MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ

24-08-2022 - 08:05 AM | Sống

Vượt qua không ít khó khăn, rào cản nơi đất khách quê người, Hoài Anh giờ đã có sự nghiệp riêng cùng tổ ấm nhỏ viên mãn.

Cô gái Việt sang Iran du học với rất nhiều bỡ ngỡ

Năm 2015, Đỗ Lệnh Hoài Anh (hiện 29 tuổi) vừa tốt nghiệp Đại học đã nhận được một lời giới thiệu của bố về việc Đại sứ quán Việt Nam ở Iran có dành 5 suất học bổng 100% cho 5 sinh viên Việt Nam muốn học và tìm hiểu về văn hóa Ba Tư. Nghe theo lời gợi ý của bố, Hoài Anh đã gửi hồ sơ và được chọn. Ban đầu, mẹ của Hoài Anh không đồng ý việc cho con gái đi du học. Tuy nhiên, bố của cô lại là người động viên, ông cho rằng đó sẽ là một cơ hội tốt cho con gái.

Trước khi lên đường sang Iran du học, Hoài Anh đã tìm hiểu ít nhiều về đất nước này. Thế nhưng khi sang tới nơi, cô bất ngờ vì thấy Iran khác nhiều so với suy nghĩ, hiểu biết của mình. Iran là một quốc gia phát triển hơn so với tưởng tượng của Hoài Anh.

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 1.

Hoài Anh thời điểm mới sang Iran

Hoài Anh được học tiếng Iran trong vòng 6 tháng. Ngay tháng đầu tiên, cô đã cảm thấy sốc vì thấy việc học tiếng quá khó. Nguyên 1-2 tháng đầu, chỉ học bảng chữ cái cũng đã đủ chật vật. Hoài Anh chưa thể nói được thành câu nên mỗi khi ra đường, cô chỉ dùng tay để chỉ thứ nọ thứ kia nếu muốn mua chứ hoàn toàn không giao tiếp được. Sang tháng thứ 3, Hoài Anh mới học được mấy câu cơ bản như: Chào hỏi, hỏi giá cả,...

"Lúc ở Việt Nam mẹ mình bảo mang theo mì gói và một số đồ ăn đóng gói đi để sang Iran ăn nhưng mình không nghe vì nghĩ ở đâu cũng như vậy, cần thì ra siêu thị mua là được. Nhưng sự thật thì ngày đó ở Iran họ chưa có chợ châu Á, mì gói của họ cũng khác của mình nên không ăn được. Ẩm thực, văn hóa của họ khác nhiều nên mình bị sốc vì trước đó từng nghĩ bản thân là người dễ thích nghi", Hoài Anh tâm sự về những ngày đầu sang Iran.

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 2.

Thời gian đầu du học, Hoài Anh gặp không ít khó khăn

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, cô gái trẻ đã mạnh mẽ vượt qua tất cả

Sau 6 tháng, đã có 3 người đi cùng Hoài Anh trở về Việt Nam vì họ không thích nghi được. Nhìn mọi người về hết, cô gái trẻ cảm thấy rất nản. Nhưng rồi, Hoài Anh đã chọn cách cố gắng, cô nghĩ về mục đích của mình khi tới Iran, và tự nhắc nhở bản thân cố gắng thêm một chút xem mọi thứ sẽ ra sao. Cô tin rằng khi bản thân bắt đầu quen với ngôn ngữ Iran thì sẽ đỡ khó khăn hơn. Do đó, Hoài Anh càng chăm chỉ học thêm tiếng.

"Thời điểm đó mình cũng muốn về thăm gia đình lắm nhưng bố là người rất kỷ luật. Hiểu tính con gái, biết nếu cho về thì mình sẽ đòi ở nhà luôn nên bố không cho mình về. Đó là một giai đoạn rất khó khăn nên mình từng nghĩ chắc bố mẹ không thương mình. Nhưng đến bây giờ nghĩ lại thì mình phải cảm ơn bố vì đó là một quyết định rất đúng đắn của bố.

