MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế đặc thù của TP HCM, làm không khéo lại thành "tận thu”

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng thuế TTĐB đối với điện thoại di động và một số hàng hóa, dịch vụ khác mà TPHCM đưa ra mới đây là bất hợp lý.

Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho phép TP.HCM thí điểm về quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, tăng thuế suất, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt ... Trên cơ sở này, mới đây TP.HCM đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia, điện thoại di động và một số hàng hóa, dịch vụ khác. Tuy nhiên, dư luận và các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề bất hợp lý.

Trong văn bản của UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tài chính với nội dung góp ý dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước", UBND TP.HCM kiến nghị nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ trong đó có điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm... và một số dịch vụ khác.

Cơ chế đặc thù của TP HCM, làm không khéo lại thành tận thu” - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng thuế TTĐB đối với điện thoại di động mà TPHCM đưa ra mới đây là bất hợp lý (Ảnh minh hoạ: KT)

“Điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm là những mặt hàng cần thiết cho nhu cầu của người dân. Nếu mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu mà tính thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Các mặt hàng này thuế nhập khẩu đã cao rồi bây giờ thêm thuế TTĐB nữa là thiệt thòi cho người dân”, bà Phan Thị Việt Thu nhận định.Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo về quyền người lợi người tiêu dùng TP.HCM, để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng và thiết bị này cần phải xác định lại thế nào là mặt hàng chịu thuế TTĐB, vì điện thoại di động là thiết bị sử dụng thiết yếu hàng ngày của người dân chứ không phải là hàng xa xỉ. Nó không tác hại đến sức khỏe, môi trường hay cộng đồng xã hội thì không thể hạn chế hay điều tiết tiêu dùng.

Theo PGS. TS. Võ Trí Hảo, Trường Đại học kinh tế TP.HCM, chiếc smartphone hiện nay đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Người dân có thể dùng smartphone làm phương tiện làm việc, giao dịch mua bán, xử lý công việc qua thư điện tử, tìm bãi đậu xe, điều khiển smart home, thanh toán không dùng tiền mặt... Đáng nói là hiện nay, Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên Mobile Banking thì việc áp thuế TTĐB với điện thoại di động là mâu thuẫn, không nhất quán và sẽ hạn chế người dùng vì giá điện thoại tăng cao…

Về phía UBND TPHCM lý giải việc đưa điện thoại di động vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới là không thuyết phục. Đề xuất này đi ngược với xu hướng phát triển vì TP.HCM đang tập trung xây dựng thành phố thông minh, kinh tế số và phát triển công nghiệp 4.0 thì thiết bị này có vai trò quan trọng.

“Đề xuất đó đi ngược lại với chủ trương xây dựng thành phố thông minh, muốn thúc đẩy nó thì phải giảm thuế đối với các công nghệ, thiết bị cốt lõi nhưng ở đây làm ngược lại. Nó không chỉ ngược với chính sách của thành phố mà ngược chính sách của Thủ tướng Chính phủ đang thúc đẩy không muốn Việt Nam nhỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghiệp 4.0 có nhiều thứ, trong đó smartphone rất quan trọng”, PGS. Võ Trí Hảo nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, căn cứ vào Nghị quyết 54 của Quốc hội thì TPHCM có cơ sở pháp lý để đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động và một số hàng hóa, dịch vụ nêu trên, tuy nhiên, việc này không phù hợp với thực tiễn. Chưa kể, việc áp thuế này có thể dẫn đến hàng nhập lậu, hàng xách tay trốn thuế tràn về nhiều hơn. Cho nên, thành phố nên vận dụng Nghị quyết này để có những chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhằm mở rộng nguồn thu. Đồng thời, phải thay đổi cơ cấu chi, nhất là chi không hiệu quả, lãng phí, giảm chi thường xuyên và bỏ cơ chế ngân sách xin - cho như hiện nay. Song song với đó, thành phố cần phải làm tốt công tác chống thất thu ngân sách.

“Có nhiều giải pháp để chúng ta chống xói mòn như quản lý tốt nguồn thu, quản lý tốt chi, thanh tra, giám sát thuế, chống thất thu thuế, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp để gia tăng nguồn thu hơn là chúng ta nhắm tăng thu thuế đối với đề xuất tính thuế đối với một số hàng hóa đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt”, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín nói.

Cơ chế chính sách đặc thù là bản lề để TPHCM phát triển một cách sáng tạo dựa trên điều kiện và nguồn lực sẵn có để xứng với vị trí của một thành phố có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Tuy nhiên, việc dựa vào cơ chế này để đưa ra những quy định về thuế một cách khác biệt thì không chỉ tạo rào cản cho sự phát triển của thành phố, của các doanh nghiệp mà còn khiến dư luận lo rằng: Làm không khéo, cơ chế đặc thù thành cơ chế “tận thu”./.

Theo Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên