Chuyện xây dựng 2 bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn của Trung Quốc trong 10 ngày và trách nhiệm xã hội của các "sếu đầu đàn"
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những giọt nước nhỏ tạo lên biển lớn. Mỗi người 20.000 đồng, thì 1 triệu người đã là 20 tỷ đồng, 10 triệu người là 200 tỷ đồng và 100 triệu người Việt Nam sẽ là 2.000 tỷ đồng cho công cuộc phòng chống Covid-19.
- 24-03-2020Báo Anh: Việt Nam đã cho thấy mô hình hiệu quả trong việc ngăn chặn Covid-19 ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng có quyết tâm của các nhà lãnh đạo
- 24-03-2020Hà Nội cảnh báo tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và cơ sở y tế
- 24-03-2020Các bệnh viện Hà Nội sẽ trực tiếp nhận bệnh nhân dương tính Covid-19 về điều trị
Câu chuyện Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn
Thời điểm Tết Âm Lịch, khi đó số lượng người nhiễm virus corona Covid-19 tại Vũ Hán đã lên tới 43.000 người. Các bệnh viện quá tải, không đủ giường bệnh, trang thiết bị thiếu thốn. Trung Quốc đã quyết định xây 2 bệnh viện dã chiến là Hỏa Thần Sơn, diện tích 25.000m2 với 1.000 giường bệnh và bệnh viện Lôi Thần Sơn diện tích 30.000m2 với 1.500 giường bệnh nhằm giảm sức ép cho Vũ Hán.
Trung Quốc tuyên bố họ sẽ xây bệnh viện dã chiến trong 10 ngày từ một mảnh đất trống, và họ đã không nói dối. Sức mạnh tập thể được kết nối từ công nhân nhập cư và các nhà thầu xây dựng cũng như các nhà cung cấp vật liệu trên toàn quốc. Một thống kê không đầy đủ thì có khoảng hơn 30 công ty lớn, 7.000 lao động và gần 1.000 máy móc và thiết bị quy mô lớn đã được huy động tham gia xây dựng. Toàn cảnh xây dựng được livestream trên đài truyền hình Trung Ương để công chúng theo dõi công tác thi công theo thời gian thực.
Bệnh viện Hoả Thần Sơn sau 10 ngày xây dựng
Báo chí Trung Quốc đưa tin, sau khi Trung Quốc họp khẩn cấp để xây dựng bệnh viện dã chiến đầu tiên Hỏa Thần Sơn, chỉ 5 tiếng sau hàng trăm máy xúc, máy ủi đã được điều động đến công trường để làm việc, trong bối cảnh thời điểm đó là 28 Tết. Hàng ngàn container, hàng ngàn tấn vật liệu, các thiết bị y tế, hệ thống điều hòa, hệ thống thông gió để tránh lây nhiễm chéo, hệ thống xử lý nước thải..đã được tập kết và xử lý nhanh gọn trong thời điểm cả nước đang nghỉ Tết.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã đón bệnh nhân từ ngày 4/2 trong khi Lôi Thần Sơn bắt đầu đón bệnh nhân từ ngày 8/2. Sau đó, Trung Quốc xây dựng thêm 19 bệnh viện dã chiến khác để chống dịch.
Thông tin mới nhất cho thấy, tỉnh Hồ Bắc sẽ dỡ lệnh phong tỏa đi lại từ 25/3 và Vũ Hán sẽ được dỡ lệnh phong tỏa từ 8/4, sau 3 tháng "bế quan tỏa cảng" để chống dịch. Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã được kiểm soát từ giữa tháng 3, trong khi số ca tử vong đã không còn ghi nhận trong 3 ngày qua.
Câu chuyện ở Vũ Hán đã cho thế giới một bài học, ngoài việc cần phải có các biện pháp cứng rắn để cách ly toàn xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, thì việc các doanh nghiệp đồng lòng tham gia chiến dịch sẽ tạo nên một sức mạnh đoàn kết.
Đến câu chuyện huy động hơn 300 tỷ sau lời kêu gọi của Thủ tướng
Tại Việt Nam, chỉ sau 2 ngày phát động phong trào nhắn tin ủng hộ phòng chống Covid-19, Cổng thông tin điện tử nhân đạo đã thu về 40 tỷ đồng. Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những giọt nước nhỏ tạo lên biển lớn. Mỗi người 20.000 đồng, thì 1 triệu người đã là 20 tỷ đồng, 10 triệu người là 200 tỷ đồng và 100 triệu người Việt Nam sẽ là 2.000 tỷ đồng cho công cuộc phòng chống Covid-19.
Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 gồm việc hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ công an, bộ đội, cơ quan báo chí trực tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly.
Trước đó, tại lễ phát động toàn dân ủng hộ công cuộc phòng chống Covid do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định "Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh".
Ngay tại ngày 17/3, số tiền ủng hộ lên tới hơn 230 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng. Cho đến tời điểm này, số tiền ủng hộ có lẽ đã lên tới 300 tỷ, khi các doanh nghiệp vẫn đang tích cực đóng góp bằng tiền và hiện vật. Vai trò của các "sếu đầu đàn", các doanh nghiệp lớn lúc này là rất quan trọng. Khó khăn là khó khăn chung, nhưng nếu không đồng lòng sát cánh để kiểm soát dịch bệnh thì thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, số ca dương tính tại Việt Nam đã lên đến 121 ca, tăng rất nhanh trong 2 tuần qua, một số trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Nên hơn lúc nào hết, tất cả chúng ta cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Những đóng góp to lớn và quý giá lúc này góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái.
Danh sách các doanh nghiệp đã đóng góp ủng hộ Covid-19
- Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ủng hộ 30 tỉ đồng cho công tác chống COVID-19 và giúp đồng bào miền Tây chống hạn mặn. Trước đó, gia đình ông quyên hơn 6 tỉ đồng mua thiết bị y tế cho TP.HCM. Đồng thời đóng góp 5.000m2 tại tỉnh Tây Ninh làm nơi cách ly.
- CTCP Apolo Silicone ủng hộ 20 tỷ đồng
- Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, MB, Techcombank, ACB, MSB, HDBank, VIB, Vinamilk, công ty 4 Oranges ủng hộ 10 tỷ đồng
- VPBank ủng hộ 15 tỷ đồng
- TPBank, Seabank, Bắc Á Bank, CTCP chứng khoán SSI, Tập đoàn VNG ủng hộ 5 tỷ đồng
- Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã ủng hộ 5 tỷ đồng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để góp phần mua thêm trang thiết bị vật tư y tế
- Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 5 tỷ đồng bao gồm 2 tỷ cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1) và 3 tỷ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19
- Doji ủng hộ 4 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương
- Petrolimex, Tập đoàn Bảo Việt ủng hộ 3 tỷ đồng
- Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19.
- Tập đoàn FLC ủng hộ 5 tỷ đồng hỗ trợ Bộ Y tế
- Gia đình bà Trương Thị Thu Hương, kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống tại Quảng Châu, Trung Quốc ủng hộ 1 tỷ đồng
- Gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Đỗ Thị Bích Liên ủng hộ 1 tỷ đồng; Ca sỹ Noo Phước Thịnh ủng hộ 200 triệu đồng phòng chống Covid - 19 và 100 triệu đồng phòng chống hạn mặn
- Phật tử Câu Lạc Bộ Cúc Vàng (Chùa Ba Vàng) 500 triệu đồng;
- Ngày 13/3, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã huy động các doanh nhân và doanh nghiệp đóng góp 5 tỷ đồng, đủ để sản xuất 10.000 bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2.
- Ngày 11/3 Tập đoàn TH đã trao tặng 1 triệu ly sữa (tương đương khoảng 8 tỷ đồng) cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ những người đang bị cách ly, theo dõi vì dịch Covid-19.
- Grab Việt Nam cũng tặng 100.000 khẩu trang y tế cho Bộ Y tế để gửi tặng 33 trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh biên giới (Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai và Quảng Ninh).
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng tặng CDC tỉnh Quảng Ninh 200.000 khẩu trang chống dịch.
- CTCP Y tế Danameco trao tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) 30.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ chống dịch cùng 5 máy monitor theo dõi bệnh nhân.
Ngày 10/3, bà Trần Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu Bích Thủy ở Bắc Giang đã quyên góp 50 tấn gạo cho khu vực cách ly theo dõi sức khỏe tập trung của tỉnh và một số địa phương khác. Số gạo được trích từ nguồn lợi nhuận kinh doanh của công ty với tổng trị giá 600 triệu đồng.
Ba hình thức ủng hộ nhằm chung tay đẩy lùi Covid-19
Ủng hộ bằng tin nhắn: Thời gian tiếp nhận tin nhắn đóng góp: Từ 00h00 ngày19/3/2020 đến 24h00 ngày 18/6/2020.
Cú pháp nhắn tin: CV n gửi 1407(Trong đó, n là số lần ủng hộ 20.000 đồng). Giá trị ủng hộ: 20.000 đồng nhân n lần.
Quý vị ủng hộ, hãy soạn: CV n gửi 1407
Mọi thông tin chi tiết về tiếp nhận ủng hộ xin liên hệ:
Ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sđt: 0904.232095.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thương, Phó Trưởng ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. SĐT: 0243.8256.327; DĐ: 0904.058.336, Email: hongthuong_tc@yahoo.com.
Tiếp nhận ủng hộ qua tài khoản tại Ngân hàng: Thời gian tổ chức vận động, quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (từ ngày 17/3-30/4/2020).
Tên Tài khoản: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Số tài khoản: 1483201009159
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh Thủ đô
Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Thời gian tổ chức vận động, quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (từ ngày 17/3-30/4/2020).
Phòng Kế hoạch – Tài chính (109, 111), Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
46 Tràng Thi - Hà Nội.
Điện thoại: 0243 8256326; 02438256536. Đ/c Đinh Thị Thúy Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính: 0904.321618.
(Đề nghị quý cơ quan ghi rõ nội dung chuyển tiền ủng hộ: Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19)