Mình học yếu hơn các bạn trong lớp nên sợ không trụ nổi, cố gắng lắm mà cứ lẹt đẹt mãi. May mắn thầy cô đã động viên mình. Hàng ngày mình không đi đâu, chỉ đi học, tối thì về xem phim, làm bài tập, nói chuyện với bạn bè thôi. Có những lúc mình rất buồn nhưng không dám nói với bố mẹ vì nghĩ rằng mình nói ra chỉ khiến bố mẹ lo lắng thêm chứ không giải quyết được gì", Hoài Anh nói thêm.

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 4.

Giờ đây, Hoài Anh đã gặt hái được những thành công cho bản thân

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 5.

Thành công lớn nhất mà Hoài Anh nhận thấy là đã làm thay đổi được suy nghĩ của bố mẹ về mình

Trở thành bà chủ, hôn nhân hạnh phúc

Sau khi học được 2 năm, Hoài Anh quyết định chuyển ngành học sang ngành Biên - Phiên dịch tiếng Anh, tiếng Ba Tư. Trong một lần được chị bạn học cùng rủ đi leo núi, Hoài Anh đã có cơ duyên gặp gỡ ông xã tên Amir (hiện 33 tuổi) là một giám đốc công ty du lịch. Cả hai cảm mến nhau và tiến tới hẹn hò.

Bố mẹ Hoài Anh khi biết tin đã không đồng ý. Thấy vậy, Amir đề xuất mời bố mẹ của Hoài Anh sang Iran chơi một chuyến. Khi sang Iran và gặp gỡ "con rể tương lai", bố mẹ Hoài Anh đã thay đổi quyết định, ông bà nhận xét Amir là một người tốt và có thể tin tưởng để gửi gắm con gái. Tháng 9/2018, cặp đôi tổ chức đám cưới.

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 6.

Hoài Anh kết hôn với ông xã người Iran vào năm 2018

Sau khi tốt nghiệp, Hoài Anh lại muốn chuyển hướng làm kinh doanh. Cô gây dựng thương hiệu riêng, phân phối các sản phẩm organic của Iran về Việt Nam, đặc biệt trong đó có nhụy hoa nghệ tây. Việc kinh doanh ban đầu chẳng dễ dàng, nhất là khi Hoài Anh là người tay ngang. Dần dần, Hoài Anh được nhiều khách hành ủng hộ, tin tưởng và đã có được doanh thu ổn định. Để có được ngày hôm nay, cô thừa nhận bản thân được ông xã giúp đỡ rất nhiều. Xây dựng chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Trung Đông tại Việt Nam là một trong những mục tiêu mà Hoài Anh hướng tới trong tương lai.

Sau những năm tháng học tập và lập nghiệp ở trời Tây, Hoài Anh cho rằng thành tựu lớn nhất của cô chính là thay đổi được suy nghĩ của bố mẹ về mình.

Cô gái Việt sang Iran du học, ban đầu ra đường không biết nói chuyện, giờ thành bà chủ - Ảnh 7.

Mới đây, Hoài Anh đã có chuyến về thăm quê hương

"Trước đây ở nhà bố mẹ rất lo cho mình, không biết sau này mình sẽ thế nào, ra trường có tự lo được cho cuộc sống hay không? Nhưng sau này, mình thấy bố mẹ vui và tin tưởng ở con gái hơn rất nhiều", Hoài Anh bày tỏ.

Hiện tại anh trai của Hoài Anh cũng đang ở Canada nên cô rất thương bố mẹ vì không có con cái gần bên cạnh. Thời điểm bố mẹ bị Covid-19, Hoài Anh không về được nên cảm thấy rất bứt rứt, áy náy. Cô đã sắp xếp thời gian để bay về Việt Nam một chuyến, thăm quê hương và có thể chăm sóc được cho bố mẹ nhiều hơn.

Nguồn: Người kết nối, Ảnh: FBNV


Theo Lam Giang

Tổ Quốc

Trở lên trên