Chuyện về công ty từng từ chối mua lại Netflix, từ thống trị với 9.000 cửa hàng đến chỗ phá sản
Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty này kiếm được 5,9 tỷ USD, nhưng hiện họ chỉ còn lại duy nhất một cửa hàng ở một thị trấn nhỏ.
- 03-06-2022Đồng sáng lập Netflix: Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn là lời khuyên 'khủng khiếp'
- 27-04-2022Chính Netflix cũng không biết phân biệt các tài khoản chia sẻ như thế nào, kế hoạch thu thêm phụ phí khó càng thêm khó
- 21-04-2022Hơn 100 triệu hộ gia đình đang chia sẻ tài khoản vô tội vạ, Netflix chuẩn bị "thiết quân luật", thu thêm phụ phí những khách dùng ké
Từ cửa hàng đầu tiên
Sau khi làm việc trong lĩnh vực phần mềm máy tính, năm 1985, David Cook quyết định mở cửa hàng cho thuê băng đĩa của riêng mình ở Dallas, Texas. Công ty của anh khác với các đơn vị khác nhờ cung cấp cho khách hàng tuyển chọn 8.000 băng VHS với sự trợ giúp của quy trình thanh toán hiện đại, được vi tính hóa, trong khi các cửa hàng cho thuê nhỏ hơn khác chỉ có thể cung cấp vài trăm bộ phim.
Cửa hàng Blockbuster đầu tiên
Một năm sau, Cook mở rộng Blockbuster bằng cách mở thêm ba cửa hàng. Vào thời điểm đó, các cửa hàng cho thuê, như Blockbuster, là cách duy nhất để mọi người có thể xem những bộ phim đã ra rạp mà không phải tự mua băng VHS. Năm 1987, ba nhà đầu tư lớn đã đưa Blockbuster lên một tầm cao mới. Theo Quartz, họ đã đầu tư 18,5 triệu USD vào Blockbuster. Cuối năm đó, Cook rời công ty khi trụ sở chính chuyển đến Fort Lauderdale, Florida.
Dưới sự quản lý của người điều hành mới, công ty mua lại các cửa hàng cho thuê băng đĩa địa phương và mở những cửa hàng mới dưới thương hiệu Blockbuster. Năm 1988, Blockbuster trở thành chuỗi cửa hàng video hàng đầu ở Mỹ với 800 cửa hàng.
Vào những năm 90, Blockbuster đã đạt được một cột mốc quan trọng khi mở cửa hàng thứ 1.000. Năm 1992, công ty cũng mở rộng ra nước ngoài khi mua lại chuỗi cho thuê băng đĩa Ritz ở Anh. Vào thời điểm này, Blockbuster sở hữu 2.800 cửa hàng. Năm 1994, Blockbuster được mua lại bởi Viacom với giá 8,4 tỷ USD.
Năm năm sau, Viacom đưa Blockbuster lên sàn chứng khoán khi số lượng cửa hàng đạt 6.000 trên toàn cầu.
Đến sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp
Rắc rối đã ập đến với Blockbuster vào năm 1997, khi đối thủ cạnh tranh trong tương lai của công ty - Netflix, được thành lập. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ của Blockbuster, họ bị tính phí mỗi ngày nếu trả tiền thuê phim muộn. Trên thực tế, Blockbuster cho biết họ đã kiếm được 800 triệu USD phí trả chậm, tương đương 16% doanh thu, Quartz đưa tin. Điều này khiến nhiều khách hàng thất vọng, bao gồm cả người sáng lập Netflix - Reed Hastings.
Reed Hastings cho biết ông thành lập Netflix vì không muốn trả khoản tiền phạt 40 USD cho Blockbuster. Trong giai đoạn đầu, công ty của Hastings, không tính phí trả chậm, thay vào đó họ sẽ gửi DVD thẳng đến nhà khách hàng với mức phí cố định hàng tháng.
Năm 2000, Blockbuster mắc sai lầm đầu tiên và lớn nhất đánh dấu sự sụp đổ của nó: Từ chối mua lại Netflix. Sau đó, Netflix đã trở nên phổ biến hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cả Blockbuster.
Năm 2002, đối thủ cạnh tranh lớn khác của Blockbuster là Redbox ra mắt. Việc Redbox gia nhập thị trường đã củng cố ý tưởng rằng mọi người muốn có các lựa chọn cho thuê nhanh hơn mà không phải thanh toán các khoản phí trả chậm, Blockbuster buộc phải thay đổi nếu muốn đứng vững.
Bất chấp sự trỗi dậy của Netflix và Redbox, Blockbuster đã đạt đến đỉnh cao vào năm 2004. Năm đó, Blockbuster có 9.000 cửa hàng trên toàn cầu và kiếm được 5,9 tỷ USD doanh thu.
Cái giá của sự chậm chuyển đổi
Netflix đã khởi đầu cho việc chấm dứt sự tồn tại của Blockbuster khi họ ra mắt dịch vụ phát video trực tuyến. Netflix đã đi sâu vào tâm trí khách hàng và thấy được nhu cầu giải trí tức thì với sự tiện lợi của các thiết bị Internet.
Năm 2004, Viacom chia tay Blockbuster. Cùng năm đó, công ty ra mắt Blockbuster Online, nhưng đã chậm hơn Netflix nhiều năm. Blockbuster cũng quyết định chấm dứt các khoản phí trễ hạn. Theo một bài báo của cựu CEO John Antioco, người ta ước tính rằng công ty sẽ phải trả 200 triệu USD để ngừng thu phí trả chậm và 200 triệu USD khác để bắt đầu liên doanh mới, Blockbuster Online.
Các cửa hàng của Blockbuster liên tiếp thông báo đóng cửa
Trong những năm tiếp theo, giá trị thị trường của Blockbuster giảm dần Cụ thể, từ năm 2003 đến 2005, công ty đã mất 75% giá trị thị trường. Trong nỗ lực xóa sạch khoản nợ 1 tỷ USD, năm 2010, Blockbuster đã đệ đơn xin phá sản và bị hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York.
Năm sau, Dish Network đã mua lại Blockbuster với giá 320 triệu USD cùng hy vọng duy trì hoạt động của 600 cửa hàng. Tuy nhiên, các cửa hàng còn lại nhanh chóng thông báo đóng cửa vào năm 2013.
Tính đến năm 2020, thương hiệu Blockbuster đã thu hẹp lại chỉ còn một cửa hàng ở Bend, Oregon, nơi đã được chuyển thành Airbnb. Họ vẫn đang hoạt động vì khoảng 4.000 khách hàng trung thành của mình. Cửa hàng cũng chào đón một lượng lớn khách du lịch ghé thăm để hồi tưởng về công ty cho thuê trước đây cũng như những phương thức giải trí đã không còn phổ biến ở hiện tại.
Nguồn: BI
Nhịp sống thị trường