Chuyện tình của cụ ông 84 tuổi và người vợ đẹp nhất phố Phùng Hưng nổi tiếng sau vụ cây đa cổ thụ bật gốc
"Tôi yêu đến tận cùng chữ yêu. Vì tôi chỉ có một trái tim, để dành cho yêu thương, cho người bạn đời của mình, rồi sau đó là các con, các cháu".
Bão đã đi qua nhưng trời Hà Nội vẫn đổ những cơn mưa tầm tã. Mọi người trêu nhau: "Là ông trời đang khóc đấy", vì Thủ đô giờ nhìn lạ quá, chẳng nhận ra.
Qua cơn bão, mấy chục nghìn cây xanh gãy đổ hết cả. Rõ là đi trong phố mà cứ ngỡ như đang lạc ở một khu rừng nào vì ngổn ngang toàn cành, toàn lá. Lẫn trong đó là những tiếng thở dài, những cái lắc đầu buồn bã của mọi người khi thấy có những cây cổ thụ vốn đã thân quen, đứng sừng sững cả một đời người nay cũng “ra đi”.
Trong khung cảnh ấy, điểm sáng duy nhất đọng lại trong đầu chính là bức ảnh vô tình lướt thấy trên Threads. Một cụ ông, khoác tay một cụ bà đang chụp hình trước cây đa đổ chắn ngang đường.
“Tối qua trong cơn bão, bà ngoại gọi điện báo từng nhà là cây đa của ông đổ xuống mất rồi, hôm nay bão tan đưa ông bà ra tạm biệt cây đa, ông mới kể cây ông trồng xuống đất đúng sinh nhật bà năm 1972. Qua bao nhiêu năm cây đa đứng vậy, ông bà có con rồi có cháu, loanh quanh chạy chơi cũng chỉ nhìn cây đa từ dưới gốc lên, lần này cây đa nằm rạp ngang đường, mới nhìn được rõ tán cây cao rộng như nào”, dòng trạng thái đi kèm bức ảnh trở nên viral khắp mạng xã hội.
Thế nhưng, ngoài nỗi đau đáu về cây cổ thụ, điều tò mò hơn cả lại nằm ở cái khoác tay của hai ông bà tuổi ngoài 80, ở ánh mắt khi họ cùng nhau đứng lặng nhìn về một hướng và ở câu nói “tôi trồng cây này đúng dịp sinh nhật bà”.
Chuyện tình của cụ ông 84 tuổi và “cô gái đẹp nhất” phố Phùng Hưng
Tò mò thôi thúc… và thế là một cuộc gặp gỡ với ông bà đã diễn ra ngay tại nơi cây đa cổ thụ bị quật ngã, đoạn cắt phố Phùng Hưng và phố Phan Đình Phùng. Ông là Nguyễn Xuân Cường (84 tuổi, Hà Nội) còn vợ ông là bà Hoàng Thanh Hằng (80 tuổi, Hà Nội).
Ông bà bước đến diện trang phục chỉnh tề, đã vậy còn tone-sur-tone, nhìn đẹp đôi hơn so với bức ảnh viral trên mạng nhiều. Ông vừa dắt tay bà ra chỗ cái cây, các cô, bác hàng xóm như chỉ đợi điều này từ lâu, vội ùa tới, mỗi người hỏi thăm một câu:
“Ông Cường ơi, cây đa ông trồng đổ mất rồi”.
“Ông bà lên thăm lại cây đấy à, đổ mất rồi, buồn quá ông nhỉ”.
“Bão quật đổ cây đa, nhìn tiếc và xót quá ông ơi”.
…
Hỏi ra mới biết, ông Cường nổi tiếng cả phố Phùng Hưng nhỏ này, không ai là chưa nghe tên. Cây đa cổ thụ bị bão quật đổ đầu phố cũng vậy, là cây do tự tay ông trồng cách đây 52 năm. “Lúc ông trồng cây này, con mới có 2 tuổi”, một cô hàng xóm lanh lẹ nói.
Thế đấy, cái cây ông trồng lớn cùng với người dân quanh đây qua bao năm tháng, mọi người yêu quý, vẫn hay gọi là “cây đa ông Cường Vante”.
Nhìn cây đa to bề thế, thân xù xì, tán rộng, lá còn đang mọc xum xuê xanh rì là đủ hiểu tình yêu, tâm huyết ông Cường gửi vào đầy nhiều cỡ nào. Giờ qua một đêm mưa bão lớn, cây bật gốc, đổ chắn ngang đường Phùng Hưng. Mùi nhựa cây, mùi gỗ, mùi lá hòa với không khí ẩm ướt, trời còn chưa tạnh hẳn khiến người vô tình đi qua cũng tự nhiên thấy lòng xơ xác, hẫng mất một nhịp nữa là người trồng ra nó…. Khi cây không còn ở phương thẳng đứng, người mạnh mẽ tới đâu trong lòng cũng cảm thấy “nghiêng ngả”.
Ông kể: “Tôi trồng cây này vào ngày 10/12/1972. Sự tích cây đa này thì ban đầu là cây tầm gửi trên cây bàng, tôi cùng một người bạn trèo lên hái xuống để trồng. Ngày xưa tôi trồng vào hố tăng xê, hầm trú ẩn của bà con Thủ đô trong những ngày kháng chiến chống Mỹ. Cây đa trường tồn, vĩnh cửu cho sự hoà bình. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
“Nhưng do thiên tai đến gây ra mất mát này, tôi đau xót nhiều lắm chứ. Nói thật, tôi xót xa lắm. Cây đa này tôi trồng muốn tặng kỷ niệm sinh nhật vợ. Đây như đứa con tinh thần của tôi, nhưng không biết làm thế nào được, chuyện đã rồi. Nhà mất cái TV, hỏng cái tủ còn có tiền mua lại được chứ cây thì trồng khó lắm”, nói đến đây, ông tự dưng nghẹn ngào, bà phải vội xoa lưng trấn an.
Ông Cường cũng cho biết cũng vì bão mà hệ thống cây xanh khắp Hà Nội bị quật ngã, gãy đổ. Nên mong ước lớn nhất bây giờ chỉ mong có thể ươm lại, trồng lại để đường phố trở lại như trước, có thêm nhiều bóng mát cho đời. Còn về biệt danh Vante, ông chỉ cười xòa cho hay đó là biệt hiệu của ông thời còn trẻ.
Tiếp lời của ông, bà nói về món quà ý nghĩa được tặng vào ngày sinh nhật của mình: “Buồn chứ, tiếc chứ. Vì cũng là kỉ niệm, sinh nhật hồi đó nhà đông con, khó khăn nhưng vẫn làm mâm cơm gia đình và rồi được ông trồng đúng cây đa vào ngày này”.
Thế hệ trẻ như chúng mình thì cứ xuýt xoa sao ông lãng mạn thế, trồng cây tặng bà nhân dịp sinh nhật. Nhưng ông bà lại cho rằng đó chỉ là một sự trùng hợp, một cái duyên nhưng vô tình lại mang nhiều ý nghĩa và trở thành nhân chứng cho một chặng đường dài của cuộc đời.
Dẫu vậy, cây xuất hiện vào ngày đặc biệt của người bạn đời như nhân thêm những tình yêu thương. Cũng tại cây đa này, đã chứng kiến biết bao sự thay đổi ở cả một đời người. Ông bà có thêm con rồi lại thêm cháu. Tiếp nối bao thế hệ cứ chạy chơi, nô đùa dưới sự che chở bóng mát của cây đa. Lũ trẻ con còn nghịch ngợm đến mức, ông Cường kể lại mỗi đêm giao thừa cứ phải đứng canh có ai “bẻ lộc” đi mất hay không.
Bao kỷ niệm của cả một thời gói gọn với chiếc cây đa này. Giờ cây bị quật ngã, ai cũng thẫn thờ như những mảnh ký ức bị vỡ vụn. Nhưng rồi nhận ra rằng, thực tế cuộc đời, chẳng có gì là mãi mãi. Tuy nhiên bằng sự trân trọng, kế thừa, vợ chồng ông Cường luôn hướng các con, các cháu đến một thói quen không bao giờ thay đổi. Đó chính là bất kể dịp đặc biệt nào của gia đình, đều tụ tập trong ngôi nhà cổ trên con phố Phùng Hưng này để ông bà có dịp ôn lại chuyện cũ, các con, các cháu thì có cơ hội kể về những điều mới mẻ ngoài kia.
Tâm sự từ chuyện cây đa cổ thụ, lại lân la hỏi thêm ông bà về chuyện tình yêu thời xưa, thứ mà những người trẻ luôn ao ước và ngưỡng mộ. Có một dạo, thế hệ trẻ ca ngợi tình yêu kiểu “ông bà anh”, yêu nhau từ lúc chẳng có gì nhưng lại sâu đậm, gắn bó keo sơn hơn cả. Bởi thời đó ai cũng quan niệm, hỏng thì sửa chứ không mua mới. Chắt chiu từng cảm xúc, từng những lần được đi chơi, nắm tay dạo phố rồi là những người bạn đời của nhau 20 năm, 30 năm, rồi 60 năm,...
Chuyện tình của ông bà cũng vậy. “Tôi yêu đến tận cùng chữ yêu. Vì tôi chỉ có một trái tim mà. Trái tim để dành cho yêu thương, cho người bạn đời của mình, rồi sau đó là các con các cháu”, ông Cường mở đầu một cách mạch lạc, dõng dạc về tình yêu của mình.
Ông kể ngày xưa mình là văn công Cải lương trong Đoàn Chuông Vàng, nên tự nhận tính cách nghệ sĩ lắm! Ngoại hình thời trai trẻ cũng phong độ, “xì po” khoẻ khoắn chứ không “hom hem” như bây giờ. “Tôi gặp bà nhà cũng là một cái duyên số thôi. Hồi đó còn đang đứng làm thêm máy tiện, gặp bà là thấy ấn tượng vì đẹp lắm. Tôi vẫn nhớ mình mặc quần bò, mặc áo may ô, thanh niên trai tráng 75kg chứ không như giờ đâu”.
Cứ hỏi một câu, ông lại tấm tắc khen người bạn đời của mình một câu. Ông nói bà ngày xưa đẹp lắm, xinh gái, luôn là đẹp nhất trong mắt ông. Còn bà nghe vậy chỉ ngại ngùng lắc đầu rồi cười nhẹ.
Kể về ấn tượng của mình, bà nói: “Lúc đầu bạn của bà làm cùng chỗ ông, hôm đó không nhớ có việc gì mà hai chị em hẹn đến gặp nhau. Thấy ông này cứ đứng sững ở đó nhìn mình, thế là mình cũng ngượng quá. Mà hồi đấy còn trẻ lắm, có mười mấy tuổi thôi, nên cũng vô tư. Đi về mới biết ông hỏi người bạn địa chỉ nhà, thế là hôm sau ông xuất hiện, ngày nào cũng đến”.
“Mà ngày xưa ở nhà phải gánh nước, bà xuống nhà thấy ông đứng đó. Vừa sững sờ vừa ngại quá vì có mời ông đến đâu. Rồi ông mở lời gánh hộ nước vào. Hay đến khi đi làm, ngày nào ông cũng đến đón đưa, bất kể trời mưa gió. Cứ thế thôi, 2 năm cuối cùng cũng lấy nhau”, bà Hằng kể thêm về những lần chạm mặt ngày xưa và cả cách ông “trồng cây si” để theo đuổi.
Đúng là “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”. Dù tính đến hiện tại, ông bà cũng đã cưới nhau được 62 năm, 6 người con đều trưởng thành, thêm cháu và cả chắt nhưng những ký ức về ngày đầu tiên dù không còn quá chi tiết, vẫn rất khó để quên được cách mà họ “phải lòng” nhau. Chỉ một hành động đơn giản, một trái tim nhiệt tình, chân thành nhưng đổi được cả một gia đình hạnh phúc hàng thập kỷ.
Giống như cách ông Cường nói: “Yêu thật sự, hai trái tim chung một xuất phát điểm, chân thành, trung thành mới ở bên nhau được đến ngày nay. Tôi vẫn hay nói với các con cháu, may đời tôi lấy được bà nên mới vui vẻ, viên mãn như hiện tại. Bà đẹp người, đẹp nết, các con cháu cũng nhìn vào và học hỏi được rất nhiều”.
Nói như ngôn ngữ thời nay thì ông có tính cách hướng ngoại, bà lại gần như 100% hướng nội. Đây cũng là điểm duy nhất trái ngược giữa hai ông bà. Bà luôn bảo, ông vui tính, hay chuyện còn bà thì ít nói, chậm chạp hơn. Nhưng cũng chính sự đối lập đấy, lại là cách để họ thể hiện tình cảm cho đối phương. Một người sẵn sàng nghỉ việc ở nhà để chăm sóc các con, một người bù đắp bằng việc phụ giúp thổi cơm, gắp từng miếng ăn cho vợ, cuối tuần nào cũng đưa cả nhà đi dạo phố,...
“Có lúc giận chứ nhưng đấy là chuyện bình thường. Giận thì giận mà thương thì vẫn thương, vẫn yêu, không thể bỏ nhau được”, ông Cường vừa cười vừa tâm sự.
Câu nói đó thể hiện sự khác biệt rõ nhất trong tình yêu của thời xưa và thời nay. Hay kể cả chuyện đi hẹn hò, giới trẻ bây giờ có điện thoại, có phương tiện đầy đủ nhưng thời ông bà, một buổi đi chơi có nhiều thứ lạ lắm.
“Ngày xưa thì tối nào cũng đi chơi, đèo nhau bằng xe đạp thôi. Đi ra Tràng Tiền, đi nghe nhạc,... chứ không ngồi quán nhiều như bây giờ. Cũng đi xem phim nhưng thế hệ chúng tôi xưa nhát lắm. Cầm tay nhau đi ngoài đường còn sợ, còn ngại”, ông Cường bày tỏ thêm.
Khi được hỏi, con cháu luôn ngưỡng mộ về tình yêu của ông và bà, có bao giờ cả hai truyền lại ‘bí quyết” gì cho lớp trẻ không, bà thẳng thắn chia sẻ: “Ông cũng thích nói chuyện ngày xưa, ôn lại kỉ niệm nên có dịp vẫn kể lại. Nhưng cứ chân thành với nhau, các con, các cháu nhìn vào cũng thấy có một tấm gương để tự học hỏi, đôi khi còn hơn cả việc dạy bảo bằng lời”.
Ở tuổi ngoài 80, ông Cường, bà Hằng vẫn giữ lại không sót một thói quen nào trong suốt 62 năm cưới nhau. Vẫn luôn là những ngày cuối tuần, hai ông bà dắt tay nhau dạo phố, thăm lại những địa điểm ngày xưa; Vẫn luôn tổ chức đầy đủ mỗi dịp kỉ niệm ngày cưới, chụp hình để lưu lại cho con cháu xem; Vẫn luôn là một người thích nghe hát, một người thích xem phim nhưng đi đâu cũng phải có nhau, thiếu bà ông cũng nhất định sẽ ở nhà.
Tình yêu bình dị của ông bà ngày trước chỉ bình dị như thế nhưng lại khiến mọi người phải thổn thức và ngưỡng mộ. Trong mắt chúng ta, tình yêu ấy dù có qua biết bao thăng trầm hay vất vả thì vẫn cứ trong trẻo và đáng yêu biết mấy. Nhìn ông bà, cuộc đời này có lẽ chỉ cần 1 tình yêu tri kỷ và bền vững như thế mà thôi.
Phụ nữ số