Có được thừa kế tiền gửi ngân hàng?
Nhiều người thắc mắc, trong trường hợp người gửi tiết kiệm không may qua đời thì số tiền gửi ngân hàng có được xem là tài sản thừa kế?
- 25-09-2024“Đóng hơn 100 triệu đồng bảo hiểm nhân thọ, đến khi nằm viện, tôi quyết định hủy hợp đồng bởi lý do không thể chấp nhận này"
- 24-09-2024Cứ ngỡ Việt Nam là "vô địch" về quét mã QR thanh toán, nhìn sang nước bạn mới thấy còn choáng ngợp hơn
- 24-09-2024Cách ngân hàng xử lý tài khoản, thẻ bị bỏ không
Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác".
Trong đó, theo điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Ngoài ra, có thể hiểu số tiết kiệm ngân hàng là giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu của người đứng tên trên sổ với số tiền gửi tại ngân hàng. Do đó, số tiền trong sổ tiết kiệm ngân hàng là tài sản của người đứng tên trên sổ.
Trường hợp chủ sở hữu sổ tiết kiệm chết, số tiền trong sổ tiết kiệm được coi là di sản thừa kế và được phân chia theo quy định của pháp luật.
Cách phân chia di sản thừa kế là sổ tiết kiệm ngân hàng
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế được thực hiện thông qua 2 hình thức: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Nếu người sở hữu sổ tiết kiệm đã mất để lại di chúc thì ưu tiên phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì sổ tiết kiệm được phân chia theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã chết.
Hàng thừa kế thứ hai bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba bao gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản.
Để nhận phần di sản thừa kế, người thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế, công chức các văn bản theo Điều 57 và Điều 58 Luật Công chứng 2014.
Hồ sơ chia di sản thừa kế
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 57 và Điều 63 Luật Công chứng 2014, hồ sơ cần chuẩn bị để chia thừa kế bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Di chúc (nếu có)
- Sổ tiết kiệm
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế
Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, người thừa kế đến văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Khi có văn bản công chứng, người thừa kế liên hệ với ngân hàng - nơi có sổ tiết kiệm để làm thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm.
VTC News