Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam sau năm 2020
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và nhóm thành viên cộng đồng Năng lượng tái tạo Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến về “FIT 2 và cơ chế chính sách cho phát triển điện mặt trời ở Việt Nam sau năm 2020”.
Giám đốc GreenID, bà Ngụy Thị Khanh cho biết: Mục đích của tọa đàm nhằm thảo luận về ý nghĩa của cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời đối với sự phát triển của ngành điện mặt trời ở Việt Nam dưới góc nhìn của các bên tham gia; phân tích và thảo luận các điểm tích cực và hạn chế của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 30/6/2019) từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy ngành điện mặt trời phát triển tương xứng với tiềm năng và giá trị mà nó có thể đóng góp cho xã hội sau tháng 12/2020.
Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ngành điện mặt trời ở Việt Nam đã bùng nổ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về thị trường điện mặt trời. Tính tới cuối tháng 6/2019, Việt Nam đã lắp đặt được gần 4,464 MW điện mặt trời. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 2 năm 2020, tổng sản lượng dự án điện mặt trời áp mái là 24,459 MW tương ứng với giá trị công suất lắp đặt xấp xỉ 470 MWp. Khu vực công nghiệp chiếm 54% tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái, xếp sau là khu vực hộ gia đình (29%), khu vực thương mại (12%) và hành chính sự nghiệp (5%).
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trần Hương Thảo - Trưởng đại diện Chi nhánh Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa - Solar BK Khu vực miền Bắc cho rằng, các biểu giá hỗ trợ điện mặt trời (FIT 2) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành điện mặt trời ở Việt Nam. Đây là một thách thức lớn đối với các dự án điện mặt trời trong điều kiện hiện nay, cả về thời gian được áp dụng giá khuyến khích và mức giá khuyến khích.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ không có giải pháp lựa chọn để ưu tiên phát triển trước các dự án có điều kiện thuận lợi về mức độ bức xạ, về hạ tầng lưới thì việc ồ ạt xây dựng các nguồn điện mặt trời sẽ gây các hậu quả như ùn tắc trong khâu phê duyệt, nảy sinh tiêu cực, dự án bị cắt giảm điện năng phát…, gây lãng phí các nguồn lực xã hội. Xu thế chung được dự báo là chi phí đầu tư tiếp tục giảm nhưng bài toán cần xét hiện nay là phải chọn các địa điểm có điều kiện phù hợp nhất, đồng thời tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư để phát triển các dự án điện mặt trời có hiệu quả.
Báo tin tức