MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có cầu Vàm Cống, trạm T2 quốc lộ 91 lại bị phản ứng

22-05-2019 - 09:59 AM | Xã hội

Nhiều tài xế cho rằng họ chỉ sử dụng đoạn đường BOT chưa tới 300 m mà phải trả tiền vé cho toàn tuyến là vô lý.

Trưa 21-5, khu vực trạm thu phí T2 BOT quốc lộ (QL) 91 ( thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến QL91 và 91B , hướng từ An Giang đi Cần Thơ - Kiên Giang ) xảy ra ùn tắc . Một số tài xế xe tải mang biển kiểm soát của tỉnh An Giang và TP.HCM đã đến đậu tại ba làn thu phí của trạm T2 BOT (hướng từ An Giang đi TP Cần Thơ) khiến các xe phía sau không thể lưu thông. Đến gần 14 giờ, sau khi cơ quan chức năng kiên trì vận động, các xe này mới rời đi.

Đi 300 m, đóng phí cả tuyến

Theo các tài xế phản đối, họ đi từ tỉnh An Giang qua ngã ba Lộ Tẻ rồi lên cầu Vàm Cống, chỉ sử dụng vài trăm mét QL91 nhưng phải trả phí cho cả tuyến đường. Số tiền phí BOT phải bỏ ra còn cao hơn vé qua phà Vàm Cống trước đây. Do quá vô lý nên họ không đồng ý mua vé qua trạm.

Ông Trần Lê Trần (ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang) cho biết không hài lòng về vị trí đặt trạm thu phí BOT T2: “Đây là trạm thu phí cho một dự án ở Cần Thơ nhưng lại ảnh hưởng lớn đến người dân An Giang. Nếu đi trên tuyến đường này qua Cần Thơ thì chúng tôi sẵn sàng trả phí, không ý kiến gì. Nhưng khi đi về Kiên Giang, xe tôi chỉ chạy vài trăm mét QL91 nhưng lại phải đóng phí cho cả tuyến đường”.

Ông Châu Việt Long, Giám đốc Công ty TNHH Châu Việt Long, chủ đầu tư chợ đầu mối hải sản TP Long Xuyên, cho rằng trạm thu phí BOT T2 phải dời xuống phía dưới ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá mới hợp lý. “Những xe thủy sản ở chợ tôi hằng ngày vận chuyển hàng hóa xuống Kiên Giang rất nhiều đều phải đi qua trạm này. Nhưng điều bất hợp lý là xe đi có 300 m nhưng phải trả phí toàn tuyến. Ai phản ứng thì trạm cho “thẻ thông hành” không tốn phí, kiểu như thu được ai thì thu vậy” - ông Long nói.

Có cầu Vàm Cống, trạm T2 quốc lộ 91 lại bị phản ứng - Ảnh 1.

Trạm BOT tuyến quốc lộ 91 và 91B. Ảnh: GIA TUỆ


Có cầu Vàm Cống, trạm T2 quốc lộ 91 lại bị phản ứng - Ảnh 2.

Họa đồ vị trí trạm T2. Đồ họa: G.TUỆ

Đã được phản ánh từ lâu

Năm 2017, Pháp Luật TP.HCM từng có bài “Thêm trạm BOT bị phản ứng ở miền Tây”, phản ánh sự bất hợp lý của trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 QL91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn thuộc địa phận TP Cần Thơ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án do liên doanh Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) và Công ty CP Phát triển Cường Thuận Idico (được Bộ GTVT chỉ định) làm nhà thầu. Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm thu phí T1 được đặt tại Km 16+905 QL91 để hoàn vốn.

Song song đó, giữa năm 2015, cũng liên doanh Sonadezi và Công ty Cường Thuận Idico khởi công dự án tăng cường 15 km mặt đường QL91B theo hình thức BOT. Cuối năm 2016, khi dự án này hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập trạm thu phí T2 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Tổng mức đầu tư hai dự án nâng cấp QL91 và QL91B nói trên là 1.720 tỉ đồng, thời gian thu phí là 23 năm năm tháng. Mức phí ở hai trạm này thấp nhất 35.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng/lượt xe.

Điểm bất hợp lý ở đây là chủ đầu tư đặt trạm T2 ở cuối QL91 ngay sát nút giao của QL80 từ Kiên Giang lên. Do vậy, xe đi từ QL80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn trên tuyến nối BOT. Ở chiều ngược lại, xe từ TP.HCM qua phà Vàm Cống (bây giờ qua cầu Vàm Cống) hoặc xe ở An Giang muốn đi ra QL80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT…

Trước những bất hợp lý nói trên, đầu tháng 6-2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký công văn giao nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, khảo sát, đề xuất phương án di dời trạm T2, sớm báo cáo Bộ GTVT xem xét. Tới đầu tháng 12-2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống.

Tuy nhiên, tới nay chủ đầu tư chỉ xác định danh sách đối tượng miễn, giảm phí qua trạm T2, còn việc dời trạm thì không được cơ quan nào nhắc tới.

Trong ngày 21-5, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, để hỏi về bất cập trên và việc phản ứng của giới tài xế. Ông Nhật cho biết đã nắm được vấn đề này và đang chỉ đạo giải quyết.

"Vấn đề trạm T2 chúng tôi đã nắm và lường trước được sự việc này từ trước khi thông xe cầu Vàm Cống. Bộ đang xem xét các giải pháp để giải quyết rốt ráo" - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Theo G.TUỆ - H.DƯƠNG - V.LONG

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên