MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái đặt mục tiêu tự do tài chính với 30 tỷ: Liệu có khả quan?

30-09-2022 - 21:03 PM | Lifestyle

Cô gái đặt mục tiêu tự do tài chính với 30 tỷ: Liệu có khả quan?

Một kế hoạch tài chính cụ thể là điều rất tốt, nhưng quan trọng hơn cả là phải phù hợp với bản thân.

Nguyễn Thanh Mai (25 tuổi, Hà Nội), hiện tại là một chuyên viên tài chính của một công ty ở Hà Nội kiệm 1 trader (giao dịch) tự do. Ngoài ra, Mai còn thường xuyên viết bài chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và quản lý tài chính trên 1 blog nhỏ. Mai chia sẻ: “Từ khi còn là sinh viên năm 4, mình đã bắt đầu lên kế hoạch tài chính. Bởi vì trước đó, có những sai lầm tiêu tiền khiến mình nhận ra, nếu không có bài toán quản lý tài chính cá nhân cụ thể, bạn sẽ không thể đạt đến ngưỡng tự do về tiền bạc, hay rộng hơn là tự do trong cuộc sống.”

Cùng lắng nghe Mai chia sẻ về bài toán quản lý tài chính cá nhân của mình nhé!

Sai lầm bắt đầu từ việc đặt mục tiêu tự do tài chính

Ban đầu, mình bóc tách xây dựng kế hoạch tự do tài chính thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Xây dựng kế hoạch tài chính

- Giai đoạn 2: Tiến tới tự do tài chính

Khái niệm tự do tài chính mới phổ biến ở thời gian gần đây, nhưng đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng độ 10 năm về trước. Tuy vậy, kế hoạch tài chính đã được hình thành trong thói quen của nhiều người. Chẳng hạn, sự tính toán xuất phát ngay trong những chuyện chi tiêu nhỏ nhặt như mua bó rau, cân thịt, đến tiết kiệm tiền cho con cái, xây nhà dựng cửa...

 Cô gái đặt mục tiêu tự do tài chính với 30 tỷ: Liệu có khả quan? - Ảnh 1.

Nguyễn Thanh Mai (25 tuổi, Hà Nội)


Và mình cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính từ những điều nhỏ nhặt như thế. Từ năm 4 Đại học, được tiếp xúc với những bộ môn liên quan đến đầu tư, phân bổ ngân sách, quản trị rủi ro... khiến mình đặt ra câu hỏi: “Liệu có cần thiết lên một kế hoạch cho chi tiêu, kỳ vọng ngân sách cá nhân, và quản lý nó không? Và làm sao để cụ thể hóa vấn đề này?”. Để trả lời câu hỏi, mình bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về tài chính.

Tìm hiểu qua sách vở, báo đài, một cô gái như mình đặt mục tiêu tự do tài chính ở con số 30 tỷ đồng - con số áng chừng một cách mơ hồ. Gia đình đều thuần lao động tự do, nên mình không trông đợi gì đến tài sản thừa kế, mà dồn 100% sức mình, lao vào kiếm tiền. Làm việc quá sức nhiều ngày, khiến sức khỏe mình bắt đầu gặp vấn đề. Có những hôm mẹ hỏi: “Công việc áp lực thế hả con? Quá sức với con à?”, chẳng kịp trả lời mẹ vì mình kiệt sức và thiếp vào giấc ngủ. Thời gian dừng lại vì sức khỏe yếu đi, mình đặt ra câu hỏi: “Liệu con số 30 tỷ ấy có khiến mình tự do thực sự hay càng áp lực hơn về tài chính?”.

Tự do tài chính là cột mốc riêng của mỗi người

Sau khi tạm dừng chân và xuất hiện những nghi vấn về số tiền để đạt được tự do tài chính. Mình buộc phải xác định lại nhu cầu thực tế của bản thân. Những vấn đề cụ thể hơn càng hiện ra rõ ràng: Chi tiêu thiết yếu (tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, di chuyển) là bao nhiêu? Chi tiêu theo sở thích (liên hoan, mua sắm....) thế nào là hợp lý? Khả năng bản thân chi trả cho những khoản đó như thế nào? Và 30 tỷ có thực sự đúng với nhu cầu của mình? Vậy nên, mình tính toán lại những khoản tiền cần chi tiêu trong 1 tháng.

 Cô gái đặt mục tiêu tự do tài chính với 30 tỷ: Liệu có khả quan? - Ảnh 2.

Không có 1 tỉ lệ cụ thể nào dành cho tất cả mọi người. Những con số này cần liên tục thay đổi tùy theo thời điểm và nhu cầu. Nếu bạn từng mua bảo hiểm thì sẽ rõ: Nhu cầu - Khả năng - Kỳ vọng được ưu tiên hàng đầu. Tuy tỷ lệ vàng 50/20/30 được nhiều người áp dụng, nhưng nó không dành cho mình.

Từ những ghi chép hàng tháng, hàng quý, mình đưa ra một ngưỡng “khá phù hợp” với bản thân ở hiện tại (tuy nhiên, đây là con số tham khảo và có điều chỉnh theo từng tháng):

- Chi tiêu thiết yếu (ở chung với ba mẹ nên mình dành tiền này để đóng vào quỹ chung của gia đình) - chiếm 30% thu nhập.

- Chi tiêu cá nhân - chiếm 20% thu nhập: Dùng để nuôi dưỡng các mối quan hệ, hội họp, đám đình, vui chơi giải tỏa áp lực.

- Chi tiêu phát triển bản thân - chiếm 10% thu nhập: Du lịch, thể thao, trải nghiệm và học hỏi những kỹ năng mới.

- Tích lũy và Đầu tư - chiếm 40% thu nhập: Đây không chỉ là tiền tích lũy, tăng thu nhập của tương lai, mà đây cũng là nguồn vốn lưu động cho những dự án mới. Và việc đầu tư nên chia nhỏ, không nên tập trung vào 1 mảng duy nhất.

Sau khi lên được 1 bài toán chi tiết và cụ thể cho thu nhập - chi tiêu hàng tháng, mình nhận ra rằng: 30 tỷ kia không phải là con số cố định để mình cứ chăm chăm vào đó mà phấn đấu. Việc đưa ra 1 con số cụ thể là điều rất tốt, nó giúp bạn chia nhỏ số tiền cần kiếm trong 1 năm. Nhưng mình nhận ra, tự do tài chính không chỉ nằm ở việc bạn có X tiền trong tài khoản, có biệt thự, xe hơi... Mà đơn giản là thoải mái chi trả cho cuộc sống hàng ngày, làm những gì mình thích, tặng quà cho người thân mà không cần suy nghĩ về tiền bạc. Nếu 30 tỷ khiến mình áp lực trong suốt những năm tháng tuổi trẻ như thế, tự do còn ý nghĩa gì?

Bắt đầu mục tiêu mới phù hợp hơn với khả năng

Việc lập lại kế hoạch tài chính bước đầu gần như đã xong, và mình nhận ra nó vận hành một cách hiệu quả và trơn tru. Bỏ qua áp lực về con số tự do tài chính, mình nhận ra quan trọng nhất trong quá trình xây dựng quỹ tài chính có sức khỏe tốt, đó là đầu tư, phát triển kinh doanh và tích lũy tài sản. Hiện tại, mình đã thực hiện được 2/3 bước này, tuy không phải nguồn vốn lớn nhưng cũng đảm bảo được nguồn thu thụ động của mình.

 Cô gái đặt mục tiêu tự do tài chính với 30 tỷ: Liệu có khả quan? - Ảnh 3.

Để nguồn thu tự động có hiệu quả, mình cọ xát, thử sức từ số vốn nhỏ, đảm bảo bản thân có khả năng gánh chịu hậu quả. Hiện tại, mình đang quản lý một lượng lớn khách hàng, từ những kinh nghiệm thực chiến đó khiến mình ngày càng cứng hơn trong ngành đầu tư tài chính này.

Ngoài ra, mục tiêu tự do tài chính được cụ thể hóa hơn bằng số liệu khi mình tìm hiểu FIRE (Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm). Con số 4% và 25 lần khiến mình vẽ được bức tranh tổng thể hơn cho kế hoạch 35, 40 tuổi của cuộc đời mình. Mục tiêu FIRE giúp mình có động lực hơn, kế hoạch cụ thể và bài bản giúp mình đến gần hơn với mục tiêu về tài chính cá nhân. Có thể mục tiêu FI - RE không giúp mình hoàn thiện được bài toán tài chính cá nhân ở tuổi 30. Nhưng lối sống cắt giảm chi tiêu và tăng thêm thu nhập là điều cần thiết với mình, cũng như thế hệ trẻ hiện nay.

Ảnh: NVCC


Theo Nguyễn Quỳnh Trang

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên