MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi

20-11-2020 - 09:26 AM | Sống

Từ cô bé dân tộc Mường, cô Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đã vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 10 giáo viên toàn cầu.

Sáng 11/11, tổ chức Varkey Foundation công bố cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hưng Cần (Phú Thọ) là một trong 10 giáo viên toàn cầu năm nay.

Đây là thành tích đầu tiên mà một cô giáo Việt Nam từng đạt được. Điều đặc biệt, thành tích lại được xuất phát từ cô giáo người Mường 9X, hiện đang giảng dạy tại trường miền núi, với gần 90% học sinh dân tộc thiểu số. Câu chuyện của cô đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao người khác chạm đến ước mơ của mình.

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi - Ảnh 1.

Từ chối làm Giám đốc công ty Dược Pakistan, cô giáo lọt Top 10 giáo viên toàn cầu

Nếu nhắc đến cô Phượng, người ta sẽ nghĩ ngay đến cô giáo đa tài khi xuất phát điểm sinh viên Đại học Hà Nội - sau tốt nghiệp trở thành Đại diện Giám đốc công ty Dược - rồi lại quay về làm giáo viên ở trường THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ), một trường miền núi với 85% học sinh người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, không phải con đường lúc nào cũng dễ dàng. Cô Phượng từng gặp khó khăn khi tự ti, ngại giao tiếp tiếng Anh. Hơn hết chính những kỷ niệm đó đã nung nấu trong cô quyết tâm phải giúp giới trẻ chinh phục bằng được thứ ngôn ngữ khó học này.

Dần dần, cô chăm chỉ tham gia các lớp học và trở thành giáo viên trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội, phiên dịch cho sự kiện của đơn vị đến từ 18 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi - Ảnh 2.

Trong một lần tham gia phiên dịch hồi năm cuối đại học, nhờ khả năng tiếng Anh cùng kiến thức về Dược do mẹ làm trong lĩnh vực này, cô Phượng được 1 công ty Dược của Paskitan mời làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn.

Tuy nhiên, cô lại thẳng thắn từ chối để học tiếp Cao học ngành Ngôn ngữ Anh thiên về phương pháp giảng dạy.

Điều bất ngờ hơn nữa, cô Phượng lại chọn về huyện miền núi công tác ở trường THPT Hương Cần (tỉnh Phú Thọ), nơi có đến 85% học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Cô chia sẻ về quyết định về trường học này: "Tôi có niềm tin kỳ lạ về khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi, vì từ nhỏ đã phải học 2 thứ tiếng Kinh - Mường. Vấn đề tạo nên sự khác biệt là môi trường. Từ đó, tôi đã áp dụng các phương pháp học kiểu mới: Phương pháp dạy học CLT, phần lớn là giao tiếp tiếng Anh trong lớp, hay sử dụng film, hay học dự án, tiêu biểu là mô hình 'lớp học xuyên biên giới'".

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi - Ảnh 3.

Thành viên cộng đồng giáo dục Microsoft, gặt hái "trái ngọt" sau bao lần thất bại

Thời gian đầu khi trở về trường, cô đã trăn trở với rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nhưng đều không hiệu quả. Nhưng niềm tin vào trẻ em vùng dân tộc lại càng được khẳng định, khi một lần cô Phượng có dịp trò chuyện với thầy giáo châu Phi. Cô nhận ra, dù thầy đến từ đất nước có GPA thấp hơn Việt Nam, nhưng chỉ số phát triển tiếng Anh lại cao hơn rất nhiều

Cô chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh có tên gọi SVA mà bản thân vô cùng tâm đắc: "SVA thực ra là viết tắt của: Situation (đặt học sinh vào trong tình huống) - Visualization (Học từ mới thì phải hình dung nó ra thế nào) - Action (Hành động - Lặp lại từ đó mỗi ngày). Tức là chúng ta phải tăng tần suất học từ mới, đồng thời khi học phải hình dung từ đó trong ngữ cảnh cụ thể thế nào. Phương pháp này có lẽ không hề mới, nhưng đối với mình, lại mở ra cách học được định hình cụ thể rất nhiều".

Cô chia sẻ về cơ duyên biết đến Cộng đồng giáo dục Microsoft, từ đó biết đến mô hình lớp học xuyên biên giới: "Ngày đó mình học Thạc sĩ ĐH Hà Nội nên có nhiều bạn bè quốc tế. Mỗi buổi dạy, tôi đã cho các em học sinh kết nối với các bạn cùng trường quốc tế mà mình biết. 

Tôi bắt đầu tìm đến các cộng đồng học tiếng Anh khác. Vào năm 2018, tôi tham gia Diễn đàn Giáo viên Sáng tạo toàn cầu của Microsoftt thì phát hiện ở đó có 1 diễn đàn tất cả thầy cô trên thế giới đều sử dụng là Skype. Tôi kết nối được rất nhiều thầy cô khác khắp thế giới, nhận được phản hồi rất nhanh về nhũng mặt tích cực trong giáo dục và điểm sáng trong dạy học của họ.

Điển hình như có lần nảy lên tranh cãi về tình thực tế của sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Tôi đã đặt câu hỏi, và chỉ trong vòng 30 phút, đã có gần 40 thầy cô ở các nước ngoài gửi feedback vô cùng mới lạ. Hay trong đợt dịch Covid-19, 100% học sinh trường đều triển khai trực tuyến dễ dàng, giao bài tập và kiểm tra việc học trên Zoom không gặp nhiều trở ngại".

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi - Ảnh 4.

Cứ như vậy, cô Phượng là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu trong thiết kế bài giảng và phát triển chuyên môn hàng đầu. Mỗi tiết học của cô đều được xây dựng thành "lớp học xuyên biên giới". Khi là điểm cầu Washington, điểm cầu Hàn Quốc... và điểm cầu còn lại chính là lớp học miền núi.

Cô chia sẻ điểm mạnh của mô hình lớp học xuyên biên giới so với học online truyền thống: "Khác với mô hình truyền thống chỉ 1 đối 1. Chúng tôi được kết nối với nhiều lớp cùng lúc, nhiều thầy cô khắp châu lục. Chúng tôi liên hệ bằng nhiều phương thức khác nhau, có thể trước hoặc sau để mở rộng quan hệ. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều phần mềm trò chơi như Kahoot, Quizizz để tăng tương tác trong lớp.

Một điều tôi tự hào là các em ngày càng dùng thạo tiếng Anh, và ứng dụng công nghệ thông tin rất thuần thục, thậm chí có phần "sành điệu" hơn tôi. Các em học qua, còn dạy được cho giáo viên các phương diện, platform trong cách dạy tiên tiến ở các quốc gia khác".

Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào Top 10 giáo viên toàn cầu: Tôi có niềm tin kỳ lạ vào khả năng ngôn ngữ của học sinh miền núi - Ảnh 5.

Thấu hiểu và biết ơn những người đồng nghiệp cùng làm giáo viên

Cô Phượng vẫn còn nhớ những ngày đầu triển khai mô hình "lớp học xuyên biên giới", màn hình máy tính khá eo hẹp, chỉ thu được 1 góc nhỏ trong lớp. Cô tâm sự với thầy Hiệu trưởng về cách giải quyết. Thầy không quản ngại hàng chục cây số, đã ngay lập tức cho lắp camera để vận hành hiệu quả hơn.

Đối với cô Phượng, mỗi người đồng nghiệp đều là nhà giáo tâm huyết với học sinh. Có một thầy giáo người Hàn Quốc đã để lại trong cô nhiều ấn tượng về cách dạy:

"Thầy Jeong-hyun Yun nằm trong top 10 giáo viên toàn cầu năm nay. Mình ấn tượng trong suốt 28 năm, thầy không ngại cho học trò vay tiền, không phải để ăn chơi mà phát triển công việc. Thầy có chế độ vay tiền rất thú vị, thậm chí quan sát cả tương lai để xem học trò có sử dụng số tiền đúng đắn hay không. Chính khoản tiền đó đã giúp thầy có được định hướng tốt hơn cho học trò".

Chia sẻ thêm về những dự định trong thời gian tới, cô Phượng tâm sự muốn tiếp tục hoàn thiện dự án chống bạo lực trong không gian mạng cùng học trò nghiên cứu suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ phát triển kênh YouTube cá nhân để có thêm nguồn tài liệu học tiếng Anh miễn phí - chất lượng cho học sinh cả nước.


Theo VÂN TRANG - ẢNH: QUÝ NGUYỄN - DESIGN: HUYỀN TRANG

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên