MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đến “6 tỷ con đường đến hạnh phúc” - quan trọng là hãy định vị bản thân để tìm ra ưu thế vượt trội của mình

12-10-2017 - 11:06 AM | Sống

Có đến “6 tỷ đường đến hạnh phúc”, chẳng qua chính chúng ta cần xác định con đường để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

Ai trong chúng ta cũng từng mong mình sống thật hạnh phúc, không bao giờ phải chịu tổn thương hay phải chia ly với người mình yêu, cũng không phải tuyệt vọng hay thất bại trong công việc… Stefan Klein, nhà báo khoa học nổi tiếng từng cho rằng có “6 tỷ đường đến hạnh phúc”, chẳng qua chính chúng ta cần xác định con đường để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

Marcus Aurelius – một nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử - đã từng viết nê cuốn sách “Từ hạt cát đến Ngọc Trai” với 85 triết lý sống tích cực, trong đó có cả những suy ngẫm về tình bạn, về tính cách, về bản thân và về cả những triết lý từ việc báo thù...

Bí quyết không than phiền

Bạn thử tưởng tượng, một dòng nước đang chảy gặp một hòn đá có bao giờ dừng lại không? Dĩ nhiên là không, nó sẽ rẽ nhánh qua trái, qua phải để tiếp tục hành trình. Tương tự người tích cực họ tin rằng không có thử thách nào có thể chặn đứng con đường vươn tới mục tiêu của họ.

Có những lúc, bạn tưởng như bạn là người bất hạnh nhất với bao nhiêu khó khăn đổ hết lên bạn, bạn cảm thấy không có gì vui vẻ. Bạn gặp những người xung quanh,và bạn thể hiện ngay thái độ không vui, lạnh nhạt, và cái kết, những người bạn vừa gặp cũng bị “lây” tậm trạng không vui của bạn và “truyền” đi cho những người khác họ gặp tiếp theo…

Do vậy chính bản thân bạn nếu tự điều chỉnh tư tưởng, luôn hướng cho mình tính lạc quan, sẽ dễ dàng vượt qua những trở ngại để có một cuộc sống tốt hơn.

Câu chuyện kể về một gia đình giàu có trong làng quê nọ. Không chỉ giàu có, gia đình họ luôn sống rất hạnh phúc với 1 cô con gái và 2 cậu con trai thông minh nhanh nhẹn.

Nhưng rồi, một ngày kia tai ương ập đến, cô gái rơi vào trạng thái buồn phiền, vô cùng đau khổ khi chàng trai làng bên không hề để ý đến cô, mà vừa kết hôn ước với chính cô bạn đã chơi với cô từ bé. Cô bắt đầu sống trong đau khổ, tránh tiếp xúc với mọi người.

Chưa hết, cậu con trai út, trong chuyến vào rừng sâu săn bắn vô tình đạp nhầm bẫy thú, 1 chân trở nên tàn phế; còn cậu con trai cả bị bạn bè dụ dỗ, lên thành phố tự mình lập nghiệp, bỏ lại cả nhà vò võ mong tin.

Vợ chồng phú hộ rất đau khổ, suy sụp, ca thán cả ngày. Bà mẹ bắt đầu niệm phật, tích thiện để mong trút bỏ những ưu tư, nhưng nỗi niềm trong lòng chẳng thể trút hết.

Bà đến tìm đức Phật, ngài bèn nói với bà hãy đến 7 gia đình chưa bao giờ biết khổ xin đúng 7 bát nước. Ngài sẽ nấu thành loại thuốc chữa cho bà.

Vui mừng, bà lên đường tới thăm gia đình thứ nhất mà bà quen biết, đây là gia đình bà cho là hạnh phúc hoàn hảo nhất, để xin một bát nước. Quả là éo le, sau khi nghe bà trình bày, chủ nhà nhìn bà với ánh mắt ngấn lệ, rằng bà đã đến không đúng nhà và tìm không đúng người. Bà bắt đầu kể về câu chuyện gia đình, họ đã sống những ngày đau khổ, bất hạnh ra sao, con cái khiến họ mệt mỏi và buồn phiền như thế nào…

Nghe xong, bà lại nói những lời động viên, an ủi, vỗ về yêu thương người bạn trước khi tới thăm gia đình khác.

Thế rồi, suốt những tháng ngày sau đó, bà kiên nhẫn đi xin, nhưng cũng không tìm thấy gia đình nào hạnh phúc thật sự như bà vẫn thấy. Nơi nào cũng chất chứa nỗi niềm khổ đau và hờn tủi.

Một ngày nọ, bà chợt nhận ra, trong lòng mình thật nhẹ nhõm, thanh thản, bởi khi bà bận tâm suy nghĩ về những đau khổ của mình, bà thấy mình mãi đắm chìm trong đau khổ. Nhưng từ khi luôn phải suy nghĩ làm thế nào để an ủi, giúp mọi người thoát khỏi phiền não, chính bản thân bà cũng được xoa dịu đau thương, và bà đã quên đi đau khổ của chính mình.

Cuộc sống là cách cho đi và nhận lại: nếu không chịu mở cửa lòng mình, nỗi đau sẽ thành bất tử. Không than phiền, hãy tìm hướng đi riêng cho hạnh phúc của chính mình. Bạn cần tự tin đón nhận những thứ có thể đến với bạn với một tâm thế thoải mái nhất.

Biết tìm ra ưu thế của bản thân

Khi chúng ta thấy mình không tài giỏi bằng người khác, hãy tĩnh tâm suy nghĩ: Đây có phải là việc mình giỏi nhất không? Nếu không phải, hãy cố gắng tìm ra điểm hơn người của chính mình.

Câu chuyện Rùa và Thỏ chạy đua là một ví dụ rất đơn giản để bạn thấy rằng biết tìm ra ưu thế bản thân tất thắng. Chú Rùa chậm chạp vẫn có thể thắng Thỏ nhanh nhẹn trong cuộc đua chạy đường dài nhờ tính kiên trì, không kiêu căng.

Câu chuyện phát triển thành những “dị bản” về các cuộc đua tiếp theo, trong đó Thỏ, sau khi thua, đã thiết lập lại một cuộc đua mới và đã chiến thắng khi phăm phăm chạy về đích, không tự cao, không khinh địch; Chú Rùa không cam tâm, cũng thiết lập một đường đua mới băng qua sông với lợi thế rõ ràng thuộc về mình để thách đấu với Thỏ, và đương nhiên phần thắng thuộc về Rùa; Dị bản cuối cùng của cuộc đua Rùa và Thỏ, là cả Rùa và Thỏ cùng nhau thực hiện chặng đua cuối, trong đó Thỏ trợ giúp Rùa những đoạn đường rừng mà Thỏ có lợi thế, và đổi lại ở dưới nước Rùa lại ra tay giúp đỡ Thỏ…

Đây cũng là câu chuyện chứng tỏ cho mọi người thấy, nếu bạn định vị được bản thân, tìm và chứng tỏ ưu thế của riêng mình, bạn tất thắng. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” cũng là một trong những ưu điểm lớn của tướng giỏi cầm quân.

Thái độ trong nghịch cảnh quyết định tất cả

Có một vị triết gia hỏi học trò của mình: Con người ta khom lưng, chùn gối vì chuyện gì? Có người trả lời là vì thích nghi với cuộc sống, có người lại nói đó là kẻ yếu đuối....

Cuối cùng, vị triết gia mới bảo một người học trò làm mẫu động tác nhảy xa, tới lúc ấy, mọi người mới vỡ lẽ: Nếu không khom lưng chùn gối thì sao có thể nhảy xa?

Trong cuộc đời, không vấp phải khó khăn trở ngại nào thì đó là một cuộc đời không hoàn chỉnh. Thất bại không phải là sự trừng phạt mà là thử thách và cơ hội.

Steve Jobs đã từng nói “Công việc sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc đời của bạn, cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm thứ bạn tin rằng nó tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm thứ tuyệt vời là yêu cái bạn làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy kiên trì, đừng thỏa hiệp”.

Một trong những bí quyết được Marcus Aurelius nhắc đến là bí quyết không than phiền với triết lý “Chẳng ai vừa sinh ra đã là một viên ngọc trai, bất cứ ai muốn trở thành ngọc trai cũng đều phải trải qua rất nhiều nỗ lực, thậm chí là đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt nữa. Khi bạn chưa được người khác xem như một viên ngọc trai, thì hãy coi mình như một hạt cát”.

Phạm Hải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên