Cổ đông chất vấn lãnh đạo ACB về khoản tiền gửi tại 2 ngân hàng 0 đồng và nợ nhóm G6
Theo thông tin của Tổng giám đốc ngân hàng ACB năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên ngân hàng không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra sáng nay, cổ đông đã gửi đến ban lãnh đạo ngân hàng gần 20 câu hỏi trong đó có đến phân nửa chất vấn về khoản tiền gửi tại 2 ngân hàng 0 đồng và nhóm nợ tại 6 công ty và kế hoạch trích lập dự phòng về các khoản tiền này.
Theo ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, hiện ACB có hai khoản tiền gửi liên ngân hàng tại các ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).
Khoản nợ 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, từ quý IV/2015, ACB và Ngân hàng Xây dựng với sự chỉ đạo của NHNN đã cơ cấu khoản nợ này trong 5 năm mỗi năm trả 1/5. Tức là khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình đã được phê duyệt đến ngày 30/09/2020 và mức lãi là 2%. Khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của Ngân hàng Xây dựng với giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá là hơn 400 tỷ đồng, như vậy là hoàn toàn an toàn. Năm 2015, ngân hàng đã trích 176 tỷ đồng, theo đánh giá của ngân hàng, nếu đến quý II/2016, khoản này trở lại nợ nhóm 1 thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng.
Khoản tiền 772 tỷ tại GPBank, ngân hàng đã đàm phán mua tài sản cố định để gán nợ. Tính đến ngày hôm qua (07/04), ACB đã mua nợ hơn 500 tỷ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt, với lãi suất 9,2%.
Khoản còn lại 272 tỷ, từ nay đến 30/9, ACB chuẩn bị thủ tục mua tài sản do GPBank sở hữu trên cở sở phê duyệt của NHNN. Năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên ngân hàng không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.
Về câu hỏi trích lập dự phòng cho nợ của nhóm 6 công ty là bao nhiêu, ông Toàn cho biết Ban lãnh đạo ACB đã tiên liệu kế hoạch xấu nhất và dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỷ cho nợ của nhóm 6 công ty này, trong đó trích lập 200 tỷ đồng trong quý I/2016. ACB đánh giá có khả năng thu phần lớn khoản nợ này và có thể hoàn nhập dự phòng.
Trí Thức Trẻ