MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có chìa khóa "mở cửa bầu trời"

Hãng hàng không thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử là cơ hội để ngành du lịch, hàng không mở cửa trở lại trong thời gian tới

Ngày 2-9, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London - Anh. Vietnam Airlines kỳ vọng việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.

Kỳ vọng khôi phục đường bay quốc tế

Cụ thể, chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London là chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đi châu Âu thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass, với 18 hành khách tham gia. Trước đó, một chuyến bay thử nghiệm khác ứng dụng giải pháp này, cũng do hãng này khai thác, từ Hà Nội đi Tokyo - Nhật Bản.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tiếp các chuyến bay thử nghiệm từ Hà Nội đi Seoul - Hàn Quốc ngày 12-9 và từ Hà Nội đi London ngày 21-9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo các ngày thứ năm hằng tuần.

Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass. Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet, cho hay Vietjet là một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tham gia thử nghiệm giải pháp này.

Theo các hãng hàng không, IATA Travel Pass sẽ giúp hành khách quản lý, xác thực các thông tin về sức khỏe khi đi du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu hiện hành về việc xét nghiệm hoặc tiêm phòng Covid-19 của nhà chức trách tại nơi đến; giúp việc di chuyển giữa các quốc gia an toàn và dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch.

Ông Nick Careen - Phó Chủ tịch cấp cao Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về điều hành sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh - cho biết việc triển khai thử nghiệm IATA Travel Pass là một bước tiến tích cực hướng đến việc mở cửa lại thị trường hàng không quốc tế. IATA hy vọng sử dụng ứng dụng di động miễn phí này sẽ là chìa khóa để mở cửa biên giới và đưa thế giới bay trở lại mà không cần phải thực hiện các hình thức cách ly phòng dịch.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng cho hay từ đầu năm 2021, cục đã chỉ đạo phòng chuyên môn có liên quan nghiên cứu chương trình IATA Travel Pass và đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng nhằm sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế 2 chiều đi/đến Việt Nam.

Có chìa khóa mở cửa bầu trời - Ảnh 1.

Vietnam Airlines đang thử nghiệm IATA Travel Pass trên một số chuyến bay quốc tế. Ảnh: LAM GIANG


Nghiên cứu thẻ thông hành xanh

Ngoài IATA Travel Pass, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia còn đề xuất nghiên cứu thẻ thông hành xanh áp dụng cho thị trường nội địa để khôi phục du lịch trong nước. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa đề xuất chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho biết nhóm nghiên cứu TAB đề xuất tên gọi thẻ thông hành xanh Việt Nam (Vietnam Green Travel Pass) thay cho tên gọi phổ biến hiện nay là "hộ chiếu vắc-xin" vì thẻ này cần cho việc đi lại trong nước chứ không phải chỉ xuất nhập cảnh.

Thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in giấy để sử dụng trình ra khi được yêu cầu, khi đáp ứng điều kiện về chứng nhận xét nghiệm Covid-19 (cả xét nghiệm PCR và kháng nguyên); chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi đã bị mắc Covid-19… "Giải pháp này nhằm đem lại sự yên tâm cho Chính phủ, chính quyền các địa phương, DN và người dân mở cửa lại các công việc kinh doanh, đi lại; thực hiện được nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế" - ông Hoàng Nhân Chính nói.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của TAB cũng đề xuất Chính phủ đàm phán song phương hoặc đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng thẻ thông hành xanh Việt Nam xác nhận về số liệu y tế phòng dịch Covid-19 khi nhập cảnh nước khác.

Chuẩn bị các giải pháp, nghiên cứu để sớm mở cửa thị trường du lịch trong nước và quốc tế khi điều kiện cho phép cũng là đề xuất được nhiều DN ủng hộ. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc-xin cho người dân ở TP HCM và một số địa phương ngày càng tăng, có thể sớm triển khai thí điểm thẻ thông hành xanh cho khách nội địa.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST tourist, cho rằng vừa phát triển kinh tế vừa phòng dịch là bài toán cần được triển khai trong thời điểm này, trong đó với ngành du lịch có thể áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin được di chuyển giữa các địa phương, du lịch trong nước. Có thể thí điểm đến một số địa phương có luồng di chuyển an toàn như Phú Quốc, Quảng Ninh nhằm khôi phục du lịch nội địa…

"Với các chuyến bay quốc tế, cần sớm xây dựng và nhanh chóng áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" đối với một số quốc gia châu Âu, Mỹ vì chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ trong thời gian qua. Từ thực tế những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã có một số lần thử nghiệm đón khách quốc tế, Việt Nam cũng có thể thử nghiệm nhằm tìm cơ hội phù hợp cho ngành du lịch sớm phục hồi" - ông Mẫn đề xuất.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, nhận định những trung tâm du lịch quốc tế của châu Á như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)… vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để đón khách quốc tế trở lại và Việt Nam có thể nhìn họ để tìm phương án phù hợp với điều kiện thực tế.

"Ngành du lịch phải chuẩn bị ngay từ bây giờ với hệ thống marketing lớn để thu hút nguồn khách quốc tế, cạnh tranh với các thị trường khác. Bởi khi mở cửa trở lại, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đón khách quốc tế, trong khi Việt Nam không phải điểm "bắt buộc phải đến" nên sức mạnh về truyền thông, sản phẩm, giá tour… sẽ là điểm cộng. Cần sự chuẩn bị của cả DN và nhà nước" - ông Phan Xuân Anh đề xuất.

Sớm có hướng dẫn cho công dân Việt Nam nhập cảnh

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành hướng dẫn giải quyết cho người Việt Nam ở nước ngoài có mong muốn về nước được nhập cảnh. Bởi hiện nay, mới chỉ có hướng dẫn giải quyết cho chuyên gia nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Trong khi lượng khách này chiếm 90% nhu cầu nhập cảnh Việt Nam, là nguồn khách quan trọng để có thể nối lại đường bay thương mại quốc tế.

Bộ Ngoại giao cho biết đang phối hợp Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí, cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vắc-xin của nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Mở rộng thử nghiệm IATA Travel Pass

Theo thông tin đăng trên trang IATA, danh sách các nước, hãng hàng không chấp nhận hoặc thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass đang ngày một dài giữa lúc thế giới nỗ lực đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế. Cụ thể, hơn 50 hãng hàng không trên thế giới đang thử nghiệm IATA Travel Pass. Tháng trước, 2 hãng hàng không IndiGo và SpiceJet (đều ở Ấn Độ) bắt đầu tham gia danh sách này.

Trong khi đó, hãng Etihad Airways (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) trong tháng 8 thông báo mở rộng sử dụng IATA Travel Pass trên các chuyến bay từ TP Abu Dhabi đến 7 thành phố khác trên thế giới, theo sau các cuộc thử nghiệm thành công. Etihad Airways là một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thử nghiệm IATA Travel Pass vào tháng 4 qua.

Đặc biệt, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ả Rập Saudi từ ngày 30-9 cũng chính thức chấp nhận sử dụng IATA Travel Pass để chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trước khi bay của hành khách đến và đi. Dự kiến sau đó, ứng dụng này còn được sử dụng để chứng nhận tiêm chủng Covid-19. Hành khách đến hoặc khởi hành từ Ả Rập Saudi sẽ được lựa chọn sử dụng IATA Travel Pass hoặc Tawakkalna - ứng dụng sức khỏe quốc gia của nước này.

Trước đó, Ả Rập Saudi là đối tác thử nghiệm trong tiến trình phát triển IATA Travel Pass, ứng dụng được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa và cải thiện vấn đề tuân thủ yêu cầu sức khỏe của hành khách nhập cảnh, góp phần giúp ngành công nghiệp lữ hành và du lịch khởi động lại an toàn. Ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, kêu gọi chính phủ các nước đặt niềm tin vào IATA Travel Pass giống như những gì Ả Rập Saudi đã và đang làm. Trước đó, Singapore và Panama đã chấp nhận IATA Travel Pass.

Cũng theo IATA, chứng nhận điện tử về Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU CDC) và thông hành điện tử Covid-19 của Anh (UK NHS Covid) có thể được tải lên IATA Travel Pass và sử dụng làm bằng chứng tiêm vắc-xin để được đi lại.

Hoàng Phương

Theo Thái Phương - Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên