MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNBC: Chiến tranh Lạnh 2.0 hiện hữu, Bắc Kinh có thể dùng "ngoại giao chiến lang" nhằm vào các đồng minh của Mỹ

09-06-2020 - 14:52 PM | Tài chính quốc tế

Những gì đang diễn ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đã nổ ra và mọi thứ sẽ tồi tệ hơn khi các nước khác bị kéo vào cuộc chiến.

Chiến tranh lạnh 2.0?

Từ cuộc chiến thương mại tới khẩu chiến về nguồn gốc của virus corona cũng như các biện pháp nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc trên phố Wall, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ tồi tệ đến thế. Tuy nhiên, điều các nhà phân tích lo sợ là việc các quốc gia khác bị kéo vào cuộc xung đột của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Những điều này sẽ biến mọi thứ trở nên tồi tệ, tồi tệ hơn rất nhiều, trước khi chúng có thể tốt lên. Sự chia rẽ đang rất nghiêm trọng", Dan Ikenson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel của Viện Cato, nói về sự chia rẽ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo đó, Trung Quốc có thể bắt đầu ngắm mục tiêu vào các đồng minh của Mỹ trong cái mà các nhà phân tích gọi là "ngoại giao chiến lang". Nó được đặt theo tên một bộ phim nổi tiếng ở Trung Quốc, trong đó nói về những chiến binh Trung Quốc đánh bại những kẻ thù trên toàn thế giới.

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã thông qua việc soạn thảo luật An ninh Quốc gia dành cho Hồng Kông, vùng đặc khu hành chính của Trung Quốc có mối quan hệ thương mại đặt biệt với Mỹ. Tổng thống Donald Trump nhanh chóng tuyên bố Mỹ sẽ xóa bỏ những ưu đãi dành cho thành phố này. Ông Trump và người Mỹ cho rằng Hồng Kông không còn đủ tự chủ để hưởng những ưu đãi đặc biệt của Mỹ.

Mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng vào năm 2018 khi hai quốc gia bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại. Nó kéo tụt sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Căng thẳng hạ nhiệt khi hai nước đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, mọi thứ đang xấu đi nhanh chóng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Gần đây, căng thẳng lan tới thị trường tài chính. Thượng viện Mỹ đã thông qua luật nhằm hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư phố Wall trừ khi họ tuân thủ các tiêu chuẩn về kiểm toán và kiểm soát của Washington.

"Nhiều dự phòng kinh tế sẽ được đưa ra khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh cũng như kiếm tìm đồng minh từ phần còn lại của thế giới thông qua sách lược củ cà rốt và cây gậy. Điều đó đồng nghĩa với một môi trường chiến tranh lạnh mới trên quy mô toàn cầu", Ikenson nhận định.

Chiến lược ngoại giao chiến lang của Trung Quốc

Bắc Kinh có thể sử dụng một chiến lược tương đối mới mà một số nhà phân tích gọi là "ngoại giao chiến lang" để nhằm vào những người được cho là đứng về phía Washington. Christopher Granville từ công ty nghiên cứu TS Lombard gọi sự gia tăng căng thẳng gần đây là Chiến tranh Lạnh 2.0.

Lấy ví dụ, Granville cho biết Trung Quốc gần đây đã ngừng nhập thịt bò từ Mỹ sau khi quốc gia này theo phe Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus corona.

"Ngoại giao chiến lang của Trung Quốc là cách tiếp cận không có rào cản mới với thế giới bên ngoài", Edward Lucas của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết trong một bản lưu ý hồi tháng trước. "Những phản ứng dữ dội chống lại ngoại giao chiến lang của Trung Quốc đang gia tăng. Trung Quốc đã gây ra sự giận dữ ở Australia, Canada, Đức, Hà Lan và Thụy Điển. Đây chỉ là một vài ví dụ".

Mới thứ 6 tuần trước, Bắc Kinh đã khuyến cáo công dân của mình không nên tới Australia. Bắc Kinh viện cớ về sự phân biệt chủng tộc và bạo lực với người Trung Quốc liên quan tới đại dịch đằng sau khuyến cáo này. Australia đã ngay lập tức phản bác lại những động thái từ phía Trung Quốc.

Ở nơi khác, Trung Quốc có thể phẫn nộ với Vương quốc Anh sau khi tuyên bố cấp thị thực cho những người Hồng Kông đang cảm thấy cuộc sống của họ bị đe dọa. Tuy nhiên, chưa phản ứng nào nhằm vào Anh được đưa ra như cách Bắc Kinh làm với Australia.

Không đối đầu toàn diện

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều đồng quan điểm về việc sẽ không có đối đầu toàn diện ở thời điểm hiện tại. Theo Lombard, Bắc Kinh có lẽ sẽ tự giới hạn mình bằng những động thái không quá gắt gao hoặc có phần kiềm chế.

"Dù ngôn từ có thể căng thẳng nhưng Trung Quốc sẽ không muốn đối đầu toàn diện với Mỹ ở thời điểm hiện tại. Họ sẽ tập trung vào việc ngăn chặn virus lây lan, khôi phục nền kinh tế và thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Mối quan hệ với Mỹ có một số ảnh hưởng nhưng rõ ràng nó không phải vấn đề chính được quan tâm lúc này", Jonathan Fenby của TS Lombard cho biết.

Về phía Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump tìm cách tối đa hóa tâm lý chống Trung Quốc để tạo thuận lợi cho chiến dịch tranh của của mình, ông có sẽ cũng sẽ phải kiềm chế bản thân. Ông Trump là người nổi tiếng thận trọng với việc trả giá kinh tế, điều mà gần như không thể đoán định khi leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Nông nghiệp là thị trường chịu tác động trong khi nhóm cử tri này khá quan trọng với ông Trump.

Tuy nhiên, Chính quyền Trump không phải những người duy nhất nhắm vào Trung Quốc. Lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đang dành nhiều sự chú ý đến nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ngay cả khi ông Joe Biden trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, điều này vẫn sẽ không thay đổi. Nó sẽ tiếp tục nối dài những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Ông Bilahari Kausikan, một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Singapore, thì cho rằng hai nước sẽ khó có khả năng xung đột. Điều này liên quan tới vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, khả năng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không được ông Kausikan, người từng là Thứ trưởng Ngoại giao Singapore, loại trừ.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên