Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đang được cải cách như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, hiện vẫn còn một số tồn tại trong nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành. Điều này gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo gánh nặng về chi phí, một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
- 11-12-2017Doanh nghiệp mất tiền tỷ vì những chi phí “râu ria”
- 06-10-2017Thủ tướng nhắc các Bộ chấn chỉnh việc kiểm tra chuyên ngành
Ngày 09 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại theo quyết định số 1899/2016/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN vào kiểm tra chuyên ngành đã có một số kết quả tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản ổn định, số lượng thủ tục, hồ sơ được giải quyết và doanh nghiệp tham gia trên Cơ chế một cửa quốc gia tăng lên một cách nhanh chóng. Các Bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị để có thể triển khai được các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã thực hiện tổng rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề còn tồn tại, trong đó tập trung vào 03 Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế) qua đó đã phát hiện nhiều sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra chuyên ngành.
Những tồn tại cần được giải quyết
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, hiện vẫn còn một số tồn tại trong nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành.
So với chỉ tiêu 22 thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia được giao vào năm 2017, hiện mới chỉ có 8 thủ tục được triển khai, 14 thủ tục còn lại phải chờ đến hết Quý I/2018 mới chính thức được thực hiện. Một số thủ tục, mặc dù đã được chính thức đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia, nhưng số lượng hồ sơ, số lượng doanh nghiệp tham gia không nhiều, thậm chí chưa có hồ sơ nào.
Dự kiến đến hết Quý I/2018, chỉ có 25 thủ tục được đưa vào vận hành (trong đó có 22 thủ tục được giao thực hiện 6 tháng cuối năm 2017) chỉ chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính được các Bộ đăng ký triển khai trong năm 2017.
Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiểm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều. Một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; hiện tượng chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến; phí kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng xuất, nhập khẩu còn quá cao...
Tất cả những hạn chế nói trên đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp; trên một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu trong năm 2018
Trong năm 2018, Phó thủ tướng đề nghị phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký tại Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020.
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp song vẫn phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.