Chuyện về người lái tàu đi vệ sinh lúc tàu chạy với tốc độ 150km/h và tranh cãi xung quanh văn hóa xin lỗi gây ám ảnh của người Nhật
Trên tàu lúc đó là 160 hành khách nữa. Rõ ràng là một vi phạm nghiêm trọng đối với quy định đảm bảo an toàn cho khách hàng. Nhưng đằng sau đó lại là những vấn đề lớn hơn.
- 22-05-2021Một New York khác lạ: "Thành phố không ngủ" rùng mình thức giấc sau cơn ác mộng dài mang tên Covid-19
- 22-05-2021Xã hội rất thực tế, thực lực của bạn ra sao, người khác nhìn bạn bằng sắc mặt như vậy
- 22-05-2021Ngửi thấy 4 mùi lạ trong nhà, hãy sơ tán ngay vì chúng sẽ phá hủy sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng của bạn
Tính trên phạm vi toàn thế giới, hệ thống đường tàu của Nhật Bản có một vị thế không thể lật đổ vì sự hiệu quả và tính kỷ luật. Thời gian tàu rời ga và tới bến luôn chính xác đến từng giây, đến mức gây ám ảnh cho những người vận hành.
Và đôi khi, tính kỷ luật ấy có đi kèm với cái giá phải trả. Lấy ví dụ về trường hợp một người lái tàu siêu tốc (bullet train) tại Shinkansen (Nhật Bản). Ngày 16/5, người lái tàu đã phải rời buồng lái để vào nhà vệ sinh vì một cơn đau bụng bất chợt. Điều đáng nói là đó không phải là ca nghỉ bình thường. Ông rời đi khi con tàu vẫn đang duy trì tốc độ tơi 150km/h, với 160 hành khách trên khoang.
Người lái tàu (36 tuổi) chỉ rời khoang lái của chuyến tàu Hikari No. 633 trong vòng 3 phút. Anh có thông báo cho người soát vé vào lúc 8h15 phút sáng (giờ địa phương), khi con tàu đang di chuyển giữa 2 ga Atami và Mishima (tỉnh Shizuoka).
Có điều, người bán vé thì không có chứng chỉ lái tàu. Người bán vé có thể xử lý nhiều công việc - như đưa người lên xuống tàu, nhưng họ không thể lái. Vậy nên khi mọi chuyện vỡ lở, cả hai đều vướng phải rắc rối.
Người lái tàu phải công khai xin lỗi sau đó, với lý do là vì cơn đau bụng bất thường. Nhưng đáng chú ý, anh cho biết mình không dừng tàu ở ga gần nhất là bởi không muốn tàu bị trễ giờ.
Thời gian rời và đến ga của các đoàn tàu Nhật Bản phải chính xác đến từng giây
JR Central - công ty vận hành tàu cũng chính thức xin lỗi và báo cáo sự việc cho Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch. Công ty cho biết họ sẽ siết lại quy định, tập huấn cho nhân viên, đồng thời xem xét kỷ luật 2 nhân viên lái tàu và soát vé. Được biết, đây là lần đầu tiên có trường hợp người lái tàu rời khoang lái trong lúc tàu đang chạy và có hành khách bên trong.
Văn hóa kỷ luật đầy ám ảnh
Trên thực tế, đây chẳng phải lần đầu tiên các công ty đường sắt của Nhật Bản đứng ra xin lỗi.
Năm 2018, một con tàu rời ga sớm hơn lịch 25s do người soát vé không thấy hành khách nào tại ga nữa. Sự việc đã gây ra cơn phẫn nộ của ngành đường sắt quốc gia, cho rằng lý do người lái tàu là không thể chấp nhận được và đứng ra xin lỗi vì "sự bất tiện quá lớn' này.
Chuyện thật như đùa: Các nhân viên đường tàu tại Nhật Bản phải xin lỗi vì đến ga sớm hơn 20s
Trước đó 1 năm, một lời xin lỗi tương tự được đưa ra bởi công ty đường sắt Tsukuba Express. Họ xin lỗi vì tàu... đến ga sớm hơn lịch 20s, khiến nhiều người phải vò đầu bứt tai và tạo ra sự so sánh không tránh khỏi với hệ thống đường sắt trên toàn thế giới - nơi đã quá quen thuộc với chuyện tàu không đúng giờ.
"Tsukuba Express xin lỗi vì rời ga sớm hơn 20s. Chắc là mấy ông đường tàu của Anh phải đến Nhật một chuyến thôi," - một người dùng đăng tải trên Twitter.
Nhưng tại sao lại phải xin lỗi? Đó là bởi Nhật Bản - đất nước tự hào vì sự kỷ luật - cũng đặt áp lực đúng giờ ấy lên các nhân viên vận hành tàu.
Dĩ nhiên, áp lực này mang lại cho họ lợi ích. Trung bình thời gian chậm trễ của đoàn tàu Tokaido là dưới 60s. Tiêu chuẩn đúng giờ của họ cao đến mức truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác, về việc liệu có thể đáp ứng và học hỏi được gì hay không.
Vụ tai nạn tàu hỏa tai tiếng vào năm 2005, gây ra tranh cãi lớn về áp lực đúng giờ dành cho các nhân viên đường tàu
Nhưng chẳng thứ gì là hoàn hảo. Đôi lúc, mọi chuyện bị phản tác dụng - dù khá hiếm. Như năm 2005, một đoàn tàu bị trật đường ray tại Hyogo vì đã vượt quá tốc độ giới hạn để kịp thời gian đến bến. Sự việc khiến hơn 100 người tử vong, kéo theo đó là những chỉ trích. Trong đó, một lãnh đạo công đoàn đường sắt cho cho rằng lái tàu tại Nhật Bản bị chịu áp lực kỷ luật dù chỉ chậm trễ 1 phút, theo nhiều cách khác nhau như buộc phải viết tường trình một cách vô nghĩa. Hay nói cách khác, các công ty đường sắt đang đặt tính hiệu quả lên trên sự an toàn của hành khách.
Những áp lực vô hình, cộng thêm tần suất làm việc quá tải, có thể gây ra những hệ quả chết người.
Nguồn: CNN
Trí thức trẻ