Cô gái 22 tuổi làm y tá, tậu nhà 9 tỷ ở Úc: Nói gì khi bị chê “Bố mẹ cho tiền mới đủ mua?"
Sau 7 năm sống tại xứ người, cô bạn này đã sở hữu căn nhà đầu tiên.
- 20-10-2023Nam cầu thủ chi 147 tỷ mua nhà rộng cả nghìn mét vuông để tiện hẹn hò Taylor Swift
- 18-10-2023Cuộc sống của danh hài Quang Thắng tuổi 55: Mua nhà Hà Nội, vợ con lên ở một thời gian lại dọn về quê
- 18-10-2023Misoa Kim Anh chi 30% thu nhập thuê nhà 65m2: Mua nhà không phải thước đo thành công, thà dành tiền đầu tư kinh doanh
Nếu nói đến một cột mốc tài chính đáng tự hào, nhiều người trẻ sẽ không ngần ngại trả lời là thời điểm sở hữu căn nhà đầu tiên. Giống như bao bạn trẻ khác, cô bạn Emily (SN 2000, tên khác là Lê Uyên) - một du học sinh nước Úc cũng hào hứng khi chia sẻ về câu chuyện lần đầu tiên đứng tên căn nhà của riêng mình tại xứ người.
Vừa tốt nghiệp đã mua nhà ở Úc
Emily bắt đầu cuộc sống du học sinh nước Úc từ tháng 7/2016. Sau 7 năm du học, cô bạn vừa được nhận thường trú nhân tại quốc này, đồng thời trở thành y tá hồi sức gây mê một bệnh viện của thành phố Melbourne. Ngay khi vừa có thường trú nhân ở Úc, Emily đã tính tới chuyện mua nhà.
“Khi mới qua Úc, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ định cư hay mua nhà ổn định vì lúc đó bản thân chỉ là du học sinh cấp 3. Mình đi học vì nghe lời ba mẹ thôi chứ chưa có suy nghĩ về tương lai.
Sau đợt dịch Covid-19, mình thấy tiền thuê nhà tăng chóng mặt. Khi đó, căn mình đang thuê gồm 2 phòng ngủ, 2 phòng tắm và 1 chỗ đậu xe có giá tầm 3200 $ (~49 triệu đồng). Do đó, mình nghĩ thay vì trả tiền thuê nhà hàng tháng, mình có thể dành tiền tiết kiệm và mượn thêm từ gia đình để mua trả góp cho căn nhà đầu tiên. Đây sẽ là quyết định đầu tư hợp lý hơn", Emily kể.
Trước khi mua nhà, Emily sinh sống 2 năm trong chung cư nằm ở trung tâm thành phố Melbourne. Quãng thời gian này đã khiến Emily chuyển lựa chọn mua nhà từ loại hình chung cư sang nhà ở mặt đất. Bởi lẽ cô bạn muốn có không gian sống an toàn và rộng rãi hơn.
Nói về tiêu chí chọn mua nhà, Emily chia sẻ: “Đầu tiên là về ánh sáng. Mình thích nhà có nhiều cửa sổ, có ánh sáng vào không gian sống và đèn điện nhiều. Điều này giúp không khí của nhà không có cảm giác âm u và thiếu sức sống.
Ngoài ra, mình ưu tiên căn nhà được thiết kế hiện đại một chút, vì ở Úc có nhiều căn hộ được xây theo phong cách cổ. Cuối cùng, nhà nên nằm trong khu an toàn, gần siêu thị và phương tiện công cộng, không cách xa chỗ làm và có giá thành vừa túi tiền".
Sau thời gian nghiên cứu, Emily đã chốt mua căn nhà rộng 115m2, bao gồm 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm và 3 nhà vệ sinh vào năm ngoái. Tổng giá thành của căn nhà là 600.000 $ (~9.2 tỷ đồng), chưa tính khoảng 15.000 $ (~232 triệu đồng) mà Emily dành để trả cho tiền thuế, thuê luật sư và mua mới nội thất cho không gian sống.
Khi quyết định mua căn nhà đầu tiên, Emily đã xác định sẽ cần vay thêm từ ngân hàng và người thân. Bấy giờ, do thu nhập của Emily không cao, độ tuổi còn trẻ và là lần đầu tiên vay tiền nên ngân hàng chỉ cấp một khoản không quá lớn. Cũng vì thế, Emily và bạn trai đã cùng đứng ra vay nợ, từ đó nhận được khoản vay 530.000 $ (~8.2 tỷ đồng), tức khoảng 90% giá trị căn hộ.
Hiện căn nhà thuộc quyền sở hữu của Emily và bạn trai, đồng thời mỗi tháng cả hai sẽ cùng trả ngân hàng 3000 $/tháng (~46 triệu đồng), chưa tính khoản tiền trả cho người thân. Khoản vay của ngân hàng có kỳ hạn 30 năm và họ kỳ vọng sẽ hoàn thành việc trả nợ ngân hàng trong khoảng 10 năm tới.
Emily tâm sự, mỗi tháng cô dành khoảng 50% thu nhập để trang trải tiền nhà. Bên cạnh đó, cô nàng cũng đang cho thuê phòng trong nhà mới để tạo thêm một nguồn thu nhập thụ động nhằm trang trải chi phí cuộc sống.
“Mình không gặp áp lực để trả góp tiền mua nhà mỗi tháng cho ngân hàng mà thấy việc thanh toán khoản nợ vay từ người thân khó khăn hơn. Tuy nhiên, giờ người thân không gây áp lực và không đòi hỏi mình trả lãi suất, nên hiện mình thấy mọi thứ vẫn thoải mái", Emily nói thêm.
Trong quá trình mua nhà, Emily cũng tìm đến những bên thứ ba như broker (môi giới) và solicitor/convenyancer (cố vấn pháp luật). Theo đó, Emily đã tìm đến broker để được tư vấn về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như hỗ trợ làm giấy tờ mượn tiền từ ngân hàng. Trong khi đó, một người solicitor/convenyancer sẽ giúp cô nàng giải quyết giấy tờ mua bán giữa các bên, đồng thời cung cấp thông tin về nhiều loại phí khác phải trả khi mua nhà.
Với những ai có dự định mua nhà ở Úc, Emily đưa ra lời khuyên: “Mọi người nên nghiên cứu và tìm cho mình một broker uy tín, là người giúp mình tìm deal vay tiền tốt từ ngân hàng, cũng như ngân hàng nào đang có lãi suất thấp nhất trên thị trường. Người broker không lấy phí của mình vì họ đã ăn hoa hồng từ ngân hàng trong quá trình làm việc. Do đó, nếu bạn thấy người broker đòi phí làm việc thì cần tìm người khác. Bởi khi đó, khả năng cao broker muốn nhận tiền từ cả ngân hàng và người mua nhà. Tiếp theo đó, hiện nay Chính phủ Úc có nhiều chương trình ưu đãi cho người mua nhà lần đầu nên mình cũng tiết kiệm được khá nhiều".
“Chắc là bố mẹ cho tiền sẵn nên mới mua được nhà?”
Đó cũng là một trong những bình luận mà Emily nhận được nhiều nhất sau khi chia sẻ câu chuyện mua nhà năm 22 tuổi của bản thân. Tuy nhiên, cô bạn cho rằng điều này không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ căn nhà chính là thành quả nỗ lực của Emily sau nhiều năm làm việc và học tập nơi xứ người.
“Thực tế, bố mẹ mình cũng đang gặp khó khăn về tài chính nên không hỗ trợ mình được nhiều. Bố mẹ giúp mình vay mượn từ người thân khác, nhưng mình có nói: ‘Con sẽ cố gắng tự trả khoản đó' để bố mẹ đỡ lo. Nhìn chung, bố mẹ rất ủng hộ và hoàn toàn tin tưởng vào quyết định mua nhà của mình", Emily tâm sự.
Emily chia sẻ thêm, có lẽ với nhiều người, mua được nhà là một thành tựu to lớn. Song cô thích gọi đó là sự may mắn hơn, bởi vì nếu không có giúp đỡ của gia đình và người yêu thì bây giờ, Emily vẫn chưa có căn nhà của riêng mình. Cô bạn cũng xác định, hiện tại bản thân chỉ đang mua nhà trả góp, và sau đó 10 - 15 năm, căn nhà mới hoàn toàn là của mình.
“Trả nợ mỗi tháng là động lực cho mình làm việc và tiết kiệm hơn. Chắc đây mới là ‘thành tựu’ thật sự của mình", Emily hài hước nói.
Ngẫm lại về quyết định mua nhà ở tuổi 22, Emily vẫn thấy đó là điều xứng đáng. “Mình là kiểu người quyết định gì sẽ muốn làm liền. Dù hiện tại gặp một chút stress về tài chính thì mình nghĩ bản thân trẻ, còn có sức lao động để trả cho căn nhà. Và đó cũng là lý do để mình tiết kiệm và bớt tiêu xài vào những thứ không cần thiết như đồ hiệu", cô bạn bày tỏ.
Ảnh: NVCC
Phụ nữ số