Cơ cấu lại ngân sách: Con đường thoát hiểm gần như duy nhất
Vấn đề thâm hụt ngân sách triền miên sẽ luôn là tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn vĩ mô với vòng xoáy lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiếp tục vay để trả nợ và bù đắp thâm hụt.
- 02-11-2016Thu ngân sách từ doanh nghiệp nhà nước vẫn đạt thấp
- 22-08-2016Thâm hụt ngân sách, 'vá' sao cho hết thủng
- 29-06-20166 tháng đầu năm thâm hụt ngân sách gần 83.000 tỷ đồng
Cho ý kiến về chủ trương, giải pháp, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công của Chính phủ, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay, nhận xét tổng quát báo cáo đã cơ bản được thống nhất về thực trạng tài chính ngân sách nhà nước.
Ông cũng nhận định tình hình thu, chi ngân sách và nợ công có thể sẽ trở nên khó khăn hơn nữa khi bối cảnh, môi trường cả bên trong lẫn bên ngoài có thể sẽ có những thay đổi lớn, tác động mạnh tới kinh tế vĩ mô cũng như tới sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp và đời sống của mọi người dân.
Những bối cảnh được ông chỉ ra đó là ở bên ngoài gồm những nhân tố chính như diễn biến hậu Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ có sớm tăng lãi suất theo lộ trình dự kiến; Ngân hàng nhân dân Trung Quốc có tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ...
Bên trong, hội nghị TƯ 4, khóa 12 vừa có nghị quyết tiếp tục cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nhưng sẽ thực sự diễn ra theo kịch bản nào, chi phí cải cách và những sự đánh đổi phải chấp nhận nhằm đạt được kết quả dự tính sẽ ra sao.
Theo ông, Chính phủ đã rất quyết liệt, cơ cấu lại thu chi ngân sách, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài khóa, cải thiện hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính và ngân sách. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp.
"Các chỉ đạo mới đây của Chính phủ về sử dụng xe công, tài sản công, cắt giảm biên chế và sắp xếp lại bộ máy của nhiều cơ quan hành pháp cũng là những ví dụ minh chứng cho hành động cụ thể của Chính phủ với các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đặt ra cho năm 2017 và cả giai đoạn 2016 - 2020", vị ĐB nói.
Hạn chế vay nợ
3 vấn đề được ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh cần lưu ý.
Thứ nhất, rủi ro tỷ giá đang tiềm ẩn và áp lực tỷ giá có thể sớm xuất hiện chủ yếu do Việt Nam đang dần bị mất lợi thế cạnh tranh với các đối tác thương mại chính do giữ tỷ giá giữa USD và Việt Nam đồng ổn định, trong khi xu hướng đồng đôla Mỹ lên giá và đồng Nhân dân tệ mất giá lớn.
Mặt khác, dòng vốn ra vào đất nước được dự báo sẽ biến động làm nguồn cung ngoại tệ không còn được dồi dào như năm nay. Kéo theo sự biến động nhiều hơn theo chiều tăng của tỷ giá nhưng xu hướng này lại gây rủi ro tỷ giá cho danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ.
Ông cũng dẫn lại báo cáo của Chính phủ tính đến cuối năm 2015 có tới 76% khoản nợ này nằm ở hai đồng tiền là đôla Mỹ và đồng yên Nhật. Đặc biệt, đồng yên Nhật tính từ đầu năm đến ngày 31/10 đã lên giá tới 12,98% so với USD.
"Tình hình tiến thoái lưỡng nam này đòi hỏi Chính phủ phải sử dụng đến công cụ phòng vệ tỷ giá hoặc hạn chế vay nợ bằng những đồng tiền đang trong xu hướng lên giá", ông Đồng nói.
Tiếp nữa, do nguồn vốn trung và dài hạn bị hạn chế thị trường vốn chưa phát triển, trong khi nhu cầu huy động vốn trong nước rất đặc biệt là qua phát hành trái phiếu Chính phủ, Chính phủ buộc phải lập kế hoạch thận trọng tiếp tục huy động trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho cả giai đoạn 2016-2020 với tổng khối lượng phát hành dự kiến 168 nghìn tỷ đồng.
Ông chỉ ra điều này chưa chấp hành được tinh thần nghị quyết của Quốc hội khóa 13 và cần được Quốc hội chấp thuận. Tuy nhiên, Chính phủ đồng thời cũng đặt ra chỉ tiêu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 từ 6 đến 8 năm.
Thứ ba, Chính phủ lập kế hoạch trái phiếu Chính phủ năm 2016 là 250 nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn 2016-2020 là 1.444,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình hiện tại đang thuận lợi và để đề phòng khó khăn trong những năm tiếp theo Chính phủ đã điều chỉnh kế hoạch phát hành năm 2016 bổ sung thêm 31 tỷ đồng nữa và thực tế tới ngày hôm nay Kho bạc nhà nước đã phát hành gần xong 281 nghìn tỷ đồng theo kế hoạch điều chỉnh.
"Tuy nhiên, trái ngược với tình hình huy động vốn việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn trái phiếu Chính phủ đang khá chậm với nhiều lý do, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, sự lệch pha về dòng tiền này đang gây tổn phí trả lại, đẩy giá dự toán các dự án lên cao. Chính phủ cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng vấn đề này", ĐB đề nghị.
Ông cũng cho rằng, cân đối ngân sách nhà nước và tình trạng nợ công đang rất khó khăn và có thể còn khó khăn hơn nữa...
Cùng đó, tình hình thu chi ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm của kinh tế Việt Nam trong cả giai đoạn 2016-2020. Vấn đề thâm hụt ngân sách triền miên sẽ luôn là tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn vĩ mô với vòng xoáy lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiếp tục vay để trả nợ và bù đắp thâm hụt.
"Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công, đầu tư công trung hạn của Chính phủ trở nên vô cùng quan trọng, là con đường thoát hiểm gần như duy nhất cần được Quốc hội khẩn trương xem xét thông qua tại kỳ họp này để Chính phủ triển khai thực hiện kịp thời", ông Đồng nêu ý kiến.
Vietnamnet