Chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm giải mã loạt hành vi tàn nhẫn của "dì ghẻ": Đây chính là điển hình của hiệu ứng Cinderella
Hiện tượng người mẹ kế/cha dượng hành hạ con riêng dưới sự phớt lờ hoặc bao che của cha mẹ ruột đứa trẻ chính là điển hình của hiệu ứng Cinderella.
- 29-12-2021Mẹ bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành đề nghị khởi tố chồng cũ 3 tội danh
- 29-12-2021Biên bản khám nghiệm tử thi hé lộ nguyên nhân cái chết của bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành
- 29-12-2021Bà giúp việc từng bị "dì ghẻ" đuổi việc bàng hoàng: “Từ khi nghe tin cháu bị “bạo hành”, tôi bần thần mất ăn, mất ngủ”
Tâm lý "dì ghẻ" là điển hình của hiệu ứng trong truyện cổ
Liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong, bị mẹ kế bạo hành gây xôn xao dư luận, chị Lê Bảo Ngọc - Chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm từ Công ty luật Multi Law cho biết, có lẽ nhiều người đã biết đến câu chuyện cổ tích Cinderella kể về một cô gái bị dì ghẻ ngược đãi sau khi người cha tái hôn.
Câu chuyện trên được tâm lý học tội phạm đặt tên cho hiện tượng người mẹ kế/cha dượng hành hạ con riêng dưới sự phớt lờ hoặc bao che của cha mẹ ruột đứa trẻ. Vụ việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế hành hạ, chính là điển hình của hiệu ứng Cinderella.
Võ Nguyễn Quỳnh Trang và anh Th. (bố bé A.) đã cặp bồ suốt thời gian dài. Theo chia sẻ của anh trai mẹ bé A. trên báo chí, trong thời gian này, Trang đã liên tục nhắn tin thách thức, đe dọa mẹ của bé A. khiến mẹ bé nghĩ quẩn rồi uống thuốc ngủ tự tử.
"Để củng cố bản thân, Trang sẽ luôn tỏ ra bên ngoài là mình ổn"
Ngay sau đó, vợ chồng anh Th. ly hôn, trong chưa đầy một tháng, Trang đã đàng hoàng về sống chung nhà với bé A. với tư cách là "mẹ kế" dù chưa đăng ký kết hôn.
Theo chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm, có thể Trang rất ghét những gì còn sót lại của người vợ cũ. Bởi vậy, cô ta đã đuổi việc người bảo mẫu lâu năm của gia đình vì bà ấy đã từng giúp việc nữ chủ nhân trước đây. Có thể thấy tất cả đồ đạc có liên quan đến vợ cũ của anh Th. đều bị Trang vứt bỏ. Duy thứ Trang không thể vứt bỏ được đó là bé A.
Tâm lý học tiến hóa giải thích hiện tượng mẹ kế ghét bỏ con riêng của chồng vì đứa trẻ không mang gene của cô ấy. Nhưng trong trường hợp này, Trang ghét bé A. còn vì trong mắt Trang, bé chính là hiện thân của mẹ bé.
Sự tồn tại của A. luôn khiến Trang liên tưởng về mẹ ruột của bé và tội lỗi của mình. Dù đã giành được anh Th. nhưng chắc chắn Trang từng bị nhiều người - trong đó có gia đình vợ cũ của anh ta mắng là "kẻ giật chồng, phá hoại gia đình người khác".
Tâm lý con người luôn nhạy cảm với sự kết tội của xung quanh. Để củng cố bản thân, Trang sẽ luôn tỏ ra bên ngoài là mình ổn, nhưng sâu bên trong vẫn tồn tại những xung động tiêu cực. Những xung động này sẽ được Trang trút ra bên ngoài bằng cách bắt nạt bé A. và mẹ của bé để chứng minh mình là "kẻ thắng cuộc".
Theo như chia sẻ của bác V.A, trong suốt 2 năm trời, người mẹ ấy chỉ tìm được duy nhất cơ hội cuối cùng lén gặp con khi tan trường. Biết được điều này, Trang tức giận trách mắng bảo mẫu, một thời gian sau thì đuổi việc bà ấy. Đó là do tính hiếu thắng và sĩ diện. Trang luôn ngăn cấm, tước đi quyền gặp con của mẹ bé A. Cô ta biết rằng mẹ của A. tha thiết muốn được ở bên con, nên phải ngăn cấm để mẹ cô bé phải đau khổ.
Tuy chẳng hề yêu thương A. nhưng Trang buộc phải chăm sóc và dạy học cho cháu bé theo yêu cầu của Th. Đây là cơ hội để cô ta trút giận và chứng tỏ vị thế của mình. Cô ta đặt mua roi mây về đánh trẻ, roi mây gãy, cô ta dùng gậy gỗ để thay thế.
Trong lời khai của mình, Trang nói rằng đánh bé A. vì bé làm sai bài tập. Thực chất đây chỉ là cái cớ bên ngoài. Nếu đối tượng là ai đó thân yêu của mình, Trang sẽ không thẳng tay đánh đập tàn nhẫn như vậy.
Lý do ẩn sâu phía sau những đòn roi này là: "Tại sao tôi phải chăm sóc một đứa trẻ xa lạ? Sự có mặt của đứa con gái riêng này phá hỏng cuộc sống vui vẻ của tôi và chồng, nó là người thừa trong gia đình tôi".
Sự vô cảm của người cha là một tác nhân
Bên cạnh sự ích kỷ của Trang, sự lạnh nhạt của người cha ruột càng khiến người ta lạnh sống lưng. Khi làm việc với cơ quan điều tra, Th. thừa nhận biết việc Trang đánh bé A. Thế nhưng Th. không tỏ thái độ phản đối hoặc ngăn cản.
Theo các nghiên cứu tâm lý tội phạm, trong những vụ mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, sự im lặng đồng tình của người chồng đóng vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện thúc đẩy hành vi tội phạm diễn ra thuận lợi.
Trang có thể thoải mái "ra tay" với cháu bé một phần do có sự thờ ơ của cha cháu bé
Mặc dù cảm thấy thật khó chịu với việc phải chăm sóc đứa con của người vợ cũ nhưng Trang sẽ không lập tức đánh đứa trẻ một trận thừa sống thiếu chết ngay khi cô ta vừa tới chung sống, vì cô ta còn sợ cha ruột của bé. Do đó, điều đầu tiên cô ta làm là lặng lẽ theo dõi tình hình, bắt đầu với những gây sự nhỏ với đứa trẻ.
Nếu phát hiện ra rằng người cha chẳng hề quan tâm khi cô ta đánh mắng đứa trẻ - thậm chí anh ta còn đồng tình và bao che cho mình, thì Trang sẽ chẳng phải ngại ngần gì nữa.
Mức độ bạo lực của cô ta sẽ ngày càng tăng. Trang đánh đứa trẻ hết lần này đến lần khác, vì không bao giờ phải chịu trách nhiệm gì và không cần phải lo về hậu quả.
Theo phân tâm học, bản chất con người có xu hướng muốn tấn công, lý do tại sao chúng ta có thể kìm ném bạo lực là nhờ các cơ chế ức chế và tự kiểm soát giúp con người điều chỉnh cảm xúc.
Một khi có vấn đề trong quá trình kiềm chế và tự chủ, xu hướng tấn công sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Trong các trường hợp mẹ kế muốn hành hạ con riêng của chồng, do đã quan sát và thăm dò trong thời gian dài nên mong muốn tấn công ban đầu sẽ bộc lộ thành hành vi bạo lực hung tợn nếu không được kiểm soát.
Do đó, nếu Th. từng có những hành động quyết liệt để bảo vệ con mình thì đã có thể ngăn chặn được tội tác. Nhưng anh ta không làm thế.
Trong xã hội này, thật buồn vì không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được một tuổi thơ khỏe mạnh và hạnh phúc. Mỗi người trong xã hội cần quan tâm hơn tới trẻ em, chú ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ và phản ứng mạnh mẽ hơn với những dấu hiệu trẻ em bị ngược đãi.
Môi trường lý tưởng để "hiệu ứng Cinderella" tồn tại chính là một mối quan hệ khép kín, nơi chỉ có mẹ kế - cha ruột - con riêng (hoặc cha dượng - mẹ ruột - con riêng). Nếu có bất kỳ tác nhân ngoài xã hội nào phá vỡ môi trường này, ví dụ như họ hàng/giáo viên/hàng xóm/cảnh sát/các nhà hoạt động xã hội… phát hiện và can thiệp kịp thời, hành vi bạo lực sẽ bị ngăn chặn hoặc giảm thiểu.
Doanh nghiệp và tiếp thị