MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau”

Bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, theo Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, việc thị trường chứng khoán đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 1.

Theo báo cáo của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi chỉ số Quản trị Mua hàng (hoặc chỉ số quản lý thu mua) - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) liên tục ghi nhận giảm. Và có ý kiến cho rằng ngành sản xuất của Việt Nam đang trải qua một sự suy giảm trong dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?

Như chúng ta đã biết, chỉ số PMI chỉ đạt 45,3 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua. Có thể thấy, ngành sản xuất Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu như nhận định rằng đây là dấu hiệu của một sự suy giảm trong dài hạn thì theo tôi không hoàn toàn đúng.

photo-1687219326190

Nguyên nhân khiến ngành sản xuất ở Việt Nam hiện đang gặp khó là nhu cầu đối với các sản phẩm "made in Vietnam" của người tiêu dùng ở Hoa Kỳ, cũng như các nước phát triển khác đang giảm.

Cụ thể, các nhà bán lẻ Hoa Kỳ, chẳng hạn như Walmart & Target, đã đặt khối lượng lớn hàng hoá trong năm 2022 để bù đắp cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra. Việc này khiến khối lượng hàng tồn kho tăng vọt, đặc biệt là hàng tồn kho của các mặt hàng giày dép, may mặc. Kết quả là, các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm số lượng đơn đặt hàng, thậm chí có những doanh nghiệp huỷ đơn để giải quyết lượng hàng tồn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất khẩu các mặt hàng điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính đã tăng 8% trong tháng 5 so với tháng trước. Chúng tôi kỳ vọng đơn hàng cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Còn đối với hàng may mặc và giày dép, có thể phải đến đầu năm 2024 chúng ta mới thấy dấu hiệu phục hồi.

Những yếu tố nào có thể tác động đến nền kinh tế trong thời gian tới, thưa ông?

Như tôi vừa đề cập ở trên, vì nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang chững lại, sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu có thể được xem là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Chúng tôi kỳ vọng, các nhà bán lẻ ở Hoa Kỳ cũng như ở các thị trường phát triển khác sẽ bắt đầu nối lại đơn đặt hàng với các nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trái ngược với sản xuất và xuất khẩu, du lịch có thể được xem là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam hiện đã đạt khoảng 70% so với mức trước dịch Covid-19 và khách du lịch Trung Quốc đã bắt đầu quay lại Việt Nam từ giữa tháng 3. Theo đánh giá của VinaCapital, ngành này có thể phục hồi hoàn toàn vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và du lịch ước tính sẽ đóng góp hơn 2% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay.

Đối với nội tại nền kinh tế, đầu tư công là vấn đề cần phải quan tâm. Chính phủ đặt mục tiêu tăng 50% ngân sách cho cơ sở hạ tầng trong năm nay. Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng rằng các vấn đề khác liên quan đến ngành bất động sản có thể sẽ được giải quyết vào năm 2023 và 2024.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 3.

Liên quan đến lãi suất, ở thời điểm hiện tại, lãi suất và chi phí huy động vốn đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Do đó, chúng tôi không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm đáng kể cho đến đầu năm 2024. Điều này chủ yếu là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng bị thắt chặt trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng đã vượt xa tăng trưởng huy động. Lãi suất huy động đã tăng khoảng 2,5% trong năm ngoái và chỉ giảm một phần nhỏ so với mức tăng đó trong năm nay, bất chấp việc NHNN liên tục cắt giảm lãi suất.

Chính phủ và NHNN có thể đã đưa ra những giải pháp để tăng tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, bao gồm mua thêm USD, giải ngân tiền thông qua gói tín dụng nhà ở xã hội…. Sự kết hợp giữa tính thanh khoản được cải thiện trong hệ thống ngân hàng (dẫn đến lãi suất cho vay thấp hơn), cùng với việc phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản nhanh hơn, sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Đấy là nói chung về bối cảnh kinh tế vĩ mô, nếu nói riêng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông, yếu tố nào được VinaCapital cho là có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong thời điểm hiện tại?

Rủi ro đối với thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được chia thành hai loại: ngoại sinh và nội sinh.

Các rủi ro đến từ bên ngoài có thể kể đến như lạm phát cao liên tục của thế giới nói chung hay Hoa Kỳ nói riêng, đồng USD mạnh và bất ổn địa chính trị.

Trong khi đó, rủi ro nội sinh đến từ nền kinh tế có thể bao gồm doanh thu của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng, các khoản thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cũng như một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hay ngân hàng.

Ông có thể nói rõ hơn về rủi ro đến từ nội tại kinh tế Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2023 tương đối thấp, GDP chỉ tăng 3,3%. Điều này đã phản ánh doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tương đối ảm đạm. Lợi nhuận ròng quý I/2023 của các doanh nghiệp đã giảm 18% so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, tiêu dùng tiếp tục suy yếu và lãi suất cao cũng là những rủi ro khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm xuống trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một rủi ro khác cũng tác động đến thị trường chứng khoán là lượng trái phiếu sắp đến thời điểm đáo hạn, đặc biệt là các khoản trái phiếu lớn dự kiến sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 7-8. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Thông tư kéo dài thời hạn thanh toán trái phiếu cho các doanh nghiệp, song, theo tôi đây vẫn là một yếu tố cần phải được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng.

Ngoài ra, lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức cao, nên các nhà đầu tư sẽ có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn, thay vì rót tiền vào thị trường chứng khoán.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 4.

Dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán nhưng đang tập trung chính tại cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (midcaps & penny), trong khi nhóm vốn hóa lớn (large caps) như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn chưa hoàn toàn bứt phá. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 11%, trong khi nhóm chỉ số vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng tốt hơn như VNMidCap tăng 12% và VNSmallCap thậm chí tăng tới 26%. Điều này là dễ hiểu, khi thanh khoản đang chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 5.

Nguyên nhân phần lớn đến từ việc nhóm cổ phiếu này đã phải trải qua một nhịp điều chỉnh sâu trong giai đoạn thị trường lao dốc trong năm 2022, mức giảm cũng mạnh hơn đáng kể so với nhóm bluechips. Do đó khi thị trường dần ổn định trở lại và phục hồi thì nhóm cổ phiếu này sẽ có xu hướng thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại ghi nhận mạnh tại nhóm cổ phiếu lớn phần nào khiến nhóm bluechips bị ảnh hưởng.

Đáng nói, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm sau ba lần NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành. Điều này có thể dẫn đến việc một phần tiền gửi ngân hàng sẽ được chuyển hướng sang thị trường chứng khoán với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn. Điểm đến của dòng tiền tới đây có thể sẽ là các cổ phiếu bluechips có hoạt động kinh doanh tăng trưởng bền vững và triển vọng đầy hứa hẹn.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 6.

Vậy triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 sang tới năm 2024 sẽ ra sao, thưa ông?

Theo ước tính mới nhất, tăng trưởng EPS năm 2024 có thể đạt mức 14,1%, tương ứng định giá VN-Index ở khoảng 10,7 lần P/E, mức tương đối rẻ và hấp dẫn. Theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, triển vọng thị trường nửa cuối năm 2023 rất khả quan, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 đến 1.250 điểm trong năm 2023 và tiếp tục hướng tới mục tiêu 1.300, thậm chí là trở lại mốc 1.500 điểm trong năm 2024. Kỳ vọng về việc lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ nửa cuối năm nay và sang tới cả năm 2024 giúp thị trường chứng khoán có thêm dư địa để tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, chúng tôi dự đoán mặt bằng lãi suất sẽ có thể hạ xuống trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn được kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) cũng như các Ngân hàng sẽ bớt thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát áp lực giá cả.

Từ góc nhìn của ông, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối khả quan. Tuy nhiên, thời gian qua khối ngoại liên tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. Quan điểm của VinaCapital về điều này là gì?

Khối ngoại đã mua ròng rất mạnh vào tháng 11 và tháng 12/2022, tập trung vào những thời điểm giá cổ phiếu ở mức thấp. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tháng qua, khối ngoại có xu hướng bán ròng. Tôi cho rằng có một số lý do chính cho việc này.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 7.

Thứ nhất, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung, dù vẫn rẻ so với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, đã không còn quá hấp dẫn như vào giai đoạn chỉ số VN Index ở vùng 900-1.000 điểm. Đáng lưu ý là các cổ phiếu phi tài chính đã không còn rẻ so với quá khứ nữa. Với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, lãi suất đồng USD được dự báo vẫn sẽ ở mức cao cho đến khi lạm phát về mức kỳ vọng của FED. Trong môi trường lãi suất đồng USD ở mức cao, dòng tiền có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, vốn được coi là có rủi ro nhiều hơn các thị trường phát triển. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thứ hai, có thể các nhà đầu tư nước ngoài có một số lo ngại về tình hình kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu. Ở Mỹ, đó là lo ngại về suy thoái kinh tế, dù các dự báo thiên về kịch bản "hạ cánh mềm". Bế tắc trong việc thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ cũng ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian qua, tuy nhiên vấn đề này về cơ bản đã được giải quyết, và các nhà đầu tư không còn phải lo lắng về kịch bản "nước Mỹ vỡ nợ" nữa.

Tôi cho rằng khi Fed ngưng tăng lãi suất và nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước có triển vọng phục hồi rõ ràng hơn, dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 8.

Khi nhìn vào các danh mục đầu tư, có thể thấy thời gian qua VinaCapital tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Bất động sản, nguyên vật liệu và tài chính. Tại sao VinaCapital lại đầu tư vào những nhóm ngành này?

Nhóm quỹ đầu tư thuộc VinaCapital quản lý luôn duy trì danh mục đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, được xác định theo chiến lược riêng của từng quỹ. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã phân bổ khoản đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực như ngân hàng, vật liệu và bất động sản. Đây là ba ngành được coi là trụ cột của nền kinh tế, triển vọng kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu đã chạm đáy và đang trong giai đoạn phục hồi.

Vậy ông đánh giá ra sao về tiềm năng của những ngành này trong thời gian tới?

Ngoài ra, những ngành này chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh mẽ trong những năm tới. Đáng chú ý, chúng tôi dự đoán rằng các công ty đầu ngành như Hòa Phát (HPG), Khang Điền (KDH) và ACB có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2024.

Bên cạnh những nhóm ngành nói trên, liệu VinaCapital có thấy được triển vọng đầu tư của nhóm ngành nào khác trong nửa cuối năm?

Bản thân tôi cũng như các nhà đầu tư ở VinaCapital tin rằng cổ phiếu ngành hàng không sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023. Lý do bởi hoạt động đi lại của hành khách trong nước và quốc tế đang tiếp tục phục hồi và tiệm cận dần về đến mức trước dịch Covid-19.

Chúng tôi đang đặc biệt quan tâm đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đã đầu tư phát triển Nhà ga số 3 Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Với việc mở rộng này, công suất chung của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên 50 triệu hành khách/năm. Với nhiều dấu hiệu rất tích cực, chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của ACV là rất hấp dẫn.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 9.

VinaCapital có ý định rót tiền gom thêm cổ phiếu trong thời gian tới không?

VinaCapital là tập đoàn đầu tư đa dạng trong các lĩnh vực, quản lý nguồn vốn và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam và ủy thác sự đầu tư của họ cho VinaCapital. Từ đó, chúng tôi có nhiều nguồn lực để đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán.

Theo trung tâm lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới cao nhất trong 9 tháng qua, vậy trong giai đoạn này, ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu mới trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động?

Nếu chúng ta nhìn lại những con số của năm 2022, có thể thấy rằng, hiệu suất của VN-Index năm ngoái đã giảm tới 32%. Nếu không tính đến đợt giảm giá trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3/2020, định giá của thị trường chứng khoán hiện đang rẻ hơn so với mức giá trong vòng 10 năm trở lại đây.

Thành thật mà nói, đây là một tín hiệu đáng mừng khi các nhà đầu tư trong nước đang nhận ra cơ hội này. Việc thị trường chứng khoán đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn.

CIO VinaCapital Andy Ho: “VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 điểm trong năm sau” - Ảnh 10.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều có doanh thu cao. Mặc dù VinaCapital rất lạc quan về thị trường trong nửa cuối năm và đầu năm 2024, song, chúng tôi khuyên các nhà đầu tư nên xem xét đầu tư một cách có hệ thống, cụ thể là đầu tư đều đặn mỗi tháng hoặc có thể xem xét việc mua các quỹ mở. Điều này sẽ cho phép họ tiếp cận và "thuê" các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức vốn tối thiểu rất thấp.

Các quỹ mở cung cấp sự đa dạng hóa và cho phép các nhà đầu tư tập trung vào công việc cá nhân mà không cần cố gắng tính thời điểm thị trường và trở thành chuyên gia về thời điểm mua/bán các chứng khoán riêng lẻ.

Ngoài ra, các quỹ mở thường hoạt động tốt hơn các chỉ số, vì các nhà quản lý danh mục đầu tư không phải mua tất cả các công ty trên thị trường và có thể tập trung vào các công ty mạnh nhất. Ví dụ, trong 3 năm qua, các quỹ đầu tư VESAF và VEOF của VinaCapital được xếp hạng số 1 và 2 tại Việt Nam, vượt trội đáng kể so với hiệu suất của VN-Index. Tại thời điểm đầu tháng 6/2023, hiệu suất VESAF tăng 27% trong khi hiệu suất VEOF tăng 16% so với mức 8,1% của VN-Index trong ba năm qua.

Cảm ơn ông!

Phương Linh - Quỳnh Anh
Nhật Vũ
NVCC
20/06/2023 00:00

Bài: Phương Linh - Quỳnh Anh. Thiết kế: Nhật Vũ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên