MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có dòng tiền lớn trực chờ chảy vào chứng khoán

Ông Đỗ Bảo Ngọc.

Ông Đỗ Bảo Ngọc.

Buổi tọa đàm được thực hiện tại các điểm cầu trực tuyến Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế vĩ mô, tài chính - ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…, cùng đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Trao đổi với BizLIVE, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đã đưa ra nhận định như trên xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh dịch chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19.

Ông có bình luận gì về đợt điều chỉnh của thị trường thời gian qua khi VN-Index giảm từ đỉnh lịch sử trên 1.400 xuống dưới 1.270 điểm?

Thực tế là TTCK Việt Nam đã điều chỉnh giảm mạnh từ 6/7 cho tới 23/7 với mức giảm của VN-Index từ mức cao 1.420 điểm xuống mức thấp nhất là 1.225 điểm (20/7) tương ứng mức giảm 13,73%, sau đó chỉ số này có sự hồi phục trở lại vùng 1.295 điểm (22/7) trước khi lại giảm điểm trong phiên cuối tuần 23/7 để đóng cửa ở mức 1.268,8 điểm.

Những lý do chính cho sự điều chỉnh lớn của thị trường trong những tuần qua là sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, trong đó dịch diễn biến đặc biệt phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, kéo theo đó là hàng loạt quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại 19 tỉnh phía Nam và gần đây là Hà Nội (24/7).

Rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động tiêu cực trước mối lo dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và doanh nghiệp , tình huống này xảy ra trong trạng thái VN-Index đang giao dịch tại vùng điểm cao nhất lịch sử (1.420 điểm) với trạng thái margin cao trên thị trường (giai đoạn cuối tháng 6 đầu tháng 7) và tổng hòa của những yếu tố này khiến thị trường có đợt điều chỉnh khá với mức giảm hơn 13% về chỉ số và trong đó nhiều cổ phiếu thậm chí đã giảm 18% - 25% từ ngày 6/7 cho tới 23/7.

Một điểm đáng lưu ý là đợt điều chỉnh giảm này là một đợt điều chỉnh giảm lớn nhưng đơn thuần xuất phát từ những lo ngại về dịch bệnh (yếu tố tâm lý) mà không phải bắt nguồn từ những thay đổi lớn về kinh tế vĩ mô hay sự suy giảm hiểu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Theo ông, thị trường sau khi đã giảm hơn 10% từ vùng đỉnh, hiện thị trường đã về vùng hấp dẫn? Những nhóm cổ phiếu nào có sức hút đầu tư hiện nay?

Với việc VN-Index đã giảm khoảng 13% thì mức P/E của thị trường về lại vùng quanh 17 lần, là vùng bắt đầu hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư trung hạn trong kịch bản dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết là khoảng 25% - 30% trong năm 2021 (kết quả kinh doanh quý 1 ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 60%, quý 2 dự kiến vẫn sẽ có kết quả khả quan).

Về nhóm cổ phiếu, hiện tại đang trong giai đoạn công bố kết quả quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết, chính vì vậy yếu tố khả quan về tăng trưởng lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 sẽ là yếu tố để hút dòng tiền trở lại, nhất là khi mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm về vùng định giá hấp dẫn.

Giai đoạn đầu công bố kết quả kinh doanh quý 2 (sau 20/7), trước mắt đã ghi nhận kết quả khả quan ở những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò dẫn dắt thị trường trong năm 2021 là thép, ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, công nghệ… Các nhóm này vừa có lợi thế về quy mô niêm yết và vừa có lợi thế về tăng trưởng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp đầu ngành, có vị thế và thị phần lớn, chính vì vậy mà nhóm này có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong điều kiện đa số các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Ông có đánh giá gì về xu hướng dòng tiền trên thị trường nói chung và khối ngoại nói riêng? Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư F0 bởi nhiều người có ý định rời thị trường?

Về sự vận động của dòng tiền thì tôi nhận thấy có các yếu tố quan trọng chi phối là (1) yếu tố bên ngoài là chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới như FED, ECB…, (2) yếu tố bên trong là chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và tương quan hấp dẫn dòng tiền giữa các kênh đầu tư trong nền kinh tế. Về cơ bản cả 2 yếu tố trên vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho TTCK Việt Nam khi các NHTW lớn trên thế giới và NHNN Việt Nam vẫn ở trạng thái nới lỏng với mặt bằng lãi suất siêu thấp, cùng các gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ còn được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chính vì vậy, tôi tin rằng một khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát thì thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại với dòng tiền lớn trở lại khi mức định giá ở vùng hấp dẫn, và kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh thanh khoản cao và tối ưu đối với dòng tiền trong nền kinh tế vốn đang gặp nhiều hạn chế vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Vì vậy mà, lời khuyên của tôi đối với nhà đầu tư mới là hãy xem xét đầu tư dựa trên những yếu tố cơ bản là sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và doanh nghiệp, nhất là khi mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn, tránh giao dịch khi tâm lý bị chi phối bởi cảm xúc.

Về giao dịch của khối ngoại, thời gian gần đây khối này đã trở lại mua ròng lớn trên TTCK Việt Nam kể từ ngày 30/6 cho tới nay, dòng tiền của khối ngoại đến từ các quỹ ETF trong đó có quỹ mới Fubon của Đài Loan đã thu hút được một lượng tiền đầu tư lớn và giải ngân vào thị trường từ đầu tháng 7 cho tới nay, ngoài ra lực mua ròng cũng tới từ các nhóm quỹ đầu tư chủ động khi thị trường đã có sự điều chỉnh lớn trong 2 tuần giữa tháng 7. Trạng thái tích cực hiện tại của khối ngoại hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 khi khối ngoại bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, có một thực tế là giao dịch của khối ngoại đã không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường kể từ quý 4/2020 cho tới nay với tỷ trọng giá trị giao dịch chỉ còn chiếm từ 5%-8% tổng giá trị toàn thị trường, trong khi đó thanh khoản chung toàn thị trường tăng gấp hơn 3 lần mức bình quân 9 tháng đầu năm 2020 với động lực chính là dòng tiền mới từ cá nhân và tổ chức trong nước (có nguồn gốc từ sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh tiết kiệm và các kênh đầu tư khác sang chứng khoán khi mặt bằng lãi suất tiền gửi siêu thấp và các kênh đầu tư khác gặp khó khăn do Covid-19).

Ông dự báo gì cho kịch bản VN-Index trong tuần cuối tháng 7, trong những tháng cuối năm 2021?

Cho tới lúc này hầu hết các quyết định giãn cách nghiệm ngặt nhất cũng đã được thực hiện trên phạm vi rộng, các thông tin này cũng phần nào đã phản ánh vào diễn biến thị trường, chính vì vậy theo quan điểm của tôi khi nào dịch bệnh được kiểm soát và có tín hiệu tích cực (dịch tạo đỉnh đi xuống) nhiều khả năng thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại bởi các yếu tố nền tảng cho sự phát triển của thị trường (kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, sự dịch chuyển của dòng tiền, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp…) về cơ bản vẫn khả quan.

Về dài hạn, trong 6 tháng cuối năm 2021 tôi vẫn kỳ vọng VN-Index có thể một lần nữa tiến lên vùng 1.450 điểm – 1.500 điểm với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp bình quân 25% - 30% trong năm 2021.

Xin cảm ơn ông!

Câu chuyện về thị trường chứng khoán với dòng tiền, bức tranh kinh doanh… là những nội dung cụ thể sẽ được đề cập và thảo luận tại Tọa đàm trực tuyến "Điểm đến của kinh tế Việt Nam cuối năm 2021" do BizLIVE tổ chức.

Buổi tọa đàm được thực hiện tại các điểm cầu trực tuyến Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế vĩ mô, tài chính - ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…, cùng đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

BizLIVE trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi nội dung tọa đàm diễn ra từ 8h30 - 11h30 ngày 30/7 tới.

Theo Huyền Trâm

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên