MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông ấm ức vì cổ tức ngân hàng

01-10-2021 - 15:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi cổ tức lại thành...tức cổ (ảnh minh họa)

Khi cổ tức lại thành...tức cổ (ảnh minh họa)

Niềm vui hóa nỗi buồn của không ít các nhà đầu tư khi "ôm" cổ phiếu để "lăn chốt" cổ tức ngân hàng. Cổ tức đang khiến nhà đầu tư… "tức cổ" còn cổ phiếu thưởng lại trở thành cổ phiếu… phạt.

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10/2021, cổ phiếu của các ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Nhà đầu tư bán tháo khiến cho nhiều mã chọc thủng các mốc quan trọng, trong đó đáng chú ý là CTG của VietinBank rơi xuống dưới 30.000 đồng, LPB về gần 20.000 đồng, STB xuống dưới 25.000 đồng, VIB chỉ còn gần 34.000 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu trên đang nằm ở vùng đáy của nhiều tháng.

Giá giảm suốt thời gian qua, bất chấp nhiều ngành nghề có "sóng" lớn, có những mã tăng bằng lần, khiến nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu ngân hàng trở nên ngậm ngùi, lạc lõng vì bị bỏ lại phía sau.

Nhưng nỗi buồn của nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng chung trên thị trường còn chưa thấm vào đâu so với nỗi buồn lại thêm đau của những người đã "lăn chốt" để nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm nay.

CTG, LPB, VIB là những ví dụ điển hình.

Trước khi chia cổ tức, CTG tăng giá mạnh mẽ, từ vùng chưa đến 30.000 đồng lên trên 54.000 đồng chỉ trong hơn 2 tháng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 07/7, CTG từ 52.300 đồng điều chỉnh về 37.580 đồng tương ứng với tỷ lệ chia cổ tức gần 29%. Nhưng đó cũng là những ngày tươi đẹp nhất của cổ phiếu này. 

Cổ đông ấm ức vì cổ tức ngân hàng - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu CTG 6 tháng gần đây

Sau khi điều chỉnh giá, CTG liên tục giảm. Cho đến ngày cổ phiếu này về tài khoản nhà đầu tư, giá chỉ còn quanh vùng 32.000 đồng, và giảm tiếp cho đến hôm nay chỉ còn 29.750 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất được ghi nhận kể từ cuối tháng 2/2021 tức là hơn 7 tháng (đã tính tới điều chỉnh giá do chia cổ tức).

Điều đó có nghĩa là, những ai đã trót ôm cổ phiếu CTG để nhận cổ tức và chờ giá hồi phục về vùng sau chia hồi tháng 7 còn đang "cách bờ" ít nhất gần 21%.

Cổ phiếu LPB cũng vậy. Ngày giao dịch không hưởng quyền 21/7, giá LPB điều chỉnh về 23.400 đồng theo tỷ lệ 12%. Đến nay đã qua hơn 2 tháng nhưng cổ phiếu LPB được chia vẫn ở trạng thái "chờ giao dịch" trong tài khoản của nhà đầu tư, còn giá đã giảm hơn 10%. Chốt phiên 01/10, cổ phiếu LPB chỉ còn 20.900 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 5 (đã tính giá điều chỉnh).

Trường hợp của VIB, cổ đông còn "buồn và đau" hơn nhiều. 

Cổ đông ấm ức vì cổ tức ngân hàng - Ảnh 2.

Giá cổ phiếu VIB trong 6 tháng gần đây

Cổ phiếu VIB tăng giá mạnh khi có tin sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ lên đến 40% cho nhà đầu tư. Trước khi chia cổ phiếu thưởng, VIB có giá lên tới hơn 70.000 đồng - chỉ chịu thua mỗi "ông lớn" Vietcombank. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/6, VIB điều chỉnh tương ứng về 52.500 đồng/cổ phiếu. Song từ khi chia cổ phiếu thưởng đến nay, giá VIB giảm một mạch về chỉ còn 34.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 01/10, tương đương giảm tới 18.200 đồng tức gần 34,7%. Cổ phiếu thưởng được nhận bỗng dưng trở thành cổ phiếu…phạt.

Trong năm nay, ngoài các trường hợp trên còn có MBB, OCB, SHB, HDB và SSB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông, trong đó chỉ còn cổ tức OCB và HDB là chưa về tài khoản. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có nhà đầu tư lăn chốt cổ tức SHB là có lãi (chia hồi tháng 5 và tháng 8 giao dịch bổ sung), còn lại cổ đông các ngân hàng khác đều phải ngậm ngùi vì giá giảm đáng kể so với lúc điều chỉnh giá.

Sắp tới đây, nếu như cổ phiếu "vua" không hồi phục trở lại thì các cổ đông ngân hàng ôm cổ phiếu "ăn cổ tức" sẽ còn buồn hơn nữa vì càng giữ càng "xa bờ". Có lẽ vì lý do này mà giá cổ phiếu của một số ngân hàng dự kiến chia cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng trong thời gian tới như ABB, MSB hay VPB đang không được hưởng xu hướng giá tăng như lẽ ra nó phải có trên lý thuyết.

Hằng Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên