MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CII sẽ trả cổ tức sau khi hoàn tất phát hành trái phiếu

CII sẽ trả cổ tức sau khi hoàn tất phát hành trái phiếu

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết thời điểm chia cổ tức sẽ được triển khai sau khi hoàn tất phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Sáng ngày 19/9, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) tiến hành tổ chức họp ĐHCĐ bất thường năm 2023. Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT báo cáo tại thời điểm chốt danh sách cổ đông tổ chức họp, công ty có 33.498 cổ đông. Tính đến 9h15, có 218 cổ đông tham dự, đại diện cho 31% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, đại hội không thể tiến hành thành công.

Từ 2022 đến nay, CII liên tục tổ chức bất thành các cuộc họp ĐHCĐ lần đầu tiên và phải đến lần thứ 2 mới đủ điều kiện diễn ra. Dù cho ban lãnh đạo đã làm nhiều giải pháp, liên hệ cổ đông, liên tục công bố thông tin trên Fanpage, website và có quà tri ân để khuyến khích cổ đông tham dự.

Song, ban lãnh đạo vẫn giành thời gian để trả lời thắc mắc của cổ đông. Liên quan đến khoản đầu tư vào cổ phiếu HUT của Tasco, Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc cho biết CII đầu tư vào Tasco để cùng thực hiện dự án quy mô lớn liên quan đến thu phí tự động. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẵn sàng bán khi giá cổ phiếu HUT đạt kỳ vọng.

Phía CII chỉ ra tương tự trong quá khứ, công ty từng mua cổ phiếu của Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) và bán ra ở vùng giá cao hơn. Sau đó, CII lại mua vào NBB ở vùng giá thấp hơn và sở hữu vốn công ty này. Việc mua bán phù hợp đồng thời đem về khoản lợi nhuận cho công ty.

Tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên, CII ghi nhận khoản đầu tư 335 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) để sở hữu 17,3 triệu cổ phiếu. Tasco được xem là trùm BOT và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thu phí điện tử (ETC). Các năm gần đây, Tasco mở rộng ra lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản và nghỉ dưỡng.

Liên quan đến việc triển khai chia cổ tức 14% cổ phiếu và tiền mặt 15% đã được cổ đông thông qua tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên diễn ra tháng 6. Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc cho biết thời điểm chia cổ tức sẽ được triển khai sau khi hoàn tất phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Doanh nghiệp có kế hoạch phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu cho cổ đông hiện hữu, thời hạn 10 năm chia làm 2 đợt. Công ty triển khai trước đợt 1 trị giá 2.840 tỷ đồng. Ngay sau khi đại hội thường niên thành công, CII đã làm hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi và đang chờ giấy phép phát hành. Ban lãnh đạo kỳ vọng cuối tháng này có giấy phép phát hành và tháng 11 có thể tiến hành.

Đối với khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu năm nay. Ông Bình cũng bày tỏ con số thực hiện sẽ thấp hơn kế hoạch. Nguyên nhân là do lộ trình tăng giá cước thu phí dự án BOT bị delay. 5 năm rồi các dự án BOT của công ty chưa thể tăng giá cước. Bộ Giao thông Vận tải có dự định năm nay tăng giá nhưng kinh tế khó khăn nên chưa tăng được.

Đồng thời, mảng bất động sản vẫn đóng băng. Mặc dù Chính phủ thành lập tổ gỡ vướng dự án bất động sản, thủ tục nhanh hơn nhưng vẫn chưa thông suốt. Ban lãnh đạo kỳ vọng qua tháng 9 hay 10 thủ tục pháp lý sẽ chạy nhanh hơn. Theo ông Bình, dự án bất động sản của công ty thuộc phân khúc vừa túi tiền nên nếu tung ra thị trường ở thời điểm hiện tại sẽ tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, công ty không tung ra bán do pháp lý chưa xong.

Tổng giám đốc cũng trấn an cổ đông rằng “cơm chưa ăn thì gạo còn đó”. Do, các dự án BOT của doanh nghiệp đều được Chính phủ đảm bảo tỷ suất sinh lời nên việc chưa tăng giá cước hiện tại không ảnh hưởng đến giá trị thu hồi vốn sau này.

CII ghi nhận doanh thu thuần 1.591 tỷ đồng nửa đầu năm, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Song, lãi ròng giảm 94% xuống 43 tỷ đồng do hụt thu từ hoạt động tài chính. Cùng kỳ năm trước, CII thoái vốn Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) ghi nhận lãi tài chính lớn.

Theo tài liệu họp ĐHCĐ bất thường hôm nay, lãnh đạo CII trình chủ trương phát triển giai đoạn 2024 – 2030, đẩy mạnh nghiên cứu danh mục dự án BOT tổng đầu tư lên đến 113.000 tỷ đồng. Bao gồm những dự án lớn quy mô chục nghìn tỷ đồng như đường trên cao Bắc – Nam (38.000 tỷ đồng), dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 (22.000 tỷ đồng), dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM (19.059 tỷ đồng)…

Ông Bình chia sẻ nếu được đại hội cổ đông phê chuẩn thì ban điều hành sẽ nghiên cứu sâu hơn để triển khai. Do thời gian nghiên cứu rất dài nhanh thì 18 tháng, chậm thì 2 năm. Nội dung nghiên cứu cũng rộng gồm đếm xe (thời gian 12 tháng), chi tiết làm hầm chui, cầu vượt, hệ thống thu phí tự động… để dự toán chi phí. Ngoài ra, công ty cũng phải đấu thầu mới được làm các dự án BOT.

Theo Mỹ Hà

Nhà Đầu Tư

Từ Khóa:
cii

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên