MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Co-founder kiêm CEO e27: Không nên dùng số lượng 'kỳ lân' làm chuẩn mực thành công của hệ sinh thái startup, dự báo lĩnh vực tạo 'unicorn' tiếp theo của Việt Nam

18-06-2024 - 11:39 AM | Doanh nghiệp

"Chúng ta không nên dùng số lượng 'kỳ lân' để làm chuẩn mực cho sự thành công của bất cứ hệ sinh thái khởi nghiệp nào. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được hơn 4,6 tỷ USD tiền đầu tư trong một thập kỷ qua, đây là cột mốc rất đáng trân trọng. Nếu phải dự đoán về 'kỳ lân' tiếp theo, thì nó sẽ đến từ mảng chăm sóc sức khỏe và tài chính số", CEO e27 cho hay.

Hành trình khởi nghiệp của Co-founder kiêm CEO e27 – Mohan Belani tiêu biểu cho rất nhiều Nhà sáng lập khu vực Đông Nam Á thế hệ 8x-9x. Ngay từ nhỏ, doanh nhân này đã được làm quen với công nghệ khi tham gia vào các dự án xây dựng game trên PC hoặc các trò chơi trực tuyến đơn giản.

Theo chia sẻ của Mohan Belani, vào những ngày tuổi trẻ, anh luôn nghĩ mình sẽ trở thành một công viên chức nhà nước hoặc phục vụ cho công ty lớn. Tuy nhiên, sau 1 năm tham gia NOC Overseas Program ở Silicon Valley, mục tiêu nghề nghiệp của cuộc đời anh đã thay đổi.

e27 là một nền tảng công nghệ truyền thông tập trung vào hệ sinh thái khởi nghiệp, với sứ mạng hỗ trợ các Nhà sáng lập gầy dựng và phát triển dự án – công ty của họ. Ngoài điều hành e27, CEO này còn là một nhà đầu tư khởi nghiệp chuyên nghiệp từ 2013.

e27 đã kêu gọi được 3,46 triệu USD từ các quỹ đầu tư và 'nhà đầu tư thiên thần' từ khi thành lập đến nay. Vào năm 2016, họ đã hoàn tất vòng gọi vốn Series A với số tiền 2,2 triệu USD.

* Anh đã làm việc với nhiều startup và hệ sinh thái startup ở khu vực Đông Nam Á. Cảm nhận của riêng anh về startup Việt và hệ sinh thái startup Việt?

Theo quan điểm của tôi, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang được xây dựng và bùng nổ một cách thầm lặng. Tại khu vực Đông Nam Á, mọi sự chú ý vẫn đổ dồn vào Indonesia, nhưng các Nhà sáng lập người Việt vẫn gây được ấn tượng mạnh với mọi người bằng sự năng động – bền bỉ với quyết tâm mạnh mẽ phải làm việc chăm chỉ để làm tốt nhất vai trò của mình.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng nổi tiếng là nơi có nhiều tài năng công nghệ chuyên sâu, có thể tạo dựng những sản phẩm đẳng cấp thế giới. Chính điều này đã tạo nên danh tiếng đáng kể cho ngành công nghệ Việt trên bản đồ toàn cầu, như cách mà Apple gầy dựng sản phẩm của mình.

Việt Nam cũng khá nổi tiếng ở cộng đồng Web3 thế giới với nhiều tài năng về công nghệ blockchain, như cái tên tiên phong Sky Mavis. Nói chung, các Nhà sáng lập Việt Nam luôn được tôn trọng nhờ sự linh động – nhanh nhạy và có nhiều thành tựu lớn.

Co-founder kiêm CEO e27: Không nên dùng số lượng 'kỳ lân' làm chuẩn mực thành công của hệ sinh thái startup, dự báo lĩnh vực tạo 'unicorn' tiếp theo của Việt Nam- Ảnh 1.

Các thông tin về startup Việt Nam trên e27.

* Anh cảm thấy việc trong 10 năm mà Việt Nam mới tạo ra được 4 'kỳ lân' (VNG, MoMo, VNPay và Sky Mavis) là nhiều hay ít so với tiềm năng của họ?

Việt Nam đã có được 4 'kỳ lân' trong 10 năm. Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp Việt vẫn còn non trẻ, chỉ mới ở giai đoạn đầu, song nó cũng đã 'thai nghén' thành công vài 'kỳ lân'. Trong môi trường VUCA như hiện tại, việc "làm sao để trở thành một 'kỳ lân'" ít được ưu tiên hơn việc "làm sao để có một nền tài chính bền vững".

Để làm được điều đó, Việt Nam cần có một nền kinh tế quốc nội mạnh mẽ nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của các startup. Và tin tốt là nền kinh số của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á vào 2022 – 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị thế này cho đến năm 2025. Sự tăng trưởng liên tục khiến nền kinh tế số có thể đóng góp tới 16,5% vào GDP Việt Nam.

* Singapore là hub công nghệ của cả châu Á và Đông Nam Á, còn Indonesia là thị trường lớn nhất Đông Nam Á với dân số gần 280 triệu dân. Ngoài hai lý do về chính sách và dân số, thì đâu là nguyên nhân quan trọng nữa khiến lượng 'kỳ lân' của Việt Nam rất ít nếu so với Singapore và Indonesia?

Mọi hệ sinh thái khởi nghiệp đều cần thời gian và rất nhiều nguồn lực từ sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan, thì mới lớn mạnh được. Như đã nói ở trên, nếu so với Singapore hay Indonesia, thì hệ sinh thái của Việt Nam khởi hành muộn hơn một chút, do đó đã không thể tận dụng tối đa sự bùng nổ của giới đầu tư công nghệ ở giai đoạn 2017 – 2019.

Tuy nhiên, hệ sinh thái Việt Nam lại đón được làn sóng lao động công nghệ chất lượng cao được đào tạo bài bản và xu hướng Web3; vì vậy nó bắt đầu có những sự khởi đầu nhanh hơn so với các nước còn lại trong khu vực.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên dùng số lượng hoặc cột mốc 'kỳ lân' để làm chuẩn mực cho sự thành công của bất cứ hệ sinh thái khởi nghiệp nào. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được hơn 4,6 tỷ USD tiền đầu tư trong một thập kỷ qua, đây là một cột mốc rất đáng trân trọng.

* Theo quan sát của anh, startup nào của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn trở thành 'kỳ lân' trong 3 năm tới?

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính số - fintech và chăm sóc sức khỏe - healthcare đang được quan tâm cũng như có giá trị cao hơn cả. Mảng fintech cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều tiền đầu tư nhất trong hệ sinh thái và theo tôi, điều này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Với việc dân số Việt Nam ngày càng tăng cao, tỷ lệ già hóa tăng nhanh kèm theo tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể theo từng năm, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ tăng trưởng nhanh - cả về số lượng lẫn chất lượng. Vào năm 2022, tổng số tiền mà người dân Việt Nam tiêu dùng vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – y tế khoảng 18,5 tỷ USD, chiếm 4,6% GDP của cả nước.

* Việc rất nhiều 'kỳ lân' hoặc startup tốt 'chuyển nhà' hoặc lập thêm văn phòng ở Singapore nhằm thuận lợi hơn cho việc gọi vốn, IPO hoặc thu hút nhân tài, sẽ ảnh hưởng như thế nào lên hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore và cả Đông Nam Á?

Singapore sẽ tiếp tục là trung tâm công nghệ - tài chính cho cả khu vực Đông Nam Á; bởi họ có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong khía cạnh kinh doanh - vận hành, hệ thống pháp lý tốt & rõ ràng và có rất nhiều quỹ đầu tư đặt trụ sở ở đây. Vậy nên, trong tương lai, xu hướng này sẽ không biến mất mà còn phát triển mạnh mẽ hơn và nó tốt cho tất cả!

* Cảm ơn anh!

Theo Quỳnh Như

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên