Cơ cấu tín dụng: “Co kéo” sao cho vừa?
Trong thời gian qua, cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Tuy tín dụng cho một số lĩnh vực rủi ro cao đã chậm lại nhưng vẫn luôn tiềm ẩn, buộc các TCTD phải có phương án cơ cấu lại để mức tín dụng hợp lý hơn.
- 17-01-2017Thẻ tín dụng 0% phí chuyển đổi ngoại tệ đầu tiên tại Việt Nam
- 15-01-20175 tiêu chí xếp hạng Qũy tín dụng nhân dân
- 13-01-2017Giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 2017
Chuyển biến tích cực
Báo cáo mới đây, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết, trong năm 2016, NHNN kịp thời chỉ đạo các TCTD tăng chất lượng tín dụng. Tính đến ngày 29-12-2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng diễn biến tích cực, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tín dụng đối với lĩnh vực có nhiều rủi ro như đầu tư, bất động sản (BĐS), các dự án BOT, BT… chậm lại.
Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2016, tín dụng ngành ngân hàng tăng trưởng khá, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Trong đó: Dư nợ cho vay tăng 13,5% (cùng kỳ năm 2015 tăng 10%), trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,8% (cùng kỳ năm 2015 tăng 32,7%). Về cơ cấu, tín dụng cho công nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tạo điều kiện để tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện. Tín dụng tiêu dùng cũng tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với GDP.
Điều đáng mừng là tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tăng chậm lại. Năm 2016, tín dụng BĐS ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (28,3%). Tín dụng đầu tư và kinh doanh tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê (34,3%); xây dựng khu đô thị (19%); đầu tư kinh doanh BĐS khác (nhà hàng, khách sạn để bán, cho thuê) 21,8%.
“Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS cho thấy hình thái tín dụng BĐS có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá”, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh.
Nhờ những kết quả nêu trên, theo NHNN, đến 30-11-2016, nợ xấu còn 2,46% tổng dư nợ, giảm về tỷ lệ so với cuối năm 2015. Vì thế, NHNN khẳng định, trong năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, chủ động, cảnh báo đối với các lĩnh vực rủi ro như BĐS, cho vay đầu tư, các dự án BOT, BT…
Tiềm ẩn
Trên thực tế, đã không ít lần NHNN phải đưa ra cảnh báo, chỉ đạo các TCTD về việc kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, hạn chế cho vay trong các lĩnh vực chứa nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực BĐS. NHNN cũng yêu cầu các đơn vị thanh tra phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng và kiên quyết xử lý nghiêm những ngân hàng cấp tín dụng vượt giới hạn.
Tuy nhiên, dù thế nào, một số lĩnh vực rủi ro như BĐS vẫn là “mảnh đất” màu mỡ cho các ngân hàng cấp tín dụng. Bởi theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, BĐS là “miếng bánh” tín dụng hấp dẫn với thị trường đông đảo, nhu cầu vốn lớn và là nguồn tín dụng có sẵn tài sản thế chấp. Hơn nữa, khi thị trường BĐS tốt thì sẽ tạo cho các ngân hàng tính thanh khoản cao, không lo rơi vào tình trạng nợ đọng, nợ xấu. Đặc biệt, các nhà kinh doanh BĐS sẵn sàng trả lãi suất vay vốn cao cho các ngân hàng để có tiền đầu tư, xây dựng. Chính vì thế, nếu biết cách kiểm soát, hoạt động của các ngân hàng dồn vốn cho vay vào BĐS là chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh.
Nhưng việc cho vay này được ví như “con dao hai lưỡi”, không những các TCTD có thể gặp phải rủi ro thanh khoản mà còn có nguy cơ vấp phải rủi ro kỳ hạn, nếu không cẩn thận, hệ thống ngân hàng khó ổn định được. Bởi với đặc thù kinh doanh, tín dụng cho BĐS thường là tín dụng trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng đa phần là nguồn vốn ngắn hạn. Chính lãnh đạo NHNN đã thừa nhận, năm 2016, tỷ lệ dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm trên 50% tổng dư nợ, trong khi đó, huy động vốn trung và dài hạn chỉ từ 12-15%. Mặc dù điều này sẽ được hạn chế dần nhờ Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng nếu các ngân hàng vẫn đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro như BĐS mà không quản lý cẩn thận thanh khoản sẽ dẫn đến rủi ro lớn.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, BĐS luôn là loại tín dụng tiềm ẩn rủi ro khi thị trường lên xuống một cách bất ngờ. Trong quá khứ, đã có lúc thị trường BĐS xuống khoảng 50% so với giá trị ban đầu, trong khi ngân hàng cho vay tới 70% giá trị dự án khiến giá trị cho vay đã lớn hơn giá trị tài sản đảm bảo khiến ngân hàng phải ôm về một khoản nợ xấu. Đặc biệt, khi nhiều dự án BĐS cao cấp ra đời có thể khiến nguồn cung dồi dào, cung vượt cầu. Điều này sẽ dẫn tới “bong bóng” BĐS, khi “bong bóng” vỡ, giá trị xuống thấp khiến nhiều món nợ ngân hàng không có khả năng thu hồi.
Có thể thấy, việc “nắn” dòng tín dụng vào đúng lĩnh vực cần cho phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng, khi trong mọi phát biểu, lãnh đạo NHNN luôn yêu cầu và chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu tín dụng để hạn chế rủi ro, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc các TCTD chạy theo lợi nhuận và “chỉ tiêu” tăng trưởng tín dụng là điều khó tránh khỏi, khi trong năm 2017, NHNN tiếp tục đặt con số tăng trưởng tín dụng ở mức cao, lên tới 18%.
Vì thế, theo các chuyên gia ngân hàng, việc kiểm soát tín dụng không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà nên có những biện pháp cụ thể như: Tăng lãi suất hoặc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ… Nhưng trên hết, để tăng hơn nữa tỷ lệ tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất linh doanh, ngành ngân hàng cần có giải pháp để nới lỏng cơ chế cho vay, bởi không ít DN vẫn “than trời” vì khó tiếp cận vốn. Ở tầm vĩ mô hơn, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng cần sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành để có điều kiện thuận lợi cho phát triển, nhờ đó, nhu cầu về vốn để gia tăng quy mô, đầu tư trang thiết bị sẽ tăng lên, DN sẽ tìm đến “cửa” ngân hàng nhiều hơn.
Báo hải quan