Cô gái đầu tiên ở bản đi du học châu Âu, giúp bà con bán nông sản, tạo sinh kế cho cộng đồng
Chảo Thị Yến (sinh năm 1990), là người Dao Tuyển ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Yến là sinh viên đầu tiên ở xã giành được học bổng trị giá hơn 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) của chương trình Erasmus ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đại học Göttingen (Đức). Tốt nghiệp, Yến chọn cách quay về bản khởi nghiệp.
- 16-09-2023Cô gái Việt "đánh cược" lấy anh shipper ngoại quốc: Vừa về làm dâu mẹ chồng đã tuyên bố cho nhà
- 14-09-2023Cho đồng nghiệp vay 2 triệu đồng, bạn làm gì để đòi lại tiền? Cô gái trả lời khéo léo khiến sếp lớn gật gù
- 13-09-2023Được hỏi “nếu phải tăng ca không lương, bạn có làm không”, cô gái nhanh trí trả lời thể hiện EQ cực cao
Câu chuyện của Yến từng gây xúc động cho rất nhiều người, đặc biệt là sau khi cuốn tự truyện “Đường ngược chiều” của cô ra mắt. Là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em, nhà Yến nghèo đến mức những đứa bé không xa lạ gì với những bữa cơm chỉ ăn cùng lá me rừng, lá xuyến chi, lá tàu bay, lá chó đẻ... chấm muối. Vào mùa mưa, nóc nhà không chỗ nào đủ kín. Mẹ Yến kể, có hôm đi làm về thấy con nằm ngủ ngon lành bên cạnh đàn lợn.
Khó khăn đủ bề, song bố mẹ vẫn cố gắng cho Yến đi học lấy cái chữ để đỡ khổ. Đến lớp 9 gia đình không cố được nữa, bố mẹ bảo Yến nghỉ học ở nhà làm rẫy, chuẩn bị gả chồng. Vì Yến học rất giỏi nên thầy giáo tiếc, mỗi ngày đều xuống nhà vận động để em đi học lại. Những lúc ấy, Yến không dám gặp thầy, chỉ trốn sau gốc chuối khóc. Suốt 3 năm trời ở nhà gần như không ngày nào Yến không nhắc đến việc đi học, cuối cùng mẹ Yến thương con gái nên gật đầu đồng ý.
Học xong cấp 3, Yến thi vào trường Đại học Lâm Nghiệp (Hà Nội) với mong muốn “trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn cho cây không bị chặt phá bừa bãi”.
Vừa học, Yến vừa xin làm thêm trong sân golf để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Từ năm thứ 3, kì nào Yến cũng giành học bổng cho sinh viên xuất sắc. Bằng nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của thầy giáo, Yến xuất sắc giành học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững trị giá hơn 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) từ ĐH Gottingen (Đức).
Quãng thời gian du học cũng là lúc Yến viết cuốn tự truyện “Đường ngược chiều" kể về hành trình ngược chiều với những giới hạn của bản thân, những định kiến của xã hội để chinh phục ước mơ lớn nhất của cuộc đời đó là đi du học. Cuốn sách đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho giới trẻ theo đuổi ước mơ, góp phần thay đổi nhận thức của những người dân vùng cao biên giới.
Cầm tấm bằng thạc sĩ về nước, Yến đi làm cho một số tổ chức phi chính phủ, thực hiện nhiều dự án về giá trị tri thức bản địa, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên .
Mới đây, Yến quyết định bỏ việc ở phố về quê khởi nghiệp bởi cô nhận ra: “"Nếu chỉ nói và truyền cảm hứng theo cách trước đây thì tôi sẽ mãi mãi chỉ là người truyền cảm hứng trên giấy, thạc sĩ giấy mà thôi. Tôi phải làm giàu, phải có nền tảng kinh tế vững chắc thì tiếng nói của tôi mới có trọng lượng và tạo được sinh kế cho cộng đồng".
Theo đó, vào ngày 10/7/2023, HTX Tri thức - Bản địa Goong (trong tiếng Dao, Goong có nghĩa là tốt đẹp) đã ra đời với mục đích đẩy mạnh thương mại các sản phẩm của người Dao, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tri thức bản địa đã được tích lũy từ hàng ngàn năm, như việc sử dụng các loại cây, lá rừng để chữa bệnh, các bài thuốc Nam, hay các sản phẩm nông sản được canh tác theo hướng thuận tự nhiên.
Với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Chảo Yến luôn chú trọng truyền đạt cho người nông dân cách khai thác nông sản bản địa theo hướng bền vững và đạt chuẩn chất lượng.
Bên cạnh việc đứng ra thu mua các sản phẩm nông lâm đặc sản cho người dân, cô cũng trực tiếp hướng dẫn người dân cách khai thác bền vững và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Ví dụ như khi khai thác nguyên liệu cho bài thuốc lá tắm của người Dao, Yến đề nghị mọi người chỉ khai thác cành lá, không được lấy rễ và phần thân gỗ, không khai thác tận diệt để cho cây tồn tại và phát triển. Hay, cô tuyên truyền người dân không đi lấy mật ong rừng ngay sau khi trời mưa vì sẽ không đảm bảo chất lượng của mật. Nếu ai vẫn cố tình đi thu hoạch sớm, cô kiên quyết không mua lại...
Cứ cuối tuần được nghỉ làm, Yến lại tranh thủ quay clip quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân bản địa cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Những clip giới thiệu về sản vật quê hương của Chảo Thị Yến bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan cả về mặt hình ảnh lẫn giá trị kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng.
Cô mong ước một ngày không xa, cuộc sống của người dân bản địa sẽ được cải thiện, nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái được học lên cao vào có điều kiện đi ra ngoài học hỏi giống như mình khi trước.
Tiền phong