Clip xúc động về câu chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại: "Nó làm dâu 365 ngày nhưng chỉ mong nó về ở nhà mình vài ngày"
Cái mùi sát Tết, mùi của đoàn viên khiến cho ai nấy đều có những cảm xúc riêng. Và như mọi khi, câu chuyện ăn Tết bên nội hay Tết bên ngoại trong mỗi nhà lại được bàn luận rôm rả. Là bậc cha mẹ, dù đã gả con đi lấy chồng nhưng sâu thẳm trong tim ai cũng mong muốn con gái về ngoại, ăn cái Tết đoàn viên.
- 28-01-2022Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối vẫn sống tiếp 10 năm: Bác sĩ khẳng định yếu tố quan trọng giúp đạt hiệu quả trong điều trị không chỉ có thuốc
- 24-01-202240 năm sống chung với tiểu đường: Người đàn ông chỉ 3 "thủ thuật'' để kiểm soát lượng đường và 2 món ít ăn tới
- 15-01-20222 bộ phận thường xuyên bị đau là dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn cuối, cần tẩm bổ 5 món để giải độc tố, nuôi dưỡng phổi tốt nhất
Cứ mỗi dịp Tết đến, câu chuyện "ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại" lại là chủ đề dấy lên nhiều tranh cãi. Đối với nhiều gia đình ăn Tết ở đâu - có lẽ là vấn đề được ấn định rõ ràng không có gì phải bàn bạc. Thế nhưng nếu gia đình có nhà nội nhà ngoại xa nhau thì mong muốn được ăn Tết ở nhà bố mẹ ruột của các nàng dâu lại càng lớn hơn - bởi bố mẹ đâu còn trẻ để chờ đợi mình mãi...
Với quan điểm truyền thống xuất giá tòng phu, không ít chị em phải gác lại nỗi nhớ nhà để đón Tết bên nhà chồng. Ngày nay việc ăn Tết bên nội hay bên ngoại cũng không còn phải quá khắt khe như trước nhưng do nhiều yếu tố khách quan như con nhỏ, dịch bệnh hay đặc thù công việc mà cứ dịp năm mới, đáp lại sự mong ngóng của ông bà ngoại vẫn là những lời hứa - "Sang năm con sẽ về ạ?".
Câu chuyện Tết nội - Tết ngoại: Đâu cũng là nhà, chỉ cần gia đình đoàn viên
Những ngày cuối năm, mỗi cuộc gọi từ ông bà ngoại lại khiến nhiều nàng dâu xúc động nghẹn ngào. Bởi nó không chỉ là lời hỏi thăm giản đơn mà còn là sự trông ngóng của cha mẹ, dù biết con cái bận rộn còn lo toan nhà chồng nhưng ai cũng mong năm nay con gái sẽ về ngoại ăn Tết.
"Năm nay con có về ăn Tết được không?", "Khi nào con cho các cháu về ông bà ngoại ăn Tết?"... Những câu hỏi của cha mẹ khiến không ít chị em nghẹn ngào, nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ lại càng da diết hơn cả.
"Con gái: Năm nay con không có về.
Bố: Tết năm nay dịch bệnh nó thế, con không về được các cháu không ra được thì thôi. Con cứ yên tâm ở nhà bố mẹ cũng sắm sửa được chút ít cho Tết rồi, cũng hòm hòm rồi. Ông bà cũng mong mấy năm không về ăn Tết được...
Mẹ: Chúc các con ăn Tết vui vẻ nhớ!"
Cuộc gọi video ngắn với cha mẹ của chị Lương Thị Mỹ Liên (ở Hà Nội) cũng chính là nỗi lòng của biết bao nhiêu người phụ nữ lấy chồng xa. Dù bố mẹ cũng động viên, an ủi nhiều nhưng ai cũng hiểu nếu con cái cùng về ăn Tết thì năm mới sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
Gạt đi giọt nước mắt nhớ nhà, chị Liên chia sẻ, "Tính đến năm nay chị đã lấy chồng được 21 năm. Mấy năm đầu thì chị có về ăn Tết với bố mẹ, nhưng mấy năm sau vì có các bé nhỏ nên chị ít có thời gian về hơn".
Chị Liên nghẹn ngào khi nói về gia đình và những cái tết xa bố mẹ
Chị Liên cho biết, bản thân chị và các cháu cũng rất nhớ ông bà. chị nghẹn ngào cho biết, "Nhớ cha mẹ lắm, mình không biết tả như thế nào. Trước khi lấy chồng mình cũng đã xác định được rồi, nhưng không nghĩ sự mất mát, hi sinh nó quá lớn như vậy.
Những ngày cuối năm này, mình nhớ nhà mình nhiều hơn, nơi đó có gia đình, có bố mẹ, có anh chị em, bà con... mà nơi đây chỉ có một mình mình với gia đình nhỏ của mình thôi. Năm nào cũng vậy, bố mẹ mình hay gọi điện nhắc lắm 'Con có về không? Kẹt quá thì bố mẹ cho tiền về..." Nó se lòng lắm. Nhưng mà mỗi năm, mỗi tuổi thì ông bà sẽ già đi, ông bà không còn ở lại để chờ mình về nữa.
Mặc dù mình biết, con gái phải đi lấy chồng xa nhưng mình biết ơn cái tình thương mà bố mẹ dành cho mình rất là nhiều. Mình cố gắng lo tròn bên chồng, nhưng mình nghĩ lại về gia đình mình thì thấy mình đã thiết sót".
Có 2 cô con gái đã lấy chồng, nhưng vợ chồng cô Nguyễn Thị Hoa (TP.HCM) cũng chỉ mới có 1 năm các con ăn Tết bên nhà ngoại. "Cũng chuẩn bị sẵn tinh thần là con gái sẽ về nhà chồng ăn Tết, nhưng năm đó cháu lại nói là năm nay thưa ba mẹ con sẽ về nhà ăn Tết với ba mẹ trước, bên ngoại trước, bên nội sau. Thì tôi cũng rất là mừng nhưng cũng thương cho bên nội".
Dù nói không nhớ, dù thông cảm cho công việc của các con, nhưng chỉ vài câu hỏi han của phụ huynh thôi là thấy sự mong mỏi của cha mẹ. Cô Đỗ Thị Liên Hoa (Bến Trẻ) chia sẻ, "Mình rất mong con mình về. Ngày tư ngày Tết là ngày đoàn tụ mà... Nhà mình không đoàn tụ được mình rất buồn nhưng mình phải giấu kín trong lòng.
Con nó có gia đình riêng và nó cũng phải lo cho gia đình bên chồng trước. Tết nội Tết ngoại gì cũng giống như nhau. Nó làm dâu 365 ngày nhưng chỉ mong nó về ở nhà mình vài ngày".
Là bố mẹ chồng nhưng ông Phan Liên Anh lại có tư tưởng khá thoải mái khi không bắt các con nhất định phải ăn Tết bên nội, "Cũng vui vẻ cho các con nó đi thôi. Người ta cũng sinh con ra, mình cũng sinh con ra thì tại sao mình lại độc quyền được".
Tết bên nội hay bên ngoại đều là gia đình và những đứa con dù là trai, gái, dâu, rể thì đều phải có bổn phận và trách nhiệm như nhau. Nhưng nếu thực sự có một điều ước thì bất cứ ai cũng đều mong vào một ngày gần nhất họ được trở về đón một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn bên người thân ruột thịt. Và dù ăn Tết nội hay Tết ngoại thì ở đâu cũng là nhà - chỉ cần gia đình đoàn viên...
Pháp luật và Bạn đọc