MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông Maritime Bank muốn chia cổ tức và lên sàn ngay quý 3/2018

30-05-2018 - 11:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông Maritime Bank đề nghị ngân hàng giải thích rõ vì sao 6 năm liền không chia cổ tức, lợi nhuận để lại cả nghìn tỷ để làm gì?

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 30/5/2018, cổ đông ngân hàng Maritime Bank đã chất vấn lãnh đạo nhà băng này nhiều vấn đề.

6 năm không chia cổ tức

Đầu tiên là chuyện cổ tức. Theo các cổ đông, ngân hàng nói rằng làm ăn tốt, uy tín gia tăng trên thị trường, nhận được nhiều giải thuưởng... nhưng vì sao 6 năm qua lại không chia cổ tức cho cổ đông? Năm 2017 ngân hàng đã biểu quyết thông qua chi trả 5% cổ thức nhưng vì sao vẫn không thực hiện?

Ông Trần Xuân Quảng, phó chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, trong các đại hội những năm trước đã báo cáo cổ đông về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó có việc xử lý nợ xấu, do đó ngân hàng dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Các năm gần đây, tình hình ngân hàng đã cải thiện nhưng ngân hàng vẫn thực hiện trích lập dự phòng định tính và định lượng, đồng thời đầu tư thêm vào công nghệ, đầu tư vào các chương trình tín dụng, vào quản trị rủi ro để đảm bảo hoạt động bền vững hơn trong các năm tới.

Riêng năm 2017 ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước không phê duyệt và muốn ngân hàng trích lập dự phòng để ổn định hơn, do vậy đã không chia cổ tức.

Để ngỏ khả năng sáp nhập, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài

Vấn đề tiếp theo cổ đông hỏi là việc có hay không lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia làm cổ đông chiến lược, lãnh đạo ngân hàng cho biết nếu tìm được cổ đông theo đúng tiêu chí của ngân hàng thì sẽ lựa chọn và trình cổ đông cũng như cơ quan quản lý.

Về vấn đề sáp nhập mà tại đại hội cổ đông trước đây ngân hàng cho biết có 2 ngân hàng tìm hiểu muốn sáp nhập, tình hình hiện nay ra sao? Ông Quảng trả lời rằng, trong quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng muốn gia nhập MSB cũng là chuyện bình thường, nhưng lãnh đạo ngân hàng chỉ xem xét, lựa chọn nếu phù hợp với lợi ích của ngân hàng và cổ đông, và việc này cũng sẽ phải báo cáo cổ đông trước khi thực hiện.

Lợi nhuận để lại quá nhiều, vì sao không chia cho cổ đông?

Nhiều cổ đông Maritime Bank tiếp tục có ý kiến về cổ tức. Trong đó có cổ đông nói rằng lợi nhuận để lại 1.158 tỷ đồng để làm gì mà không chia cho cổ đông? Ngân hàng nói để trích lập dự phòng nhưng vì sao lại nhiều đến thế, tới hơn 20% của vốn điều lệ, tức hơn 2.200 tỷ? 

Có cổ đông cũng đòi chi trả cổ tức theo hàng năm, "đẻ con nào cắt rốn con đó" chứ không phải cứ tích luỹ, cứ để lại để rồi chia đều cho người sau và người trước. Cổ đông thậm chí còn đề xuất đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước lên tiếng giải thích

Trả lời các câu hỏi này, ông Trần Xuân Quảng, phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị cho biết, phần lợi nhuận 1.158 tỷ đồng tích luỹ đến nay là để ngân hàng dự phòng cho các trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Quỹ dự phòng và lợi nhuận để lại là của để dành, không dùng đến thì vẫn là tài sản của ngân hàng. Năm 2018 ngân hàng sẽ chi trả cổ tức 5% cho cổ đông nhưng phần để trả cổ tức (sau khi được NHNN thông qua) cũng sẽ lấy từ phần lợi nhuận để lại từ các năm trước.

Ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT bổ sung thêm, rằng năm ngoái đã có văn bản tới 2 lần xin NHNN cho chia cổ tức nhưng NHNN không đồng ý. Đầu tiên ngân hàng xin trả cổ tức bằng tiền mặt nhưng không đồng ý, sau đó Maritime Bank xin chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không được đồng ý.

Ông Tuấn đề nghị cổ đông bỏ phiếu bổ sung về việc tiếp tục chi trả cổ tức 5% của năm 2017 để ngân hàng gửi lên NHNN lần thứ 3. Nếu lại tiếp tục không chấp thuận thì ngân hàng sẽ dùng vốn để lại để mua cổ phiếu quỹ.

"6 năm nếu lãi suất thì cũng chỉ được khoảng 40%, nhưng nếu cổ phiếu lên sàn thì giá trị sẽ tăng lên hơn nhiều so với lãi suất gửi ngân hàng. Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá cổ phiếu Maritime Bank ở mức rất cao, khi ấy các bác cổ đông có thể hưởng lãi tới 200% chứ không phải 40% như lãi suất tiền gửi" - ông Tuấn trấn an nhà đầu tư.

Cổ đông đề nghị lên sàn luôn trong quý 3

Một cổ đông phát biểu rằng năm ngoái cổ đông không biểu quyết là có lên sàn hay không, mà chỉ biểu quyết lên sàn UpCOM, HoSE hay HNX mà cuối cùng lại nói là không lên sàn, đề nghị HĐQT giải thích rõ. Cổ đông cũng đề xuất thực hiện niêm yết cổ phiếu ngay trong quý 3 năm nay chứ không phải là quý 1 năm sau?

Ông Trần Xuân Quảng cho biết, năm ngoái có hai nội dung biểu quyết là niêm yết và không niêm yết; và nếu niêm yết thì lên sàn nào, và cuối cùng cổ đông đã thông qua kế hoạch không lên sàn. "Tất cả các biên bản họp vẫn còn nguyên chứ HĐQT không làm sai", ông Quảng nói.

Về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong quý 3, ngân hàng ghi nhận và sẽ đề xuất xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước.

Cổ phiếu quỹ mua phải công bằng

Một cổ đông khác (cổ đông Nguyễn Văn Đức) đề nghị ngân hàng nếu mua cổ phiếu quỹ thì phải công bằng với cổ đông, vì các năm trước mua cổ phiếu quỹ cổ đông này đã đăng ký nhiều lần nhưng không được. Cổ đông đề nghị phải công khai thời gian mua, số lượng mua...để các cổ đông có cơ hội bán cổ phiếu.

Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn cho biết, việc mua cổ phiếu quỹ là ngân hàng thuê công ty chứng khoán thực hiện hiện chứ HĐQT không tham gia trực tiếp vào. Việc này công ty chứng khoán có quy trình rõ ràng về công bố thông tin và thực hiện mua. Năm trước có cổ đông kiến nghị lên Chính phủ về việc mua cổ phiếu quỹ và cơ quan thanh tra đã vào làm việc, vào thanh tra công ty chứng khoán và kết quả không có gì sai sót.

Sau ý kiến của ông Tuấn, cổ đông Nguyễn Văn Đức đề nghị việc mua cổ phiếu quỹ nên thực hiện theo tỷ lệ phần trăm. Ví dụ cổ đông có quyền bán theo tỷ lệ 20% hoặc 30% số cổ phiếu đang sở hữu, như vậy thì ai cũng có quyền bán cổ phiếu cho ngân hàng và tỷ lệ công bằng, chứ việc mua cổ phiếu theo thời gian ai đăng ký trước thì được bán, ai sau 1 phút là mất quyền là không bình đẳng.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của cổ đông và xem xét.



Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên