MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ cấu kinh tế Việt Nam so với 20 năm trước có thay đổi, nhưng nhìn kỹ lại không rõ!

Đây là nhận xét của GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản được Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình dẫn ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017.

Lựa chọn Việt Nam là gì?

Ông Bình nhận xét, Việt Nam bước ra khỏi chiến tranh là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Dù vậy, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn cho rằng chúng ta cần phải nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế hiện nay.

“Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản, một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá ‘cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ’”, ông Bình nói.

Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao.

Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.

“Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông nhận xét.

Ông cũng nói thêm rằng Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.

Dẫn ra câu chuyện của Nhật Bản những năm 1960, sau Thế chiến thứ II, ông Bình kể Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Hayato Ikeda đã đề ra “Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 10 năm”, một mục tiêu được đánh giá là bất khả thi tại thời điểm đó. Tuy nhiên, với các giải pháp chính sách đồng bộ, tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và đặc biệt là giáo dục, đã tạo ra giai đoạn “những năm 60 vàng” của nền kinh tế Nhật Bản khi mà GDP tăng gấp đôi chỉ trong 6 năm.

Tuy nhiên, ông Bình cũng chỉ ra trường hợp ngược lại. Cụ thể, có quốc gia từng là nền kinh tế phát triển thứ hai châu Á chỉ sau Nhật Bản trong những năm 1950 nhưng do lựa chọn chính sách chuyển trọng tâm khỏi nông nghiệp để phát triển dịch vụ, mà bỏ qua công nghiệp hóa đã khiến kinh tế nước này lần lượt bị Thái Lan hay Malaysia vượt qua.

“Điều này cho thấy có khi chỉ một sai lầm hay thiếu quyết tâm trong lựa chọn chính sách có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá bằng nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí có thể không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình”, ông nói.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước, vùng lãnh thổ thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nền kinh tế vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nền kinh tế có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,...

Với những câu chuyện đó, Trưởng ban Kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi: “Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á”.

Ông Bình kỳ vọng sẽ sớm xác định được những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, qua đó đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp.Từ đó đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh.

Biện pháp nào cho tăng trưởng hiệu quả?

TS. Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbirght) nhận xét nguyên nhân tăng trưởng Việt Nam chưa hiệu quả không còn đến từ khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đây cũng là quan điểm của Ngân hàng thế giới.

TS. Thành đặc biệt nhấn mạnh đến việc chậm tái cấu trúc nền kinh tế. Ông xem đây là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam không tăng trưởng được.

Về Ngân hàng, TS. Thành lưu ý cần phải đảm bảo thanh khoản, trong bối cảnh chính sách tài khoá không mở rộng được thì phải dựa vào tín dụng.

Bên cạnh đó, ông nói rằng: “Trong ngắn hạn chúng ta không còn dư địa chính sách để tiếp tục đạt mục tiêu. Trong trung hạn, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế. Cá nhân tôi ủng hộ nghị quyết xử lý nợ xấu, tăng quyền ngân hàng giảm quyền con nợ, phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp. Về trung hạn phụ thuộc xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo xử lý nợ xấu nợ xấu đi kèm với huy động được vốn”.

TS. Cấn Văn Lực thì đưa ra 3 giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không dựa vào dầu thô hay các tài nguyên khác của Việt Nam.

Thứ nhất, đó là tăng tiêu dùng nội địa. Ông nói "Chỉ 1% tiêu dùng nội địa tăng thêm cũng đã có hiệu quả gấp tới 40 lần khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Thứ nhất đó là lĩnh vực tiêu dùng. Năm ngoái, tiêu dùng chiếm đến 78% toàn bộ GDP, tức tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng. Vậy nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1% thôi thì nền kinh tế sẽ có thêm 380 nghìn tỷ đồng”.

Trong khi đó, theo tính toán của ông, với khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thì giá trị tăng thêm cho nền kinh tế sẽ chỉ là 9 nghìn tỷ đồng.

Thứ 2 là phát triển mạnh dịch vụ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh là du lịch. Bởi như ông phân tích: “Du lịch năm ngoái mang lại 35 nghìn tỷ đồng, năm nay thì dự kiến tăng trưởng ở mức 20 -30% thì mức đóng góp có thể tăng lên 40 – 42 nghìn tỷ đồng, tăng 7 nghìn tỷ đồng thì cũng tương đương với 9 nghìn tỷ đồng của khai thác thêm dầu”.

Thứ 3, ông cho rằng phải quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nuôi dưỡng doanh nghiệp. Bởi chỉ có như thế mới kích thích được đầu tư, tăng trưởng kinh tế.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên