Có 700 triệu nhưng sẵn sàng “chốt đơn" căn nhà 2,4 tỷ: Chuẩn bị tài chính thế nào để không sợ áp lực nợ nần?
Căn hộ là thành quả làm việc và quản lý tài chính của vợ chồng trẻ.
- 20-01-2024“Làm thế nào để người nghèo mua được kim cương?” - Ứng viên IQ cao đáp khéo được nhận vào làm luôn
- 19-01-2024Không phải tập thể dục hay uống nước, ngủ theo đúng 5 quy tắc này cũng giúp bạn kéo dài tuổi thọ
- 18-01-2024Hơn nửa năm ở nhà 2 con trai, cụ bà 75 tuổi quyết định làm 1 việc: Lợi cho mình, cả cho con
Chuyện vợ chồng mua căn hộ đầu tiên
Vợ chồng Hoàng Huấn (SN 1994, kiến trúc sư) - Đinh Mai (SN 1997, chuyên viên pháp chế) mới mua căn hộ 55m2 vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Căn hộ gồm 2 phòng ngủ và 1 phòng vệ sinh, với giá thành 2,4 tỷ đồng. Cặp đôi mua nhà khi có khoảng 700 triệu đồng, số tiền còn lại họ vay gia đình 2 bên và ngân hàng với lãi suất 8%. Sau đó, gia đình còn chi thêm 300 triệu đồng để mua mới nội thất.
“Căn hộ nhỏ nhưng theo mình là có thiết kế tối ưu khi có 2 logia. Một logia mình để máy giặt và phơi quần áo, logia còn lại để trồng cây đúng theo sở thích của 2 vợ chồng. Khu vực bếp và phòng khách liên thông nhau khiến không gian sống rộng và thoáng hơn. Có một góc nhỏ để mình đặt bàn làm việc. Hai phòng ngủ cũng đủ diện tích sử dụng dù không quá lớn”, Hoàng Huấn chia sẻ.
Khi tìm mua căn hộ, vợ chồng Hoàng Huấn liệt kê những tiêu chí sau: Vị trí của dự án chung cư thuận tiện cho giao thông đi làm của hai vợ chồng; Mức giá căn hộ phù hợp với điều kiện kinh tế; Độ uy tín của chủ đầu tư; Tiện ích cảnh quan như công viên, thể thao, chỗ chơi cho em bé… tốt.
Một điều may mắn là Hoàng Huấn từng làm việc với các căn hộ thuộc dự án chung cư đang ở, do đó anh đã ít nhiều biết về điều kiện sống nơi đây, từ đó nhanh chóng tìm được nhà phù hợp.
Đối với những gia đình dự tính tìm mua căn hộ, Hoàng Huấn có lời khuyên: “Trước hết, bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và các dự án hiện có để có cái nhìn toàn diện. Hãy chọn mua căn hộ từ những nhà đầu tư và đơn vị xây dựng uy tín, đồng thời so sánh giá, ưu đãi của các dự án.
Vị trí cũng đóng vai trò quan trọng. Bạn nên chọn những dự án thuận tiện và có tiềm năng phát triển. Đồng thời, bạn nên tính toán chi phí phát sinh và tận dụng tư vấn của chuyên gia để đảm bảo quyết định mua nhà là sự đầu tư thông minh. Cụ thể, bên cạnh giá thành của căn hộ, bạn còn nên xem xét cả phí quản lý, phí bảo trì và những chi phí liên quan khác như bảo hiểm cháy nổ, phí dịch vụ căn hộ hàng tháng… ”.
Một dự án chung cư tốt không chỉ giúp cuộc sống gia đình tại đây thoải mái hơn mà còn đảm bảo bất động sản giữ giá theo thời gian. Theo trải nghiệm cá nhân của Hoàng Huấn, để đánh giá một dự án chung cư tiềm năng, bạn cần cân nhắc các tiêu chí sau.
Anh chia sẻ: “Thứ nhất là vị trí - một yếu tố quan trọng. Nếu nó nằm ở khu vực phát triển, thuận tiện về giao thông, gần các tiện ích và dịch vụ, thì có khả năng thu hút nhiều người quan tâm hơn. Tiếp theo là sự gần gũi với các tiện ích như trường học, bệnh viện, công viên, cũng như các dịch vụ xã hội như siêu thị, nhà hàng, giải trí, có thể làm tăng giá trị và sự hấp dẫn của dự án. Ngoài ra sự tích hợp công nghệ và các tiện ích thông minh trong nhà có thể làm tăng giá trị, thuận lợi cho cư dân, đồng thời thể hiện sự hiện đại của dự án”.
Quản lý tài chính để mua nhà thế nào?
Được biết, để chuẩn bị mua nhà, gia đình Hoàng Huấn đã siết chặt ngân sách và lên kế hoạch quản lý tài chính từ trước.
Cụ thể, ngay từ đầu, vợ chồng anh xây dựng một ngân sách để hiểu rõ hơn về tình hình tài chính. Riêng khoản tiết kiệm, cặp đôi giảm các chi phí không cần thiết, tập trung cân đối tài chính trong các hoạt động như ăn uống, giải trí và mua sắm, đơn cử như hạn chế ăn uống ở nhà hàng và tận dụng nấu nướng tại nhà.
Thêm nữa, một nguyên tắc quan trọng là gia tăng thu nhập. Bên cạnh công việc văn phòng, Hoàng Huấn còn nhận thêm công trình cũng như thiết kế nội thất ngoài giờ làm việc, trong khi vợ anh bán hàng online.
Hiện, mỗi tháng vợ chồng Hoàng Huấn sẽ trả khoảng 10 triệu đồng gồm tiền gốc và lãi tuỳ thuộc lãi suất ngân hàng. “Việc này ít nhiều tạo áp lực lên vợ chồng mình. Nhưng bằng sự chuẩn bị và lên các kế hoạch quản lý tài chính từ trước, cuộc sống của gia đình không gặp quá nhiều khó khăn", anh chia sẻ.
Sau khi mua được nhà, vợ chồng Hoàng Huấn đã thay đổi nhiều thói quen tài chính, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu trả nợ và ổn định cuộc sống.
“Hai vợ chồng mình đã điều chỉnh kế hoạch chi tiêu hàng ngày, nhằm đáp ứng các chi phí liên quan đến nhà và khoản vay. Quản lý nợ và lãi suất trở nên quan trọng hơn. Đồng thời, mình cũng phải xem xét các kế hoạch tiết kiệm và đầu tư để đảm bảo tài chính gia đình phát triển mạnh mẽ.
Bảo dưỡng và sửa chữa nhà, cùng việc tạo quỹ dự trữ, đều là những điều cần quan tâm để duy trì giá trị tài sản và đối mặt với các chi phí bất ngờ. Với ngôi nhà mới, kế hoạch của mình giờ đây tập trung hơn vào những mục tiêu lâu dài như giáo dục, hưu trí, và sự ổn định tài chính trong tương lai”, Hoàng Huấn nói.
Dù là kiến trúc sư, từng thiết kế và thi công nhiều căn hộ, song với tổ ấm của mình, anh vẫn gặp khó khăn, nhất là trong khâu thiết kế.
Đầu tiên là từ nhu cầu sử dụng của gia đình là cần nhiều không gian để đồ, trong khi diện tích căn hộ khiêm tốn. Tiếp theo là lựa chọn và sử dụng vật liệu tốt, an toàn với người sử dụng vì cặp đôi mới có em bé. Cuối cùng là tiến độ, anh muốn hoàn thành sửa chữa căn hộ càng sớm càng tốt để nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới, vì đã có lịch trả nhà thuê cho chủ.
Sau cùng, Hoàng Huấn cho rằng tuỳ thuộc vào tình hình tài chính và nhu cầu sống, vợ chồng có thể lựa chọn thời điểm phù hợp mua nhà. Còn từ kinh nghiệm cá nhân, anh nghĩ nếu có khoảng 30-40% giá trị căn hộ thì bạn đã có thể bắt đầu tìm hiểu và sở hữu căn hộ đầu tiên.
Phụ nữ mới