CII “để không” gần 870 tỷ đồng tại ngân hàng
Cuối quý II/2023, CII có 867 tỷ đồng tiền gửi không thời hạn tại ngân hàng. Việc gửi tiền không kỳ hạn hầu như không mang lại khoản lãi nào cho công ty.
- 03-08-2023Lộ diện công ty chi hơn 1.000 tỷ mua cổ phần VNG từ cổ đông ngoại
- 03-08-2023Lego xuất hiện trong nhóm "chủ nợ" của Coteccons với khoản ứng trước hơn 1.100 tỷ đồng
- 03-08-2023Chủ tịch Nguyễn Bá Dương gửi tâm thư cho cán bộ nhân viên, khẳng định 'hứa được - làm được'
Nội dung chính:
- - Khoản tiền gửi không kỳ hạn - hầu như không có lãi suất của CII tăng vọt từ 180 tỷ đồng đầu năm lên mức 867 tỷ đồng giữa năm.
- - CII thu về 424 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, lãi tiền gửi, trái phiếu trong nửa đầu năm 2023, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2022.
- - Nguồn thu từ phí cầu đường của CII vẫn đều đặn và cập nhật hàng ngày trên website công ty.
Quý II/2023, một loạt doanh nghiệp đã tranh thủ giai đoạn lãi suất cao, hoặc khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đã gửi một lượng lớn tiền vào ngân hàng để nhận lãi, cải thiện kết quả kinh doanh trong kỳ.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) là doanh nghiệp hiếm hoi duy trì lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn - là loại tiền gửi hầu như không có lãi suất. Tại thời điểm cuối quý II/2023, CII gửi ngân hàng 867 tỷ đồng - trong khi đầu năm lượng tiền gửi chỉ ở mức 180 tỷ đồng. Thậm chí cuối quý I/2023, lượng tiền gửi còn giảm xuống 135 tỷ đồng.
Dòng tiền gửi không kỳ hạn tăng đột biến chỉ trong quý II của CII không đến từ hoạt động kinh doanh. Trong nửa đầu năm, dòng tiền từ hoạt động này của công ty vẫn thâm hụt gần 370 tỷ đồng chủ yếu do công ty đã thanh toán các khoản phải trả cho các đối tác, lãi vay ngân hàng…
Bù lại, hoạt động tài chính của CII mang lại dòng tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền vay của CII đã giảm 9,6% trong cùng thời gian, xuống còn mức 13.151 tỷ đồng - tương đương mức giảm 1.430 tỷ đồng. Nguồn tiền gửi không kỳ hạn của CII không thể hiện chi tiết trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của công ty.
Số dư được báo cáo là tại thời điểm cuối quý II/2023 - do vậy chưa đủ thông tin để ước tính những “thiệt hại” của CII khi duy trì lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn, so với lãi suất lẽ ra công ty được hưởng nếu gửi có kỳ hạn.
CII không báo cáo chi tiết các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn (từ 3 tháng đến 1 năm) để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, công ty đã thu về 424 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn, lãi tiền gửi, trái phiếu, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2022. Công ty cũng chi 651 tỷ đồng cho chi phí lãi vay (các khoản vay và trái phiếu phát hành) trong cùng thời gian.
Nguồn tiền dồi dào từ thu phí giao thông
CII là doanh nghiệp có nguồn thu ổn định từ phí giao thông cầu đường tại các dự án công ty làm chủ đầu tư như Xa lộ Hà Nội, BOT Ninh Thuận. Công ty đang cập nhật doanh thu phí cầu đường theo ngày trên website chính thức.
Trong 6 tháng đầu năm, CII thu 713 tỷ đồng từ phí giao thông, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2022. Tính bình quân, mỗi ngày công ty thu về gần 4 tỷ đồng phí giao thông. Biên lợi nhuận gộp mảng thu phí giao thông cao vượt trội so với các hoạt động khác, lên tới 63%.
Bắt đầu từ quý III/2023, cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận được hợp nhất vào báo cáo tài chính của CII, phí giao thông từ tuyến cao tốc này giúp doanh thu phí giao thông của CII tăng lên đáng kể, hơn 7 tỷ đồng mỗi ngày, theo con số công bố của CII trên website công ty.
- Nửa đầu năm 2023, CII đạt 1.646 tỷ đồng doanh thu, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ phí giao thông và bất động sản lần lượt đạt 713 tỷ đồng và 709 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 86% doanh thu trong kỳ của công ty.
- Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm sâu khiến kết quả kinh doanh của CII giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2022, CII đã thoái vốn khỏi công ty con, ghi nhận khoản lãi tới 775 tỷ đồng từ hoạt động này. Nửa đầu năm nay, CII không có doanh thu tài chính từ việc thoái vốn.
- Kết quả CII lãi 118 tỷ đồng sau thuế nửa đầu năm 2023, giảm 85% so với cùng kỳ 2022.
Nhịp sống thị trường