MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện tối thứ 4: Đã bao lâu rồi bạn chưa tự đánh giá công việc của mình?

19-07-2017 - 21:31 PM | Doanh nghiệp

Rất nhiều người đã tự cho rằng mình làm tốt công việc được giao, nhưng có mấy ai tự đánh giá lại công việc của mình?

Câu chuyện tối nay sẽ chỉ là những chắp đoạn vụn vặt để bạn rút ra những chiêm nghiệm của bản thân về việc quản lý nhân sự, về thái độ công việc và đặc biệt là về việc tự kiểm điểm, nhìn lại bản thân để cùng phát triển.

Chuyện kể rằng, có một cậu bé tiến đến bốt điện thoại công cộng gần một tiệm thuốc tây và dùng một thùng carton cứng đặt ngay bên dưới chân máy điện thoại công cộng. Rồi cậu ta leo lên đứng trên thùng carton để có thể bấm những nút trên điện thoại.

Người chủ tiệm thuốc tây tò mò quan sát và lắng nghe cuộc đàm thoại. Cậu bé hỏi:

– Thưa bà, bà có thể dành cho tôi công việc cắt cỏ cho thảm cỏ của bà không?

– Tôi đã có người cắt cỏ cho thảm cỏ của mình rồi – tiếng một người phụ nữ trả lời.

– Thưa bà, tôi sẽ cắt thảm cỏ của bà với giá bằng phân nửa giá của người đang cắt cỏ cho bà bây giờ - Cậu bé tiếp tục.

– Tôi rất hài lòng với người đang cắt cỏ cho thảm cỏ của mình – tiếng người phụ nữ đáp lại.

– Thưa bà, ngoài ra tôi sẽ quét dọn lề đường và lối đi bộ cho bà, và những việc khác nữa. Vào chủ nhật bà sẽ có một thảm cỏ đẹp nhất trong tất cả các thảm cỏ vùng này - Cậu bé tỏ ra kiên nhẫn hơn và nói.

Và người phụ nữ vẫn từ chối.

Cậu bé nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt và gác máy điện thoại.

Người chủ tiệm thuốc nãy giờ lắng nghe tất cả nội dung cuộc đàm thoại, đi đến bên cậu bé và nói:

– Này cháu, chú thích thái độ của cháu, chú thích tinh thần lạc quan đó và muốn dành cho cháu một công việc.

Cậu bé đáp lại:

– Cảm ơn chú, nhưng cháu chỉ là đang kiểm tra lại khả năng làm việc của mình và chất lượng công việc mà cháu đang làm mà thôi. Cháu chính là người đang làm việc cho người phụ nữ mà cháu đã nói chuyện lúc nãy.

Rất nhiều người đã tự cho rằng mình làm tốt công việc được giao, nhưng có mấy ai tự đánh giá lại công việc của mình?

Việc tự đánh giá công việc của chính mình luôn là một cách để mỗi người luôn cố gắng. Một nhà quản lý luôn phải xem xét lại phương thức làm việc của mình, kết quả công việc của mình. Có đôi lúc bạn tự cho rằng mình đã làm tốt nhất công việc được giao, nhưng nó đã thực sự tốt trong con mắt người khác hay chưa?

Rất nhiều nhà quản lý, lãnh đạo luôn trăn trở rằng: “Tại sao nhân viên của tôi không thể tự giác, đánh giá công việc như cậu bé trên?”. Thực ra, nhà quản lý thành công phải là người luôn tạo cơ hội cho nhân viên có dịp được tự đánh giá mình, tự có thói quen đánh giá lại công việc mình làm.


Câu chuyện mái chèo và chiếc buồm cũng là một ví dụ. Chiếc thuyền đánh cá đang giương cánh buồm trắng của mình đi trên sông. Cánh buồm căng gió, đẩy con thuyền băng băng tiến về phía trước.

Cánh buồm rất tự hào về những đóng góp của mình, nó nghĩ rằng mình nó đã mang cả con thuyền xuôi bến. Nó ngạo mạn nhìn xuống những mái chèo gỗ đang nằm im dưới mạn thuyền và nói rằng: "Mái chèo thật là đồ lười biếng và vô dụng. Cả con thuyền tiến lên là nhờ vào sức của tớ, còn các cậu chỉ biết ngủ mà thôi".

Mái chèo chẳng nói gì, hình như nó đang ngủ thật.

Một lúc sau, gió lặng, người ngư dân gỡ dây và hạ buồm xuống. Tiếp đó họ cầm lấy mái chèo khua nước, và đưa con thuyền tiến lên. Lúc này mái chèo mới lên tiếng "Bây giờ thì cậu đã hiểu chưa? Chỉ khi nào có gió thì cậu mới phát huy tác dụng thôi, còn chúng tôi thì vẫn có thể giúp con thuyền tiến lên trong mọi hoàn cảnh đấy!"

Thực ra, mọi thứ đều có ưu điểm và nhược điểm. Cánh buồm nhờ sức gió mà đẩy thuyền đi nhanh, còn mái chèo có thể giúp con thuyền đi ngược gió, cả hai đều có tác dụng tùy vào thời điểm.

Tương tự, sự phát triển của một công ty cần đến nhiều nhân tài khác nhau để cùng hợp tác. Người quản lý giỏi phải biết nhận diện được nhân tài nào dùng vào vị trí và thời điểm nào thích hợp để có thể phát huy hết khả năng vốn có và phải biết kết hợp họ với nhau để tạo nên 1 sức mạnh tập thể.

Với mỗi cá nhân cũng cần những "khoảng lặng" để tự nhìn lại mình, nhìn lại những gì mình làm được và chưa được để có thể bổ sung, vươn lên trong công việc.


Câu chuyện “mài bén lưỡi cưa” cũng đưa đến cho bạn những bài học về đổi mới sáng tạo trong công việc.

Chuyện kể rằng, có một anh thanh niên đến gặp trưởng một nhóm đốn gỗ xin việc làm.

-“Để xem anh đốn cái cây này như thế nào đã” – người trưởng nhóm nói.

Anh thanh niên bước tới và đốn cái cây to 1 cách rất kỹ thuật và nhanh chóng. Quá ấn tượng người trưởng nhóm nói: “Tốt, ngày mai anh bắt đầu thử việc nhé”.

Một tuần liên tiếp trôi qua. Vào chiều ngày tứ 7, người trưởng nhóm nói với người thanh niên: “Anh có thể nhận tiền công ngày hôm nay và nghỉ việc được rồi!”

Giật mình, người thanh niên nói: “Nhưng tôi đã làm việc rất chăm chỉ! Ông thấy đấy, tôi tới sớm nhất, ra về muộn nhất và làm luôn trong giờ nghỉ trưa”

“Đồng ý, nhưng tiến độ công việc của anh quá chậm. Anh cứ thử nhìn số gỗ mình đốn được và so sánh với những người khác thì sẽ biết. Ở đây chúng tôi chỉ dựa vào kết quả”

Quả thật là số gỗ của người thanh niên này ít hơn những người khác thật. Ngày đầu tiên anh ta làm rất khá, nhưng lại giảm dần qua những ngày khác.

Người trưởng nhóm thấy người thanh niên này rất thành thật nên ông suy nghĩ một lát rồi hỏi “Đã bao lâu rồi anh không mài lưỡi cưa?”

Trong cuộc sống cũng như công việc, đôi khi chúng ta quá bận rộn để “mài bén lưỡi cưa”.

Làm việc chăm chỉ chẳng có gì sai, nhưng chúng ta cũng cần thời gian để nghỉ ngơi, để suy nghĩ và chiêm nghiệm, để học và để trưởng thành. Nếu chúng ta không dành thời gian để mài bén lưỡi cưa, chúng ta sẽ cùn dần đi và đánh mất đi tính hiệu quả trong công việc.

Người quản lý cũng vậy, cần tạo cho nhân viên thói quen “mài sắc lưỡi cưa” để có thể làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Điều quan trọng không phải vị trí đứng mà là hướng đi.

Minh Giám

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên