MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại

CEO Tim Cook của Apple đã “đặc biệt hài lòng” kết quả kinh doanh ở các thị trường mới nổi trong bối cảnh doanh số giảm quý thứ 2 liên tiếp do nhu cầu mua điện thoại đi xuống còn nền kinh tế gặp bất ổn.

CEO Tim Cook của Apple đã “đặc biệt hài lòng” kết quả kinh doanh ở các thị trường mới nổi trong bối cảnh doanh số giảm quý thứ 2 liên tiếp do nhu cầu mua điện thoại đi xuống còn nền kinh tế gặp bất ổn.

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại - Ảnh 1.

Tìm đường sống

Theo hãng tin CNN, Apple mới mở một cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam là một động thái khẳng định tầm quan trọng ngày càng lớn tại thị trường mới nổi này.

Việc mở cửa hàng trực tuyến mới này tại Việt Nam cho thấy Apple đánh giá cao người tiêu dùng tại nền kinh tế Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh này có đủ tiềm năng mua các sản phẩm trực tiếp từ hãng.

Trên thực tế, những thị trường như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia đang ngày một quan trọng hơn trong mắt Apple khi tăng trưởng doanh số tại các thị trường khác như Trung Quốc chậm lại, qua đó buộc công ty phải chuyển hướng sang những khách hàng tiềm năng chưa được khai phá như ở Việt Nam.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc vẫn là tâm điểm của Apple khi 1,4 tỷ dân của nước này cùng nền kinh tế bùng nổ trở thành thị trường đóng góp lớn nhất cho doanh số của hãng, chưa kể đến chuỗi cung ứng mà nhà táo khuyết đã dày công xây dựng ở đây.

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại - Ảnh 2.

Apple đã mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam

Tuy nhiên trong khi việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn chưa có nhiều tiến triển thì Apple đã bắt đầu hướng tầm nhìn kinh doanh của mình sang các khách hàng ở những nơi khác.

Hãng tin CNN cho biết CEO Tim Cook của Apple đang nhắm đến những nền kinh tế mới nổi khi gọi các thị trường này là điểm sáng trong kết quả kinh doanh của hãng. Trong buổi công bố báo cáo kinh doanh quý I/2023, CEO Tim Cook đã “đặc biệt hài lòng” với kết quả tại những thị trường mới nổi 3 tháng đầu năm.

Đây được coi là điểm sáng khi doanh số theo quý của Apple giảm lần thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại nhu cầu smartphone đi xuống và nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều bất ổn.

“Rõ ràng tăng trưởng doanh số smartphone giảm tốc trên toàn cầu đã tạo áp lực buộc Apple phải tích cực tiến công những thị trường mới nổi”, giám đốc Daniel Ives của Wedbush Securities nhận định.

Miếng bánh khổng lồ

Cũng theo giám đốc Ives, các thị trường như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ sẽ trở thành miếng bánh khổng lồ của Apple, dựa trên những động thái tích cực gần đây của hãng.

Ngoài ra việc mở cửa hàng trực tuyến như ở Việt Nam thông thường sẽ đi trước việc mở chi nhánh tại thị trường mới của Apple. Điều này hoàn toàn chính xác ở Ấn Độ khi hãng đã mở chi nhánh của mình vào tháng trước và đang được dự đoán nhận được đầu tư nhiều hơn từ nhà táo khuyết.

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Chiew Le Xuan của Canalys cho thị trường smartphones Đông nam Á nhận định việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam đã khẳng định việc tiếp tục tiến công các thị trường mới nổi của hãng.

Theo ông Chiew, Apple trong vài tháng qua đã tích cực hoạt động ở khu vực này khi tăng cường mạng lưới phân phối, đồng thời vẫn còn quá nhiều dư địa để nhà táo khuyết tiếp tục triển khai.

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại - Ảnh 3.

Cửa hàng Apple chính hãng tại Bangkok-Thái Lan

Hiện tại Apple mới chỉ có chi nhánh tại những thị trường chính như Thái Lan và Singapore, trong khi ngay cả Indonesia, thị trường smartphone lớn thứ 6 thế giới cũng chưa có cửa hàng nào. Số liệu của Canalys cho thấy thị phần của Apple tại Indonesia chỉ mới 1% vào năm 2022.

“Chúng tôi đang nỗ lực ở những thị trường này và thực sự nhận thấy cơ hội tuyệt vời cho tập đoàn, đặc biệt là với thị phần còn thấp cũng như độ lớn của nhân khẩu học”, CEO Tim Cook thừa nhận.

Theo CNN, Apple đang là một trong nhiều doanh nghiệp quốc tế đổ về Đông nam Á, nơi ngành sản xuất đang thu hút đầu tư rất lớn.

Trong khi đó, báo cáo của Boston Consulting Group cho thấy mảng tiêu dùng tại đây cũng cực kỳ tiềm năng với các gia đình có thu nhập trung bình tại Việt Nam, Indonesia, Philippines dự kiến sẽ tăng khoảng 5%/năm từ nay đến năm 2030, qua đó trở thành “miếng bánh béo bở tiếp theo”.

“Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Đông Nam Á đã tạo nên sức hút cho các thị trường này, điều mà Apple trước đây không chú ý tới. Đây sẽ là cơ hội vàng cho Apple”, giám đốc Ives của Wedbush đồng quan điểm.

Thách thức

Trong nhiều năm, Apple đã phải vất vả để cạnh tranh tại các thị trường mới nổi do giá cả sản phẩm khá cao. Một chiếc iPhone có giá bình quân 470-1.100 USD, mức khá cao so với tiêu chuẩn sống của người dân Đông Nam Á khi giá các smartphone khác tại đây có thể xuống dưới 200 USD.

Theo chuyên gia Chiew của Canalys, chính điều này đã ngăn cản các thị trường như Việt Nam, Campuchia tiếp cận được với những đợt chào bán sản phẩm mới của Apple, khiến người dân phải bay sang Singapore hay Malaysia để mua hàng sớm về bán lại.

Thế nhưng tình hình có thể sẽ khác khi Apple bắt đầu chú ý đến thị trường Đông Nam Á.

Giám đốc Ives của Wedbush nhận định Apple có thể mở rộng hệ sinh thái và tăng cường chiến lược cạnh tranh tại Đông Nam Á như những gì đã làm ở Trung Quốc trước đây. Điều này đồng nghĩa nhà táo khuyết có thể thu hút người tiêu dùng bằng các chính sách ưu đãi về giá.

CNN: Việt Nam là ‘cơ hội vàng’ cho Apple khi thị trường Trung Quốc bão hòa còn người dân thì không chịu thay điện thoại - Ảnh 4.

Một khi người dùng đã tham gia hệ sinh thái của Apple thì thông thường họ sẽ mua những sản phẩm liên quan của nhà táo khuyết. Đây được coi là cốt lõi cho thành công của Apple tại Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ được lặp lại tại Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia...

Tuy nhiên không phải không có thách thức khi nhiều thị trường có sự bảo hộ cho ngành công nghiệp sản xuất nội địa. Ví dụ Indonesia yêu cầu các thiết bị điện tử phải có ít nhất 35% sản xuất trong nước, qua đó buộc Apple nếu muốn tiếp cận thị trường này thì phải mở nhà máy hoặc liên doanh tại đây.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Ấn Độ cho đến khi thị trường này nới lỏng quy định vào năm 2019.

Bên cạnh đó, dù chú ý hơn đến Đông Nam Á nhưng giám đốc Ives nhận định Apple có thể vẫn khó cạnh tranh được về giá so với nhiều nhà bán lẻ địa phương.

“Việc đạt tăng trưởng bùng nổ của Apple tại đây có lẽ là sẽ khá khó khăn”, giám đốc Ives nhận định.

*Nguồn: CNN


Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên