Chuyện tình cựu Tổng thống Obama: Từ “gã – được – thổi – phồng” đến ông chủ Nhà Trắng và công cuộc tán tỉnh công phu của những người có EQ cao
“Nếu Barack tin là anh ấy có thể làm một điều gì đó trong chính trị, thì tôi là ai mà lại ngăn cản anh? Tôi là ai mà đạp đổ ý tưởng đó khi anh thậm chí còn chưa làm thử? Suy cho cùng, anh là người duy nhất đã vẫy gọi tôi tiến lên phía trước khi tôi muốn từ bỏ sự nghiệp luật sư của mình… Trong 6 năm bên nhau, anh ấy chưa một lần nghi ngờ bản năng hay năng lực của tôi. Điệp khúc của anh vẫn luôn là: Đừng lo. Em có thể làm được. Chúng ta sẽ tìm ra cách”.
Vào tháng 6/1989, chàng sinh viên ngành luật của trường Đại học Harvard, Barack Obama lần đầu gặp nữ đồng nghiệp kiêm cố vấn kém mình 3 tuổi là Michelle Robinson tại hãng luật Sidley & Austin ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Có lẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên, chàng sinh viên trẻ đã phải lòng nữ cố vấn xinh đẹp của mình.
Trong khi đó ấn tượng đầu tiên về chàng thanh niên Barack Obama trong lòng cô luật sư Michelle bấy giờ "Nhìn qua hình ảnh trong thư mục nhân viên – một tấm ảnh chụp mặt thiếu sáng, chẳng đẹp đẽ cho cam của một anh chàng có một nụ cười to và một vẻ mọt sách – và chẳng thấy chút gì xúc động, chẳng có gì nổi bật" Michelle chia sẻ.
Chưa kể việc Barack đến muộn ngay trong buổi gặp đầu tiên, khiến Michelle nhấn mạnh trong cuốn hồi ký "Chất Michelle" như một ấn tượng khó phai trong câu chuyện tình của hai người "Sự trễ nải làm tôi phát điên và rằng tôi coi đi trễ chẳng gì khác là ngạo mạn". Điểm cộng duy nhất dành cho anh chàng được Michelle miêu tả chính là nhờ "Giọng nam trung dày, thậm chí quyến rũ, dường như chẳng ăn nhập gì với bức ảnh chụp".
Tất cả những cảm xúc ban đầu bà Michelle nhận được hoàn toàn khác xa với những gì người ta đồn về anh chàng phi thường ấy. Người mà được kháo rằng một giáo viên của anh ở Harvard – nhận định anh ấy là sinh viên thiên khiếu nhất mà bà từng gặp.
Với tất cả những hoài nghi ấy, ấn tượng đầu tiên dành cho Obama chỉ đơn thuần là một-gã-được-thổi-phồng. "Nếu như từng biết gã ta đến đây trong danh tiếng một người xuất chúng, thì tôi khẳng định rằng nó chẳng hề thể hiện ra".
Vào thời điểm đó, ông Obama đã lập tức đưa ra quyết định phải "cưa đổ" cô đồng nghiệp xinh đẹp ấy, trong khi đó Michelle lại không hề có ý định hẹn hò với đồng nghiệp. Nhưng bằng bản năng của hai con người quá thông minh và tinh tế khi ở cạnh nhau, nó như hai mảnh ghép hoàn hảo cho một bức tranh, bà Michelle đành thú nhận rằng: "Là cố vấn cho Barack, tôi có vai trò như một người dẫn nối, phân công công việc dành cho tôi là khiến anh vui thú với công việc, có một ai đó để trao đổi nếu cần lời khuyên, cảm thấy gắn bó với thành viên của nhóm. Đó là khởi đầu của cả một quá trình cưa cẩm quy mô hơn, thật sự vậy", và thật ra là "Anh ấy âm thầm tán tỉnh tôi và tôi cũng đã tán tỉnh anh ấy".
"Barack nghiêm túc nhưng vẫn tự trào. Bình thản trong cung cách nhưng mạnh mẽ trong tư duy. Đó là một kết hợp lạ lùng, đầy kích thích. Tôi thấy mình ngưỡng mộ sự tự tin và cử chỉ chân thành của Barack. Barack là dạng có đầu óc, có lẽ là quá đầu óc đối với hầu hết phụ nữ."
"Trong khi thế giới của tôi đầy ắp những con người giàu hy vọng, siêng năng, bị ám ảnh với sự thăng tiến. Thì Barack lại cảm thấy hài lòng hơn khi dành buổi tối ở nhà một mình đọc về chính sách nhà cửa thành thị."
Tất cả những rung động ấy khiến mọi ấn tượng xấu ban đầu đều được châm chước và bà Michelle không khỏi nhanh chóng bộc lộ những cảm xúc thật của mình ngay những chương đầu của cuốn sách Chất Michelle: "Vào những ngày chúng tôi quá bận rộn không thể gặp mặt nhau, tôi luôn tự hỏi anh ấy đang làm gì. Tôi thuyết phục mình chớ nên thất vọng nếu như anh ấy không hiện ra trước cửa phòng làm việc. Tôi tự nhủ chớ có mà quá phấn khích khi anh xuất hiện. Tôi có cảm xúc với anh chàng này...
Ngồi trong một buổi xem hòa nhạc cùng công ty, tôi hỏi:
"Anh đã nghĩ gì?"
Anh ấy nhìn ngang sang phía tôi. "Khủng khiếp, có phải không?"
Tôi cười, thấy nhẹ nhõm vì anh ấy cũng cảm thấy giống tôi.
"Nếu ra khỏi đây bây giờ thì sao?" anh hỏi.
Trong các hoàn cảnh thông thường, tôi sẽ không bật nhào lên. Tôi không phải kiểu người đó. Tôi quan tâm quá mức những gì cánh luật sư khác nghĩ về mình. Nhưng chúng tôi đã lẻn ra ngoài nhà hát, tôi thở phào, nhẹ nhõm đến độ khiến cho Barack cười phá lên.
"Giờ mình đi đâu?" tôi hỏi.
"Hay là mình ăn kem nhỉ?" Barack nói.
Chúng tôi ngồi bên cạnh nhau (ở bên đường), xoãi gối, mệt mỏi một cách dễ chịu sau một ngày ngoài trời, ăn kem nhanh chóng và không nói với nhau tiếng nào, cố gắng kịp cho kem không chảy. Anh nhìn tôi một cách tò mò, với vẻ vừa hé của một nụ cười.
"Anh hôn em nhé?" anh hỏi.
Và với câu nói ấy, tôi tựa vào anh và mọi thứ đều sáng tỏ".
Yêu nhau một thời gian dài, hai người đã nói chuyện về hôn nhân giả thuyết vô số lần, và gần như chẳng có mấy gì thay đổi. Bà Michelle là một người phụ nữ theo truyền thống còn ông Obama thì không. Dường như rất rõ là chẳng ai trong hai người có thể bị đối phương thuyết phục. Thế mà, điều này chẳng hề ngăn cản họ – đằng nào cũng là hai luật sư – bàn luận về chủ đề này sôi nổi.
"Nếu chúng ta cam kết bên nhau," Michelle hỏi, giọng cao đều hết cỡ có thể, "thì vì lẽ gì chúng ta không thể hợp thức hóa cam kết ấy? Phần nào trong đức tính của anh sẽ bị hy sinh khi điều đó xảy ra?"
Bà quá tuyệt vời đến mức bất cũng ai cũng phải ấn tượng, một người phụ nữ có EQ cao, bà đã hỏi rằng: "Phần nào trong đức tính của anh sẽ bị hy sinh?" chứ không phải là Vì sao anh không hiểu cho em, hay vì sao anh lại thấy việc kết hôn là không đúng?
Hai người không cãi nhau, nhưng tranh luận, và theo đúng lối luật sư. Họ ra đòn và đỡ đòn, phân tích và kiểm tra chéo, dù rất rõ ràng rằng mọi chuyện được mô tả bằng chính phần lo lắng trong Michelle.
Cuối cùng, người bồi đến tay bưng một đĩa đồ tráng miệng, bên trên đậy một nắp bằng bạc, bày nó xuống trước mặt hai người và giở nắp ra. Bà Michelle nhớ lại: "Tôi trông thấy một chiếc hộp nhung sẫm thay chỗ cho một chiếc bánh sô cô la. Bên trong là một chiếc nhẫn kim cương. Barack nhìn tôi rất hớn hở. Anh ấy đã bẫy tôi. Tất cả chỉ là một màn đánh lạc hướng. Vụ án này đã kết thúc. Anh ấy quỳ một gối xuống và với một chút khác đi trong giọng nói, anh ấy chân thành hỏi liệu tôi có thể làm đẹp lòng anh ấy bằng việc chấp thuận kết hôn hay không. Theo cách nào đó, cả hai chúng tôi đều đã thắng. "Chà," anh ấy nhẹ nhàng nói, "làm vậy để em không nói nữa."
Và tôi đồng ý lời cầu hôn của Barack!"
Barack Obama và Michelle Robinson đã chính thức kết hôn vào ngày 3/10/1992, sau 3 năm hẹn hò. Lúc ấy, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã nói với vài người bạn rằng: "Vợ của tôi thông minh hơn tôi và khó chịu hơn tôi nhiều."
"Nếu Barack tin là anh ấy có thể làm một điều gì đó trong chính trị, thì tôi là ai mà lại ngăn cản anh?". Và vì vậy Michelle đồng ý để Obama đi theo con đường chính trị, dù bà là người đã luôn thẳng thắn: "Tôi không bao giờ là một người hâm mộ chính trị ".
Trong suốt một thập kỷ xuất hiện trước công chúng với những khoảnh khắc ngọt ngào của hai vợ chồng, quen thuộc như hình ảnh ông Obama hôn vợ mình ngay trước hàng ngàn người, khi chuẩn bị lên đọc diễn văn tại Chicago. Mỗi lần hẹn hò "Khi nhìn thấy anh bước băng qua những dãy bàn, cười giương cả hàm răng trong lúc mắt anh tìm thấy mắt tôi. Anh sẽ hôn tôi và cởi tiếp chiếc áo khoác, choàng nó ra sau ghế rồi mới ngồi xuống. Chồng tôi. Thói quen ấy khiến tôi vững tâm" bà Michelle bộc bạch.
Cũng vì thế cả thế giới đều mặc định Tổng thống Obama không chỉ có một sự nghiệp thành công rực rỡ, mà còn may mắn có được một gia đình êm ấm, lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười. Nhưng giống như bao cặp vợ chồng khác, trong gần 30 năm chung sống bên nhau, cuộc hôn nhân của họ cũng đã trải qua những cơn sóng to gió lớn, có lúc đứng bên bờ vực thẳm tưởng chừng không thể cứu vãn nổi.
"Trong cuộc sống, những gì chúng ta vẫn luôn tin là nếu anh ấy làm điều gì đó tốt đẹp cho tôi, tôi sẽ làm điều gì đó tốt đẹp cho anh ấy, hoặc ngược lại. Điều đó nghe có vẻ hay ho và hợp lý, nhưng trong thực tế, nó không như vậy.
Khi chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp cho ai đó, chúng ta mong đợi điều họ làm cũng phải bằng của mình. Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thứ mình nhận lại từ họ cũng bằng với thứ mình đã trao. Rồi đến lần tới, khi chúng ta muốn trao cho người đấy chút gì đó tốt đẹp, chúng ta lại giữ lại một chút cho chính mình, vì cảm thấy rằng, trước đó họ đã không trân trọng những gì mình cho đi. Từ đó, tình yêu dần dần bớt đi một chút.
Về cơ bản, chúng ta chỉ ngừng quan tâm đối phương khi chúng ta cảm thấy đối phương ngừng quan tâm đến mình.
Và chỉ có một người duy nhất có thể dành lại được tình yêu ấy, đó là người có thể chấp nhận thay đổi mình, trước khi muốn đối phương phải thay đổi".
Bà Michelle đã quyết định mình sẽ là người thay đổi và làm mọi điều trong khả năng. "Bắt đầu nhìn ra rằng hạnh phúc không nhất thiết cần phải đến từ việc Barack từ bỏ con đường chính trị để đón lấy một công việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều hàng ngày.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi đã tự nhồi nhét những phần tiêu cực nhất của bản thân, trong ý nghĩ rằng mọi thứ đang bất công và rồi miệt mài. Giờ tôi thử một giả thiết khác: Có thể tôi có thể chịu trách nhiệm nhiều hơn về hạnh phúc của bản thân hơn tôi đang cho phép chính mình cảm thấy. Tôi quá bận với việc tức giận với Barack vì anh ấy tìm cách chen giờ tập thể dục vào lịch trình, chẳng hạn, nên không thể bắt đầu nhận ra chính tôi cũng cần phải đều đặn tập thể dục. Tôi dành quá nhiều năng lượng hầm nhừ cái chuyện anh ấy có về nhà ăn tối hay không đến độ các bữa tối, dù có hay không có anh ấy, chẳng còn gì vui vẻ nữa".
Từ một người phụ nữ tham vọng, bà đã buộc bản thân phải gọn gàng hơn các nỗ lực dành cho công việc của riêng mình. Gần như tự ép bản thân dập tắt những mong muốn của chính mình, lùi lại vào những thời điểm mà nếu là bà trước kia thì bà sẽ tiến lên phía trước.
Đó chính là những đánh đổi của Michelle. Nếu trước đây bà luôn được miêu tả như một người không từ chối bất kỳ cơ hội nào, thì giờ đây chính là một bước ngoặc, thời điểm "tôi tự bắt giam chính mình. Và anh ấy cũng rèn luyện để thay đổi điều đó – nhưng tôi đã thay đổi phần mình, và những thay đổi ấy thật sự giúp ích cho tôi, và do đó giúp ích cho chúng tôi. Việc tập luyện trở lại đã thay đổi tất cả: Điềm tĩnh và sức mạnh, hai thứ mà tôi sợ mình đang đánh mất, giờ đã quay trở lại".
Dần dần Barack cũng thay đổi, từng chút một "Khi có mặt ở nhà, anh ấy trọn vẹn vai trò của mình thật ấn tượng, chơi trên sàn nhà với lũ trẻ, đọc to Harry Potter cho Malia ban đêm, cười to trước những câu đùa của tôi và ôm tôi thật chặt, nhắc nhở tất cả chúng tôi về tình cảm của anh và sự bình ổn trước biến mất trong nửa tuần kế tiếp hoặc có khi lâu hơn. Chúng tôi tận dụng hết cỡ những chỗ trống trong lịch của anh, dùng bữa và gặp gỡ bạn bè. Anh ấy nuông chiều tôi bằng việc đồng ý xem phim Sex and the City. Tôi chiều anh (đôi khi) bằng The Sopranos."
Cũng nhờ vậy mối quan hệ ấy đã hồi sinh.
Trong bài diễn văn chào tạm biệt của tổng thống Obama 10/01/2017, ông đã không nén nổi những giọt nước mắt xúc động khi nói ra những lời từ tận đáy lòng: "Michelle LaVaughn Robinson, cô gái của South Side. Trong 25 năm qua, em không chỉ là vợ và mẹ của các con anh, mà còn là người bạn thân thiết nhất của anh. Em đã đảm nhận một vị trí mà bản thân em không hề trông đợi, đồng thời biến nó thành của riêng mình với sự duyên dáng, dũng cảm, phong cách và hài hước của em. Em đã khiến Nhà Trắng trở thành một nơi thuộc về tất cả mọi người. Và cả một thế hệ đã đặt ra một tầm nhìn mới cao hơn nhờ việc xem em là hình mẫu. Vì vậy, em đã làm anh và đất nước này cảm thấy tự hào."
Ông Obama cũng không quên khẳng định rằng, quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời ông không phải là những sự kiện trên cương vị Tổng thống, mà chính là việc lựa chọn bà Michelle làm vợ, làm mẹ của các con ông.
Trí thức trẻ