MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế đặc thù 'thiếu bóng dáng kinh tế biển'

Cơ chế đặc thù 'thiếu bóng dáng kinh tế biển'

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế. Đáng lưu ý, nhiều ý kiến cho rằng, cả 4 địa phương đều có thế mạnh biển, tuy nhiên dự thảo đưa ra lại “thiếu bóng dáng kinh tế biển”.

Chưa đề xuất khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Đề cập lý do thí điểm cơ chế đặc thù của 4 địa phương trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Hải Phòng là một trong tam giác phát triển phía bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một trong những cực tăng trưởng phía Bắc. 9 tháng đầu năm nay, mặc dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng 12,23%.

Cả nước phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 5.000 - 7.000 USD thì Hải Phòng đặt mục tiêu đến 2030 vượt mức 16.000 USD. Do đó nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn. “Tầm nhìn của Hải Phòng xác định không còn là cực tăng trưởng nữa mà là động lực tăng trưởng của khu vực và động lực tăng trưởng của cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói. Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Chính trị có quyết sách xây dựng tỉnh này thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Còn Thanh Hóa và Nghệ An cũng có những điểm riêng, cần thực hiện thí điểm.

Cơ chế đặc thù thiếu bóng dáng kinh tế biển - Ảnh 1.

“Tầm nhìn của Hải Phòng xác định không còn là cực tăng trưởng nữa mà là động lực tăng trưởng của khu vực và động lực tăng trưởng của cả nước”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ


Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, bản chất cơ chế đặc thù là quy định tương thích với từng đặc thù của địa phương, có chính sách tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng cho từng tỉnh. ĐB Mai băn khoăn khi dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra các cơ chế tương đồng như nhau, không thể hiện riêng đặc thù nào. Như thành phố Hải Phòng và các tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển nhưng lại thiếu quy định để phát huy thế mạnh biển. Hay tỉnh Thừa Thiên- Huế có di sản riêng, nếu khai thác tiềm năng đó sẽ hợp lý, nhưng dự thảo vẫn mang bóng dáng chung, chưa thể hiện đặc thù riêng.

Cùng mối quan tâm, ĐB Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cũng băn khoăn khi dự thảo còn thiếu bóng dáng kinh tế biển cho 4 tỉnh, thành phố này. Trong khi đó, Hải Phòng có thế mạnh cảng biển, Thừa Thiên- Huế có thế mạnh phát triển du lịch biển, Thanh Hoá và Nghệ An có thế mạnh về công nghiệp ven biển. Điều này đã được đặt ra trong Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế biển.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Đối với các vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có thể bổ sung trong quá trình thực hiện, ví dụ như đề xuất thành phố Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do, nếu được cho phép sẽ bổ sung sau.

“Đầu kéo” để các tỉnh cùng phát triển

Nhấn mạnh đến vai trò đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, khi được trao cơ chế đặc thù, các địa phương phải đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, như vậy mới gọi là đột phá. “Đột phá mà cái gì cũng chờ Trung ương, đợi Trung ương thì khó. Chủ động đột phá nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật”, ông Mẫn lưu ý.

Trong khi đó, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhấn mạnh, điều quan trọng khi trao cơ chế đặc thù là để từng địa phương có cơ chế tốt, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt được thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, cần quan tâm đến bộ máy, có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài. Tương tự, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cũng hy vọng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì nhấn mạnh hai vấn đề cần được quan tâm, đó là dành nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để các địa phương phát huy sức mạnh của mình, đồng thời giảm bớt thủ tục giúp cho công việc nhanh gọn, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển. Theo ông Định, sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, nếu phù hợp có thể sửa luật, đồng thời có thể xem xét áp dụng cho các địa phương khác.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các nghị quyết về cơ chế đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng đóng góp ngân sách, việc làm và đưa các địa phương này trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh. Ông Dũng cho biết, đây là các nội dung được địa phương đề xuất, các bộ, ngành thẩm định, cũng có thể có thêm những cơ chế chính sách khác nhưng do vấn đề thời gian, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung.

Đối với các vấn đề được tiếp tục nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có thể bổ sung trong quá trình thực hiện, ví dụ như đề xuất thành phố Hải Phòng có thêm khu thương mại tự do, nếu được cho phép sẽ bổ sung sau.

Theo Luân Dũng - Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên