dưới những bài mình viết. Cũng như mọi người thôi, có lúc mình trả lời, có lúc không. Đến một lúc khá rảnh rỗi không biết làm gì nên mình bắt đầu mở ra tìm hiểu những người hay like và comment".
Phát hiện có người đàn ông ngoại quốc "thầm thương trộm nhớ mình", Vân nhắn tin trả lời. Cũng như những người bạn bình thường hay quan tâm mình, Vân viết cho Neil: "Cảm ơn anh đã gửi lời mời kết bạn và hay comment, like những status của em".
Với Vân, đấy chỉ là sự bắt đầu kết nối giữa 2 con người xa lạ, không hơn không kém.
Một hôm khác, Vân ngồi ở quán cà phê thân thuộc và đăng lên facebook một lời mời: "Vân đang uống trà một mình, có ai rảnh qua uống trà cùng nói chuyện!".
"Anh qua uống trà với em được không?" - tài khoản của Neil để lại câu trả lời dưới status của Vân.
Vân trả lời xã giao: "Ok, anh qua đây ngày nào em cũng pha trà cho anh uống". Và kỳ thực khi trả lời Neil như thế, Vân đơn giản chỉ nghĩ đó là một cái gì đó xã giao, chứ không phải là một lời mời nghiêm túc.
"Anh qua uống trà với em được không?" - Chàng kỹ sư Úc bắt đầu mối quan hệ với người vợ của mình bằng một câu hỏi đơn giản như thế.
Mọi chuyện sẽ khép lại ở câu bông đùa vu vơ thế, nếu không phải 3 tuần sau, Neil có mặt tại Việt Nam, ngay trước toà chung cư Vân đang sống cùng những người bạn.
"Anh sắp đến nhà Vân rồi!" - Neil gọi điện cho Vân ngay khi vừa xuống sân bay.
"Hết hồn! Lúc đấy mình rất bất ngờ và ngạc nhiên. Khi xuống tới nhà thấy anh ấy với chiếc balo đứng ngay dưới cổng" - Vân kể.
- "Nếu anh cảm thấy có thể ở lại cùng em và những người bạn, anh hãy ở lại!"
Neil đáp gọn: "Ok anh ở!". Thật tuyệt vời là chẳng có cảnh người con gái đuổi Neil đi nơi khác, và sẵn sàng mở cửa đón tiếp anh. Đó cũng chưa hẳn là yêu, Vân thú thực và cảm nhận, tất cả mới chỉ bắt đầu cho một tình bạn, chỉ là tình bạn.
Trong suốt 3 tuần ở tại Việt Nam, Neil hầu như không có kế hoạch đi chơi. Vân có một chút nghi ngại và hoang mang, bởi rõ ràng những cái gì nhanh chóng như thế đều không chắc chắn. Vân hỏi lại Neil thêm một lần nữa: "Anh không đi chơi với các bạn à?".
Neil trả lời rõ ràng, "Anh không, anh qua thăm em chứ anh có đi đâu đâu".
Neil gắn với Vân như hình với bóng. Cô xuống nhà uống trà đá anh cũng đi theo, cô đi lên anh cũng đi lên. Và thậm chí Vân đi làm, Neil cũng xin đi theo. Vân chợt nghĩ, "Sao lại có người đàn ông lạ vậy ta? Để thử hết 3 tuần xem như nào...".
Chẳng có gì thay đổi. Neil không đi đâu và gặp bất cứ ai.
Kết thúc 3 tuần tại Việt Nam, Neil quay lại Úc với lời hứa: "3 tháng nữa anh sẽ quay lại Việt Nam thăm Vân nhé!".
Đúng 3 tháng sau, Neil quyết định xin nghỉ việc tại Úc và sang Việt Nam định cư. Cả 2 sống thử suốt một năm. Quãng thời gian này, Neil gần như làm mọi chuyện cho Vân, chăm sóc cô từ A đến Z. Vân bắt đầu tò mò về người đàn ông này nhiều hơn. Có chút gì đấy gần gũi, Vân nghĩ mình đã thương anh ấy mất rồi.
Sau một năm sống chung, Vân và Neil đăng ký kết hôn và chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp. Cả 2 không tổ chức đám cưới, vì với họ, đó cũng là một hình thức và không hề cảm nhận niềm hạnh phúc trong đó.
"Mình nghĩ khi nào thu xếp đủ thời gian, mình sẽ rủ khoảng 20 bạn thân, bay đến một nơi nào đó có bãi biển đẹp, có một bữa tiệc nho nhỏ, có vài đêm với nhau cùng nói chuyện. Mình thích như thế hơn".
Nhớ lại quyết định mà người ngoài nhìn vào có phần "điên dại" của Neil, rằng anh từ bỏ một công việc quá tốt tại Úc chỉ vì một cô gái Việt Nam xa lạ, liệu khi đấy có ai cấm cản Neil? Vân khẽ tâm sự, cả cô và Neil đều là những người độc lập. Vân thừa biết chồng mình là một người tự quyết định được cuộc sống nên cô mới chọn anh. Nếu mất thời gian đi thuyết phục mọi người, có lẽ sẽ muộn màng và phải đến hết đời mất.
"Mình sống thực tế và Neil cũng vậy. Mình nghĩ người đàn ông này đủ trưởng thành để biết cái gì nên cái gì không nên. Neil biết anh ấy đang lựa chọn cái gì, những lựa chọn của Neil không ai tác động được. Anh ấy yêu ai, làm việc ở đâu, sống như thế nào là do anh ấy quyết. Với gia đình, tất cả chỉ mang tính chất thông báo. Rất may, cả gia đình đều ủng hộ Neil sang Việt Nam sống với mình, bởi họ thấy chị thú vị.
Neil là một người đàn ông đặc biệt. Mình vẫn hay đùa, anh là một trường hợp thích thú để mình phải tìm hiểu".
"Anh đã từ bỏ phân khối lớn để về Việt Nam lái xe lăn giúp em, là kì tích phải không?"
Nghe đến chuyện của Vân và Neil, người ngoài nhìn vào đều rất ngạc nhiên. Tuy nhiên với Vân, đó lại là một điều bình thường, không có gì đặc biệt. "Tụi mình sống chung 1 năm rồi đi đến kết hôn. Mình muốn mọi người nhìn vào như một cuộc sống, một tổ ấm bình thường khác".
- "Nhưng liệu anh chị có nghĩ tới việc sẽ có một đứa con?".
- "Nói thật là không. Điều này không phải sai hay đúng, nhưng tụi mình không nặng nề chuyện con cái. Nếu thực sự mình muốn một đứa con nhưng không thể sinh, mình hoàn toàn có thể nhận con nuôi. Mặc dù bạn bè nói nhiều lắm, sinh con đi, nếu không được có thể nhờ người mang thai hộ, sử dụng công nghệ để có một em bé là dòng máu của mình. Nhưng mình không thích như thế...".
Nhiều người từng hỏi vợ chồng Vân, liệu đi bên Vân, anh có ngại hay tự ti với những người khác không, cả chuyện con cái và tình dục nữa. Vân nói, cô xin phép không trả lời. Còn riêng Neil, anh đáp: "Nếu họ quan tâm như thế, thì đấy là việc của anh! Anh không lấy vợ để chăm sóc hay quan tâm lúc anh về già. Từ trước giờ anh vẫn tự chăm sóc mình, anh không quen em chỉ vì nhu cầu một đứa con hay cần ai đó chăm sóc. Như thế chả phải anh chọn sai người rồi sao".
Neil bế đứa cháu gái bên nhà vợ. Hai vợ chồng Vân vẫn chưa nghĩ đến chuyện có một đứa con.
Trong mắt bố mẹ, Vân là đứa con gái tuy vẻ ngoài nhỏ bé nhưng đủ trưởng thành để giải quyết mọi vấn đề. Trước quyết định cưới Neil, bố Vân chỉ nói một điều: "Con hãy xem đây là sự ngẫu hứng. Nếu sau này có ra sao cũng đừng thất vọng về nó".
- "Ba yên tâm, con gái của ba biết phải làm gì. Sau này nếu có tan vỡ, yên tâm không có gì làm con chết được".
Vân là người yêu cuộc sống, trước đây có bao nhiêu tiền nếu không đi shopping, Vân sẽ lại đi du lịch. Cơ bản có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Vân từng chiến đấu với cuộc đời này một mình, đôi khi cái cô có duy nhất là sự can đảm. Nhưng từ khi có Neil là điểm tựa vững chắc, Vân không còn áp lực nữa và mong muốn xây dựng một tổ ấm, một gia đình đúng nghĩa. Hơn nữa, cô mong mình có sức khoẻ thật tốt và cơ thể xin đừng teo tóp thêm.
"Hoá ra kết hôn không phải là nấm mồ của tình yêu. Từ khi có Neil, mình có kế hoạch dài hơi hơn. Mình có ý định mua một mảnh đất nhỏ, có căn nhà nhỏ, có vườn. Mình từng hỏi, nếu xây nhà mình sẽ ở với ai. À giờ mình đã có câu trả lời: mình sẽ ở cùng Neil - chồng mình".
Sống chung với nhau, đương nhiên Vân có những thói quen Neil không thích và ngược lại, Vân cũng không chấp nhận được một số tính cách của Neil. Nhưng cả 2 hiểu rằng, mình đang không cố để thay đổi đối phương theo cách của riêng mình. Bên trong Vân và cả Neil, đều có không gian riêng, sự tự do riêng. Đến với nhau, cách tốt nhất để duy trì hạnh phúc là sự cảm thông và sẻ chia.
Khi 2 người ngồi cạnh nhau, Vân hay hỏi chồng: "Anh mong ước điều gì trong cuộc sống này?"
Vân hỏi rất nhiều lần, và lần nào Neil cũng đáp: "Anh mong cuộc sống có niềm vui, anh chỉ muốn làm cho em vui. Mỗi ngày em vui là anh vui. Có 2 thứ anh rất thích: một là xe phân khối lớn, 2 là đồng hồ. Và em thấy đấy, anh đã từ bỏ phân khối lớn để về Việt Nam lái xe lăn giúp em. Là một kì tích phải không?".
Ảnh: Việt Anh
Trí thức trẻ