Chuyện về đồng sáng lập bí ẩn của Apple: Bỏ lỡ khối tài sản 75 tỷ USD nhưng chưa bao giờ hối hận
Ngoài Steve Jobs và Steve Wozniak, Apple còn có một nhà đồng sáng lập bí ẩn khác.
- 22-02-2022'Cỗ máy' quảng cáo vô địch thế giới bị Apple đánh sập, đế chế Facebook lâm nguy: Tổn thất tính bằng chục tỷ USD, các công ty lớn nhỏ lũ lượt chuyển tiền sang TikTok, Google
- 17-02-2022Chỉ bằng 1 thay đổi nhỏ, Apple đã phá vỡ cỗ máy kiếm tiền khủng khiếp nhất thế giới của Facebook, tương lai 'kho báu' quảng cáo trăm tỷ USD chưa biết sẽ ra sao
- 09-02-2022Phố Wall khởi sắc nhờ Apple, Microsoft
Steve Jobs và Steve Wozniak thường được biết đến là bộ đôi sáng lập Apple. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trên thực tế, khi công ty thành lập, còn có một nhà đồng sáng lập thứ ba. Đó là Ronald Wayne.
Ngày 1/4/1976, Steve Jobs và Steve Wozniak bước vào nhà của Ronald Wayne, một kỹ sư mà họ từng làm việc cùng tại công ty game Atari. Họ cùng nhau thành lập Apple, ký hợp đồng hợp tác, trong đó 90% cổ phần của công ty chia đều cho Jobs và Wozniak.
Từ trái qua: Steve Jobs, Ronald Wayne, Steve Wozniak (Ảnh: Internet).
Wayne nắm giữ 10% cổ phần còn lại, đóng vai trò là người đứng giữa hòa giải nếu Jobs và Wozniak xảy ra xung đột. Khi đó, Wayne 40 tuổi, Jobs 21 tuổi và Wozniak 26 tuổi. Wayne còn là người thiết kế logo đầu tiên cho Apple nhưng nó đã được thay thế bằng biểu tượng quả táo cắn dở 1 năm sau đó.
Tuy nhiên, chỉ 12 ngày sau, Wayne quyết định rời công ty dù ông cho rằng Apple sẽ đạt được thành công lớn bất chấp việc có thể gặp nhiều thách thức. Từng thua lỗ trong kinh doanh, rơi vào cảnh nghèo túng suốt 2 năm, Wayne lo ngại về cái giá mình phải trả khi công ty thất bại.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, Wayne nói: "Tôi đã có nhà, có xe, có tiền và cần chăm lo cho gia đình".
Sau khi lập công ty, Jobs đã vay 15.000 USD để mua vật tư cần thiết cho hợp đồng bán máy tính đầu tiên với The Byte Shop. Nhưng theo Wayne, công ty này từng quỵt tiền và điều đó khiến ông lo lắng. Nếu khoản tiền họ đi vay không được thanh toán, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ.
"Tôi không còn trẻ nữa trong khi hai người họ như những cơn lốc. Tôi không thể thao kịp bọn họ", Wayne cho biết. Sau đó, ông rút khỏi công ty và bán cổ phần của mình với giá 1.500 USD.
Theo Inc, sau nhiều đợt pha loãng vốn và IPO, 10% cổ phần ban đầu của Wayne sẽ tương đương 2,5% ở thời điểm hiện tại. Với vốn hóa thị trường Apple đạt gần 3.000 tỷ USD, Wayne có thể đã sở hữu tới 75 tỷ USD và có tên trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Mặc dù vậy, Wayne cho biết ông không hối hận về quyết định năm xưa. "Là một kỹ sư phần mềm, điều cuối cùng mà tôi muốn làm là ngồi trong văn phòng, vật lộn với đống giấy tờ làm ăn trong 20 năm tới", ông nói.
Tất cả những gì Wayne biết vào thời điểm thành lập Apple là mình đang hợp tác với hai doanh nhân thiếu kinh nghiệm để khởi động dự án kinh doanh ở lĩnh vực chưa rõ có "ra gì" hay không.
Hơn nữa, máy tính cũng không phải lĩnh vực yêu thích của ông. Căn nhà của Wayne còn chẳng có sản phẩm Apple nào. Ông cho biết mình chỉ có đam mê với máy đánh bạc và cho rằng mình sẽ không bao giờ theo đuổi được sở thích này nếu làm việc ở Apple.
"Tôi đã đưa ra quyết định mà mình cho là tốt nhất với lượng thông tin nắm được vào thời điểm đó. Tôi không cảm thấy mình bị lừa hay bị ‘hớ’ theo bất kỳ cách nào", Wayne giãi bày.
Steve Jobs ở thời điểm đó không phải là Steve Jobs thành công của nhiều năm về sau mà chỉ là một chàng thanh niên với hoài bão lớn. Sẽ ra sao nếu Wayne mạo hiểm đặt cược vào đó và công ty thất bại trong khi đã ở tuổi 40?
Tuy nhiều người tỏ ra tiếc nuối với khối tài sản mà lẽ ra Wayne có thể sở hữu nếu vẫn nắm giữ cổ phần tại Apple nhưng Wayne cho rằng ông đã quyết định đúng và hàng chục năm sau vẫn không hối hận.
Nguồn: Inc
Nhịp sống kinh tế