Cô đơn, sống vô định và những khó khăn "chẳng giống ai": Tất cả chỉ vì quá nhiều tiền!
Nghèo thì khổ nhưng giàu chưa chắc đã sướng.
- 10-05-2024Thế giới của những người trẻ 'thích một mình nhưng sợ cô đơn'
- 08-01-2024Cụ bà 91 tuổi có con trai lớn làm giảng viên, con thứ đi du học nhưng về già cô đơn, hiu quạnh: Nỗi niềm không phải ai cũng thấu
- 02-12-20234 biểu hiện của đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, cô đơn và chán ghét học hỏi
Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra chúng ta dễ đồng cảm hơn với những khó khăn, những nỗi thống khổ của người khó khăn, hơn là các vị triệu phú, tỷ phú giàu nứt đố đổ vách. Người phải lo ăn từng bữa, có bệnh nhưng không thể chữa vì chi phí điều trị quá cao,... đương nhiên là sẽ khổ hơn những người mà khối tài sản ròng đủ lo cho cả 2,3 thế hệ sau.
Cũng chính bởi suy nghĩ này mà nhiều người thường mặc định giới nhà giàu - siêu giàu sẽ luôn có cuộc sống sung sướng như tiên, đơn giản vì họ dư tiền để trang trải các nhu cầu từ cơ bản đến xa xỉ trong cuộc sống.
Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược trái ngược. Người giàu có nhiều tiền và tiền cũng chính là căn nguyên của mọi vấn đề khiến họ “nhọc lòng”.
Paul Hokemeyer - Nhà trị liệu tâm lý có kinh nghiệm tham vấn, trị liệu cho giới siêu giàu cho biết: “Phần lớn mọi người đều mặc định người giàu có thể giải quyết mọi rắc rối, khó khăn bằng tiền và bởi thế, cuộc sống của họ sẽ chẳng còn gì chướng ngại gì nữa. Nhưng trên thực tế, những vấn đề của người giàu rất khó giải quyết vì vấn đề không nằm ở tiền” .
Từ kinh nghiệm trị liệu và hỗ trợ các thân chủ thuộc giới giàu - siêu giàu, Paul Hokemeyer đã chỉ ra 3 nỗi thống khổ mà người giàu thường gặp phải.
1 - Không thể thoát khỏi cảm giác bị cô lập
Vấn đề phổ biến nhất mà các thân chủ của Paul Hokemeyer thường gặp phải chính là cảm giác thiếu kết nối về tất cả mọi mặt: Từ những tương tác đơn thuần giữa người với người tới những sự gắn kết sâu sắc hơn về mặt tình cảm.
“Họ sống ở những nơi có hệ thống bảo an nghiêm ngặt thuộc top 1% thế giới. Mỗi dinh thự đều tách biệt với nhau bằng những bức tường chống đạn cao ít nhất 5 mét. Việc giao du giữa hàng xóm láng giềng gần như không thể và nếu chuyện đó có xảy ra, họ cũng cảm thấy bất an vì chẳng biết người ta đang thực sự muốn kết nối với mình, hay chỉ đơn thuần là tò mò về cuộc sống của một người quá lắm tiền.”
Amanda Falkson - Một nhà trị liệu tâm lý khác, thường xuyên tư vấn cho các thân chủ siêu giàu cũng có nhận định tương tự. Cô cho biết người giàu cũng phải đối mặt với nhiều loại cảm xúc thông thường như đau buồn, tổn thương, mất mát.
Việc vượt qua các cảm xúc này lại có phần khó khăn hơn với người giàu vì họ gần như không tin tưởng ai và cũng không có ai để chia sẻ, và các mối quan hệ đầy thử thách. Nhưng bên cạnh đó, áp lực về cách tiêu tiền và tin tưởng vào ai.
2 - Lúc nào cũng cảm thấy bị lợi dụng
Các thân chủ thường kể với Paul Hokemeyer rằng họ luôn cảm thấy những người tìm đến họ, muốn kết nối với họ đều vì sự vụ lợi; không phải để kêu gọi góp vốn đầu tư chung thì cũng là để nhờ vả, hỗ trợ kết nối với những người khác.
Paul Hokemeyer cho rằng chuyện này không có gì khó hiểu vì những người giàu có thường có địa vị xã hội cao và mối quan hệ quen biết sâu rộng với những người có quyền lực khác.
“Chất lượng mối quan hệ của người giàu được xây dựng dựa trên những gì họ có thể cung cấp cho người khác, hơn là con người thật của chính họ. Trong bối cảnh đó, những người siêu giàu có xu hướng nghi ngại về động cơ người khác tiếp cận mình.
Đồng thời, những người xung quanh cũng không dám chủ động tiếp cận họ, ngay cả khi mong muốn kết nối là thuần khiết, không vụ lợi. Bản thân những người xung quanh người giàu cũng sợ bị đánh giá là kẻ đào mỏ nếu chủ động tiếp cận, tạo dựng mối quan hệ với tầng lớp giàu có hơn mình” - Paul Hokemeyer phân tích.
3. Giàu quá nên thành ra… sống không mục đích
Nghe có vẻ vô lý nhưng đây hoàn toàn là sự thật. Có những người giàu không biết nên làm gì với số tiền của mình, ăn chơi mãi cũng chán, đồ xa xỉ cũng trở thành những vật phẩm bình thường vì họ có quá nhiều. Kết cục, họ chẳng biết mục đích sống của mình là gì, cũng không rõ thứ gì có thể làm mình hạnh phúc.
Paul Hokemeyer cho biết những người như vậy thường là các thế hệ “cậu ấm cô chiêu”, sinh ra đã được ngậm thìa vàng với tài sản thừa kế trị giá tỷ đô. Nhóm người giàu do được thừa kế này hoàn toàn khác với những người giàu tự thân, vượt khó đi lên.
“Người giàu sống vô đích vì đơn giản họ chẳng cần làm việc hay nỗ lực gì, cuộc sống của họ vẫn đủ đầy, dư dả hơn hẳn người khác. Với nhóm người này, sự giàu có chính là thứ đã tước đi động lực sống và ý chí trong cuộc sống của họ” - Amanda Falkson nhận định.
Theo CNBC
Nhịp sống kinh tế