MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ bản hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm chuẩn bị cho cải cách tiền lương

Từ ngày 1/7 tới đây, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, việc trả lương sẽ theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh của cán bộ lãnh đạo. Như vậy, để xây dựng được hệ thống thang, bảng lương mới, yêu cầu phải hoàn thành được vị trí việc làm. Vậy cho đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã hoàn thiện ra sao?

Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ nội vụ.

PV: Thưa ông, từ ngày 1/7 năm nay, thực hiện cải cách tiền lương và thang bảng lương được tính theo vị trí việc làm. Xin ông có thể cho biết hiện nay, tiến độ hoàn thiện vị trí việc làm của các Bộ ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị được thực hiện như thế nào?

Ông Vũ Đăng Minh: Về việc xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cải cách tiền lương theo đề án của Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt tại Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII, đến nay, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cụ thể đã ban hành 10 Thông tư. Kết quả tổng hợp đến nay như sau: trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thì có 840 vị trí, vị trí lãnh đạo quản lý chiếm 122 vị trí, công chức chuyên ngành có 656 vị trí, công chức chuyên môn nghiệp vụ dùng chung là có 40 vị trí và các vị trí hỗ trợ phục vụ có 22 vị trí.

Trong các cơ quan thuộc Chính phủ có 31 vị trí chức danh, lãnh đạo quản lý, các vị trí còn lại là nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, vị trí hỗ trợ, phục vụ thì áp dụng theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, chúng ta xác định là có 599 vị trí, trong đó lãnh đạo quản lý là 110 vị trí, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành có 392 vị trí, chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung là 30 vị trí,  các vị trí hỗ trợ, phục vụ có 27 vị trí. Đối với cấp xã thì có 11 vị trí, trong đó cán bộ có 11 vị trí và công chức cấp xã là 6 vị trí. Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thì đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp của Chính phủ.

Cơ bản hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm chuẩn bị cho cải cách tiền lương- Ảnh 1.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh.

PV: Thực tế thời gian qua khi thực hiện đề án vị trí việc làm, các cơ quan, Bộ ngành phản hồi trong quá trình sắp xếp có vướng mắc là giữa vị trí  sắp xếp với số lượng biên chế được giao không phù hợp. Một số nơi làm tăng biên chế hoặc cố làm sao vừa với biên chế được giao chứ chưa tinh giản được biên chế. Tổng hợp số liệu vừa qua, vướng mắc này còn tồn tại hay không, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Trước hết là những phản ánh cũng có những cái đúng. Thời gian ban đầu là chúng ta cũng có cái lúng túng nhất định trong việc xây dựng phương pháp xác định vị trí việc làm. Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức rất nhiều các hội nghị để hướng dẫn, tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng vị trí việc làm.Việc làm tăng biên chế hoặc chưa đáp ứng được, phải xác định thế này. Đây là chúng ta xác định vị trí việc làm trên cơ sở tổ chức lao động khoa học. Chúng ta phải ấn định một tổ chức này, từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như vậy thì sẽ có bao nhiêu vị trí công việc cần phải thực hiện. Như vậy thì mới xác định được cần bao nhiêu con người để thực hiện. Tức là vị trí khác mà cái biên chế khác.

Ví dụ như có những vị trí chuyên viên về nghiên cứu xây dựng chính sách, một vị trí đó nhưng có thể một người hoặc nhiều người, chứ không nhất thiết cứ có một vị trí là có một công chức. Ví dụ như có những vị trí, người ta chỉ cần đến một nửa biên chế. Một người có thể 2 vị trí công việc vì nó phụ thuộc vào độ phức tạp công việc, phụ thuộc khối lượng công việc đó. Nhưng vị trí đó phải được xác định rất cụ thể. Cách hiểu của chúng ta lúc đầu nó chưa đúng về mặt khoa học tổ chức lao động cũng như về bố trí sắp xếp nhân sự. Do vậy, tính toán cơ học như thế thì sẽ tăng tổng biên chế so với thực tế. Nếu chúng ta làm tốt việc xác định được chuẩn về mặt vị trí việc làm thì số lượng sẽ bị giảm đi, rõ người, rõ việc, rõ được chức trách, nhiệm vụ của từng người trong vị trí công việc đó. Đây cũng là cơ sở để  tái cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng hiệu quả của nền công vụ.

PV: Qua lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng vị trí việc làm thời gian qua, ngoài câu chuyện xác định rõ vị trí việc làm, đong đo được số lượng biên chế cụ thể thì các cơ quan còn gặp khó khăn gì trong quá trình này hay không, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Khi thực hiện một chính sách mới thì chắc chắn cũng có những khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên vẫn là nhận thức của con người, còn khi làm trên nguyên tắc là vì mục tiêu công việc, vì một tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì phải chỉ đích danh là bộ máy này cần bao nhiêu vị trí và cần bao nhiêu con người để vận hành được chức năng, nhiệm vụ của bộ máy đó. Xuất phát từ mục tiêu chung như vậy, tôi nghĩ không có gì là khó cả. Chẳng qua cấn cá là câu chuyện đụng chạm chỗ nọ, chỗ kia và bây giờ giải quyết dôi dư thế nào. Khi cho người ta nghỉ thì phải cơ chế, chính sách thế nào mà nó cũng chưa theo kịp hoặc có tình huống chỉ áp dụng được ở cơ quan này mà cơ quan khác thì lại không. Nó không mang tính phổ quát thì không thể xây dựng một chính sách riêng.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ, chúng ta đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn rồi. Còn bây giờ, tất nhiên có thể trong thực tiễn, bộ ngành này, địa phương kia làm vị trí này có vướng mắc, nó không phải là vấn đề căn bản mà là giải quyết tình huống cụ thể. Chúng tôi thường xuyên giải đáp những ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Theo thống kê của Văn phòng Bộ Nội vụ, đến thời điểm này, các phản ánh của bộ, ngành, địa phương chúng tôi giải quyết 100% rồi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Hồng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên