MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có 4 thứ mà bố mẹ nào cũng nên đầu tư cho con trong giai đoạn 0-3 tuổi, tạo tiền đề bật xa trong tương lai

13-10-2023 - 21:59 PM | Sống

Có 4 thứ mà bố mẹ nào cũng nên đầu tư cho con trong giai đoạn 0-3 tuổi, tạo tiền đề bật xa trong tương lai

Việc đầu tư vào giáo dục cho con trong 3 năm đầu đời là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ còn nhỏ thì không cần đầu tư nhiều, đợi đến khi lên cấp 2, cấp 3 cũng chưa muộn. Thế nhưng, thói quen được hình thành từ thủa bé sẽ định hướng rất nhiều cho tương lai của con trẻ. Một em bé được bố mẹ quan tâm, chỉ bảo từ những năm tháng đầu đời rất có thể sẽ giỏi giang, bật xa hơn những người bạn khác. Có 4 thứ cha mẹ nên quan tâm và đầu tư ngay từ lúc này.

1. Xây dựng thói quen đọc sách cho con

Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của một đứa trẻ. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ cố gắng tìm cách giúp con mình yêu thích việc đọc sách. Não bộ của trẻ phát triển nhanh từ 0 – 3 tuổi. Việc kích thích não bộ bằng cách đọc sách cho trẻ nghe trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành thói quen yêu thích việc đọc ngay từ sớm.

Một số bí quyết mà cha mẹ có thể áp dụng:

- Chọn sách con thích thay vì sách mình cảm thấy hay: Muốn con đọc nhiều sách, trước tiên hãy chú tâm khơi gợi niềm yêu thích thật sự từ tâm của trẻ một cách tự nhiên. Bằng mọi cách tạo cho con cảm giác con làm vì con thích, không phải con làm vì ba mẹ thấy tốt.

- Biến sách thành phần thưởng, món quà đáng mong đợi: Hãy biến sách thành món quà đặc biệt nhất. Cho dù thời gian đầu con chưa thật sự thân quen với sách thì ba mẹ vẫn cứ tỏ thái độ hân hoan, phấn khích khi con được tặng sách.

- Đừng mua quá nhiều sách: Sách có thể mua cho con cả bộ nhưng tuyệt đối không bao giờ đưa cho con hết. Mang dần ra từng cuốn, từng cuốn một. Đừng mua nhiều sách mới, hãy để con đọc đi đọc lại một quyển sách cũ. Vì giai đoạn đầu tạo cho con niềm hứng thú với sách, chứ không phải muốn con học từ sách.

- Đừng biến đọc sách thành nghĩa vụ: Đừng suốt ngày bắt ép con đến đây mẹ đọc sách cho nghe... đừng để con biết mẹ thích con đọc sách lắm. Không bắt con dừng xem tivi hay việc gì con thích chỉ vì tới giờ đọc sách. Lúc đọc sách nếu con không tập trung, bắt đầu chán thì dừng đọc chuyển sang hoạt động khác, đừng cố ép con.

2. Cho bé tiếp xúc với ngoại ngữ

Nếu bạn muốn trẻ nói 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và Tiếng Anh), hãy suy nghĩ đến 2 thời điểm khác nhau, nhưng rất quan trọng:

Thời điểm nền tảng: Là được tính từ tuần thứ 30 của thai kì cho đến trẻ tròn 3 tuổi.

Thời điểm phát triển: Là khi trẻ bắt đầu 3 tuổi trở về sau đến trước 7 tuổi. Một số chuyên gia cho rằng sau 7 tuổi trẻ có thể gặp khó khăn để thành thạo 2 ngôn ngữ 1 lúc. Lưu ý, chỉ là khó khăn, chứ không có nghĩa là không thể, do đó, ngoại ngữ đều có thể học ở bất kì độ tuổi nào, chỉ cần có phương pháp phù hợp.

- Lúc mang thai từ tuần thứ 30, bạn có thể chọn 1 trong những cách sau:

+ Nếu bạn là người sử dụng tiếng Anh giỏi, chọn 1-2 thời điểm trong ngày nói chuyện với bé bằng tiếng Anh, đơn giản như kể bé nghe những gì bạn đang suy nghĩ, sử dụng dạng câu ngắn, nói rõ và cảm xúc.

+ Nếu bạn có chồng/vợ nói tiếng Anh, bạn nói tiếng Việt, chồng/vợ nói chuyện với trẻ bằng tiếng Anh. Lúc nói, bạn dùng câu ngắn, rõ và nên ngang tầm bụng của bạn sẽ làm trẻ dễ lắng nghe.

+ Nếu bạn hoặc chồng/vợ bạn không ai nói được tiếng Anh, bạn có thể tham gia 1 lớp tiếng Anh giao tiếp, đừng chọn chương trình luyện thi hay học hành gì căng thẳng, nên là giao tiếp đơn giản. 1 tuần bạn chỉ cần đến lớp 4 buổi, mỗi buổi ít hơn 1 tiếng. Chọn lớp ít học viên, dưới 15 học viên để tăng cơ hội giao tiếp với thầy/cô giáo. Không nhất thiết chọn thầy/cô giáo nước ngoài, chỉ cần họ chịu nói chuyện và khả năng phát âm tốt.

+ Nếu bạn hoặc vợ/chồng không nói được tiếng Anh và cũng không có điều kiện lên lớp vì nhiều lí do, bạn có thể mở đĩa tiếng Anh cho trẻ nghe. Chọn các đoạn hội thoại ngắn như hội thoại trong TOEIC hoặc phần nghe session 1 và 2 trong IELTS. Nội dung hội thoại này khá phù hợp nên bạn chép ra đĩa, mở đĩa bằng 2 loa hai bên, bạn ngồi ở giữa, bạn vừa nghe vừa cho bé nghe. Đừng nghe quá lâu, tầm 10 phút bạn bấm dừng 1 phút, sau đó nghe tiếp. Tối đa là 30 phút. Ngày làm 1-2 lần là được.

- Từ lúc con sinh ra đến khi bé 12 tháng tuổi: Tuổi này giúp trẻ phân biệt các ngữ âm là điều rất quan trọng. Trẻ chưa cần học từ, mà là ngữ âm: nguyên âm đơn/ghép và phụ âm đơn/ghép. Nếu là ngoại ngữ, trẻ sẽ biết phân biệt các loại trên dễ dàng vì giai đoạn trước trẻ đã hấp thụ đầy đủ các loại âm này trong bụng mẹ.

Thực tế những điệu hát ru là có thể phát triển ngôn ngữ vì những giai điệu hát ru theo lối vào vần của thơ lục, thơ bát sẽ tạo các patterns lặp lại giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và toán học. Các nghiên cứu khoa học về các patterns này là được chứng minh có liên quan đến khả năng phát triển não bộ của trẻ (theo GS. Bergeson, ĐH Toronto, Canada). Do đó, nếu bạn biết hát ru hoặc trong gia đình ai biết hát thì đừng ngại hát ru bằng tiếng Việt cho trẻ ngay từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi. Lúc bú, lúc tắm và lúc ngủ. Lúc hát, bạn bắt nhịp tay theo điệu vào vần cho trẻ hiểu.

Nếu bạn không biết hát ru thì mua đĩa hát ru về cho trẻ, bạn cũng học và nhẩm theo để thuộc và hát. Khi tự tin, thì tự hát là rất tốt.

Cũng chia 1-2 lần trong ngày nói chuyện tiếng Anh với trẻ hoặc mở 1 đĩa tiếng Anh cho trẻ và bạn cùng nghe. Có thể sử dụng đĩa lần trước.

- Từ 1 đến 2 tuổi: Trẻ bắt đầu học nói và học đếm, màu sắc. Lúc này học câu, ghép câu ngắn là quan trọng. Chọn 1-2 lần trong ngày cho trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua 1 số hoạt động vui chơi liên quan đến màu sắc, số đếm và hình dáng vật thể. Ví dụ, chơi vẽ tranh, nặn đất sét, xếp hình...

Bên cạnh đó, bạn có thể mở đĩa nhạc thiếu nhi tiếng Anh hoặc đĩa gồm những đoạn hội thoại ngắn vui dành cho trẻ preschool, mở bằng loa, thiết kế 2 loa 2 bên, để trẻ chơi trong không gian ở giữa. Không dùng thiết bị điện tử có màn hình để mở nhạc cho bé nghe.

Có 4 thứ mà bố mẹ nào cũng nên đầu tư cho con trong giai đoạn 0-3 tuổi, tạo tiền đề bật xa trong tương lai - Ảnh 1.

3. Chọn đúng trường mẫu giáo tốt

Bậc học mầm non là những bước đi đầu tiên trong sự trưởng thành của đứa trẻ, giúp trẻ có điều kiện hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ. Tìm một trường mầm non tốt, phù hợp sẽ tạo tiền đề cho con dễ dàng hơn khi bước vào các bậc học sau này.

Giai đoạn từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn vàng trong sự phát triển, ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tính cách, lối tư duy của bé sau này. Những kiến thức, kĩ năng được học ở mầm non sẽ góp phần xây dựng nên con người tương lai của trẻ. Sự quan tâm, đầu tư đúng đắn sẽ tạo nên những nhân tài tương lai.

Đây là 1 số điều bạn cần quan tâm khi chọn trường cho trẻ:

- Giáo dục độ tuổi này nên tập trung vào vui chơi là chính. Các hoạt động giáo dục nên chủ yếu là hoạt động tương tác thực giữa cô và trẻ có chiếm hơn 70%.

- Không gian trường có đủ để trẻ vui chơi và vận động thì khi đó mới giúp trẻ thực sự khám phá và sáng tạo.

- Dành thời gian tham quan trường để hiểu về các cô giáo và nhân viên tại trường.

4. Dành thời gian cho con

Tuổi thơ của con chỉ có 1 lần và chẳng hề lặp lại. Đừng vì quá bận rộn mà bỏ qua mất giai đoạn đáng quý này. Thời gian không cần nhiều nhưng nhất thiết phải hiệu quả, có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào con mà không có sự can thiệp của thiết bị điện tử hay việc nào khác.

Cuộc sống hiện đại, nhu cầu về mọi thứ càng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu đó, đồng nghĩa con người càng phải lao động nhiều hơn. Ngoài thời gian làm việc, bố mẹ hãy dành thời gian chơi đùa, chia sẻ cùng con là một điều quan trọng. Hãy tạo những thời gian chất lượng bên con để con có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của cha mẹ.

Những đứa trẻ được bố mẹ yêu thương, quan tâm cũng sẽ có xu hướng trở nên tình cảm, đoàn kết, biết yêu thương mọi người xung quanh mình.

Theo An Chi

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên