Chuyện về cô gái nghèo thất học, lấy chồng Hàn Quốc vụt trở thành ngôi sao hàng đầu SEA Games 32
Cách đây ít ngày Sroung Pheavy đã có mặt ở Campuchia, sẵn sàng tranh tài ở SEA Games 32 môn Billiards. Giờ đây, không còn là cô gái quê lấy chồng Hàn Quốc thông qua môi giới, Pheavy đã là cơ thủ tầm cỡ, ngôi sao hàng đầu của xứ chùa tháp.
- 31-10-2022Triệu phú da màu làm nên lịch sử ở Shark Tank Mỹ: Cô gái nghèo dám làm những điều sợ hãi, tạo nên đế chế tỉ đô cùng nhà Kardashian-Jenner
- 08-08-2022Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2022: Tự hào là Hoa hậu sinh ra từ bãi rác và hành trình đăng quang khiến bao cô gái nghèo xúc động
Cách đây 14 năm, Sroung Pheavy không bao giờ nghĩ sẽ trở thành một cơ thủ, chứ đừng nói là nhà vô địch PBA Championship, nằm trong tốp đầu thế giới carom 3 băng, sau đó trở về Campuchia như một người hùng dân tộc, gánh vác kỳ vọng ở SEA Games 32. Cuộc sống luôn mang đến những bất ngờ đáng kinh ngạc, phải không?
Pheavy lớn lên trong một ngôi làng ở Kampong Cham, Campuchia , cách thủ đô Phnom Penh năm giờ lái xe. Vì quá nghèo, cô phải nghỉ học từ sớm, hàng ngày cùng bố mẹ ra đồng trồng khoai, sắn, kế sinh nhai duy nhất của gia đình có 6 miệng ăn (Pheavy còn ba em gái).
Năm 2009, với mong muốn đổi đời, thông qua trung tâm môi giới lấy chồng Hàn Quốc, Pheavy được giới thiệu với Kim Man-sik, người đàn ông hơn cô 28 tuổi. Rất nhanh chóng, đám cưới diễn ra và Pheavy rời quê hương để làm dâu ở Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc. Không người thân, bạn bè và hiểu biết sơ sài về văn hóa, ngôn ngữ, Pheavy trải qua những tháng ngày buồn tẻ, lặp đi lặp lại ở xưởng in nhỏ mà chồng cô điều hành.
Cho đến 2 năm sau hôn nhân, một lần nọ chồng Pheavy dẫn cô tới quán billiards mà ông hay chơi. Như Pheavy tiết lộ, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy bàn billiards và những trái bi. Nhưng cầm cơ lên và bắt đầu chơi, những người xung quanh đã rất kinh ngạc bởi có cảm giác nó sinh ra để dành cho cô.
“Tất cả những người trong phòng đều rời chỗ của họ và vây quanh bàn của tôi”, Pheavy nói với tờ The Korea Herald, “Họ nhìn tôi đầy sửng sốt và hỏi có thật đây là lần đầu của tôi không? Tôi đáp, ngày còn ở Campuchia, tôi còn chưa từng thấy nó”.
Ông chồng Kim Man-sik ngay lập tức nhận thấy tài năng thiên bẩm của vợ. “Từ giờ anh sẽ lo việc nhà, còn em hãy luyện billiards”, ông nói. “Ban đầu tôi không thoải mái lắm, vì nghĩ rằng việc chơi billiards, trong khi chồng làm việc, thật đáng xấu hổ”, Pheavy kể lại, “Nhưng dần dần tôi thích nó, đồng thời cũng nhận được sự cổ vũ từ mọi người”.
Cho đến nay, Pheavy đã giành được hơn 20 danh hiệu ở Hàn Quốc và thế giới.
Trong một cuộc thi nghiệp dư năm 2013, Pheavy xuất sắc giành vị trí thứ hai, một thành tích đáng nể đối với một cơ thủ chưa đầy 2 năm kinh nghiệm. Qua giải này, cô lọt vào mắt xanh của Billking Korea, một thương hiệu cung cấp dụng cụ billiards. Họ đề nghị hỗ trợ cô theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp.
Pheavy ra mắt thế giới chuyên nghiệp vào đầu năm 2017. Trước khi bước sang năm 2018, cô đứng đầu bảng xếp hạng các cơ thủ carom ba băng Hàn Quốc. Tuy nhiên Pheavy không thể tham gia các giải đấu quốc tế vì mang quốc tịch Campuchia, mà Campuchia thì lại chưa có Liên đoàn billiards.
Phải đến giữa năm 2018, khi danh tiếng của Pheavy ngày càng tăng, con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vô tình đọc được các thông tin về cô trên mạng xã hội. Ông kêu gọi các tổ chức tài trợ 8.900 USD để thành lập Liên đoàn billiards. Giờ thì không gì ngăn cản Pheavy thể hiện tài năng. Tháng 9/2018, cô khiến đất nước tự hào khi giành vị trí thứ ba tại Giải vô địch thế giới tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở thành ngôi sao hàng đầu và sống ở Hàn Quốc, Pheavy vẫn không bao giờ quên cội nguồn. Để có được hơn 20 danh hiệu trong sự nghiệp cùng vị trí thứ hai hiện ở thế giới carom 3 băng, cô nói rằng đã trải qua quá trình tập luyện gian khổ, thường chiếm đến 11 tiếng mỗi ngày, khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi.
Đôi khi cô muốn ngừng lại. Tuy nhiên, đó cũng là lúc cô nghĩ về gia đình và đất nước Campuchia. Khi vươn tầm quốc tế, Pheavy nhận thấy trọng trách lớn lao, rằng cô đang đại diện cho cả dân tộc, đồng thời góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho quê hương.
Pheavy đã sở hữu một khu đất rộng 9.920 m2 tại Campuchia và đang tìm mua thêm để phục vụ dự án xây trường học, giúp trẻ em nghèo được tiếp cận với giáo dục, tránh rơi vào tình cảnh bỏ học như cô trước đây. Pheavy cũng thường xuyên tài trợ cho ngôi trường cô từng học tiểu học, đồng thời lập quỹ từ thiện từ chính số tiền thưởng cô gom góp được trong những năm tháng thi đấu chuyên nghiệp.
“Đó là ý tưởng của chồng tôi”, Pheavy cho biết, “Như mọi cô gái khác, tôi cũng muốn lập gia đình với người mình yêu. Vì hoàn cảnh, tôi buộc phải chấp nhận số phận. Tuy nhiên bố tôi từng nói, con là người tốt, rồi con sẽ gặp một người đàn ông tốt. Thật may, đó chính là chồng tôi. Trong nhiều năm tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền của chồng, từ chi phí tập luyện đến thi đấu nước ngoài”.
Có được người chồng tốt, gây dựng sự nghiệp rực rỡ và nổi tiếng toàn cầu, Pheavy đang có cuộc sống vô cùng viên mãn. Bây giờ cơ thủ 33 tuổi cần hoàn thành thêm một nhiệm vụ nữa: mang vinh quang về cho Campuchia ở SEA Games 32 , giải đấu lần đầu tiên xứ chùa tháp đăng cai.
“Đại diện cho đất nước và thi đấu trên chính quê hương, điều này giống như giấc mơ thành hiện thực đối với tôi”, Pheavy cho biết trong ngày trở lại Campuchia để sẵn sàng cho SEA Games 32.
Tiền phong