MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có ba cuộc gặp gỡ quý nhất đời một con người: Gặp gỡ đối tượng đầu tiên sai, cả đời đi chệch hướng!

11-09-2019 - 15:05 PM | Sống

Trên đời này, không phải ai cũng có bản sắc cá nhân ngay từ ban đầu. Hầu hết chúng ra đều học theo và sao chép từ người khác. Chính trong lúc ta còn đang bắt chước, cái "tôi" cá nhân sẽ dần dần lộ diện.

Trong đời một con người, có ba cuộc gặp gỡ quý giá nhất, đó là "người thầy giỏi, người bạn tốt và cuốn sách hay". Nhất là những năm tháng còn ở độ tuổi trên hai mươi dưới bốn mươi, người ta luôn bất chấp hết để làm theo lời dạy bảo của người thầy mình tôn kính. Dù lời người thầy đáng kính ấy có sai, chúng ta vẫn sẽ răm rắp nghe theo mà không một lời trách móc.

Con người có xu hướng là một khi đã coi trọng người nào, thì sẽ học theo bắt chước cách đánh giá của người ấy. Tất cả đều trưởng thành theo năm tháng nhờ sao chép cử chỉ, hành vi của người khác, Đến một lúc nào đó, cái chất "tôi" cá nhân, cái cá tính sáng tạo bắt đầu bộc lộ ra ngoài, cũng là lúc việc bắt chước đi đến hồi kết.

Tôi cũng là một người chuyên đi học thuộc lòng lời nói của các vị mà tôi ngưỡng mộ, rồi sau đó dùng nó để nói trước đám đông. Nhờ đó, tôi có thể tự tin phát biểu giữa chốn đông người mà không bị vấp hay "khớp". Có rất nhiều người lầm tưởng rằng nếu mình không có vốn từ riêng thì sẽ không thể ăn nói lưu loát được. Thế nhưng, trong quá trình học theo ngôn từ của những người ta ngưỡng mộ, dần dà cá tính của ta cũng được tô điểm theo, màu sắc cá nhân cũng từ đó mà xuất hiện. Kết quả là, ngôn từ ta học được của người khác sẽ trở thành ngôn từ của chính bản thân ta.

Trên đời này, không phải ai cũng có bản sắc cá nhân ngay từ ban đầu. Hầu hết chúng ra đều học theo và sao chép từ người khác. Chính trong lúc ta còn đang bắt chước, cái "tôi" cá nhân sẽ dần dần lộ diện.

Cá tính của con người vốn tương đồng với nhau. Bạn không có gì phải buồn rầu nếu thấy bản thân không có cá tính riêng. Nếu bạn có một "thần tượng" và học tập theo họ thì sớm muộn gì sự học tập ấy cũng sẽ biến thành màu sắc riêng của chính bạn. Thêm vào đó, với một cuộc sống không bị ràng buộc bởi bất kì tư tưởng, quan niệm nào thì việc học theo lời dạy từ người ta kính trọng chính là điều quan trọng hơn hết thảy. Tuổi trẻ mà không được tu dưỡng đúng đắn, ba mươi năm sau sẽ thấy nó tác động thế nào đến cuộc đời mình. Chỉ bằng bài sai khác nhỏ nhặt thôi cũng gây ra ảnh hưởng to lớn đến tương lai.

Giáo dục ngày nay tập trung vào hình thức học mang tính thực tiễn có lợi ngay trước mắt. Trong khi đó, việc học cần đem lại lợi ích lâu dài mới chính là bản chất của giáo dục. Trước đây, ngài Nitobe Inazo đã có nhiều lần giảng dạy tại giảng đường rộng lớn có sức chứa lên tới một ngàn người, thế nhưng ông lại cảm thấy người học chân chính chỉ có một mình mình mà thôi.

Giờ học của tôi vốn nổi tiếng là tiết học buồn ngủ, tuy nhiên thi thoảng vẫn sẽ có vài sinh viên tìm đến phòng giáo viên để trao đổi với tôi. Dù các em có ngủ gật ngay trên lớp, các em vẫn muốn được giáo viên quan tâm đến quá trình học tập của mình.

Nghe thì có chút khoe khoang, nhưng tôi nghĩ rằng, việc khiến học sinh mang suy nghĩ cần được thầy cô quan tâm là điều quan trọng mà giáo dục phải làm. Nhiều giáo viên chỉ đứng lớp và thuyết giảng đầy hùng hồn nhưng lại không hề chạm đến trái tim các em học sinh, trong khi những nội dung ấy chỉ cần về nhà tự đọc sách giáo khoa là hiểu được.

Gần đây, các em học sinh được quyền đánh giá tiết học, nên rất nhiều giáo viên quyết định không nói gì xa hơn ngoài nội dung bài giảng trên lớp. Thậm chí, tôi có cảm giác giáo viên bị gò bó đến nỗi không thể nói dù chỉ là một câu nói đùa.

Về lâu dài, học sinh chỉ ngồi nghe một giờ giảng vô nghĩa đầy ngộn kiến thức kia sẽ bị bào mòn phẩm chất. Thế nên đôi khi tôi dành thời gian kể những câu chuyện về Uchimura Kanzo hay Nitobe Inazo cho các em nghe. Bởi ba mươi năm sau, chính những câu chuyện ấy sẽ tạo nên kết quả tốt đẹp.

Ngày nay, các em học sinh đều chăm chỉ, số lượng học sinh ưu tú cũng nhiều hơn. Điều này quả thất rất đáng khen, nhưng chỉ nhiêu đó thì cũng không thể biết được, liệu các em có trở thành nhân tài xán lạn trong tương lai hay không, bởi các em chưa có cho mình một điểm tựa vững bền.

Chỉ bằng cách ngưỡng mộ một người nào đó, điểm tựa trong lòng mới hình thành được. Là ai cũng được, kể cả người không lớn lao như Nitobe Inazo cũng không sao cả, bởi chẳng ai trên đời này có thể hoàn mỹ đến từng chân tơ kẽ tóc cả.

"Bị một người như vậy dối lừa thì tôi cũng cam lòng".

Ngưỡng mộ một người đến mức mang suy nghĩ như thế quả là một điều cần thiết.

Có ba cuộc gặp gỡ quý nhất đời một con người: Gặp gỡ đối tượng đầu tiên sai, cả đời đi chệch hướng! - Ảnh 1.

Trong danh tác của nhà sư Thân Loan có viết: "Có bị thầy Hounen lừa dối thì tôi cũng vui lòng." Một mối quan hệ sư đồ như thế chắc chắn sẽ đưa tới ý chí học tập vô cùng mãnh liệt.

Hãy dũng cảm bước ra ngoài kia để gặp được nhân vật đáng quý của đời bạn!

Một cuộc gặp gỡ quan trọng như vậy, nếu ta chỉ ngồi một chỗ và đợi thì chắc chắn nó sẽ không xuất hiện. Bạn phải tự mình bước ra ngoài mà theo đuổi.

Đối với tôi, cuộc gặp gỡ có ý nghĩa nhất mà tôi từng trải qua trong cuộc đời này đó là với một vị linh mục – người đã nói cho tôi nghe về Nanbara Shigeru. Tôi tình cờ gặp vị linh mục đó ở Kyoto, người ấy đã kể những câu chuyện về một Nanbara Shingeru tôi từng biết đến một thuở còn đi học.

Với tôi, vị linh mục đó đích thực là kim chỉ nam trong cuộc đời mình. Nếu không bởi những lời người đó nói, thì có lẽ, dẫu có tìm đọc sách của Nanbara Shingeru đi chăng nữa, tôi cũng bỏ dở giữa chừng. Trong khi ấy vị linh mục chính là minh chứng đậm nét khi đã kết nối với Nanbara Shingeru, có lòng thành kính với ông ấy, và thật tâm cho rằng đó là người tuyệt vời; từ đó tôi mới vững niềm tin được. Và khi đã có điểm tựa trong tâm rồi, con đường theo đuổi tri thức cũng nhờ thế mà trải rộng trước mắt.

Phải có những điều kiện quan trọng để đáp ứng một cuộc gặp gỡ định mệnh, đó là bạn phải mở lòng và có khao khát tìm kiếm. "Hãy cứ hi vọng đi, cuối cùng bạn sẽ nhận được thứ mình muốn thôi". Nếu bạn có lòng theo đuổi mối lương duyên quan trọng này, chắc chắn bạn sẽ nhận được thành quả đáp lại. Nếu bản thân có khao khát, cơ hội được gặp người mình ao ước cũng vì thế mà cao hơn rất nhiều.

Vậy thì tại sao lại có những lời nói như là "những cuộc gặp gỡ tốt lành không tồn tại"? Nguyên nhân là ở tâm tư con người không nhìn ra, hoặc là nỗ lực còn chưa đủ xứng đáng. Thứ giá trị thật sự luôn là thứ đang nằm trong đống đồ bỏ đi, vậy nên chúng ta, trên con đường tìm kiếm cuộc gặp gỡ định mệnh, phải ý thức sâu sắc được điều đó.

Các bạn à, đừng bao giờ nhốt mình trong nhà. Nếu mỗi ngày đều dành một giờ cho ủ ê phiền não rồi, vậy thời gian còn lại phải bước ra ngoài kia thôi. Hãy dũng cảm đặt chân ra thế giới ngoài kia và tiến bước đi nào!

*Bài viết được trích từ cuốn sách "5 năm cuối đời" của tác giả Hino Okia.

Theo Hino Okia

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên