MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hay không một cuộc "chạy đua" mua vào cổ phiếu CII?

CII chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ Tuấn Lộc nhưng đã có một số đề nghị thâu tóm CII từ các tổ chức khác.

Trong những ngày đầu tháng 6, thị trường chứng khoán "dậy sóng" với giao dịch đột biến của cổ phiếu CII (Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM) với số lượng giao dịch mỗi phiên hàng chục triệu đơn vị, dư mua hàng chục, hàng trăm triệu đơn vị. Cá biệt, phiên giao dịch 5/6, cổ phiếu CII dư mua tới 109 triệu đơn vị.

Từ mức giá 19.600 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch 1/6/2015), cổ phiếu CII đã đạt mức giá 25.300 đồng/cổ phiếu ngày 03/07/2015, đạt mức tăng 29,7% sau hơn 1 tháng.

Đành rằng, CII có nhiều thông tin khả quan về kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây, nhất là khi những ảnh hưởng của Thông tư 202 tới việc hạch toán lợi nhuận của công ty này - đã được đích thân tác giả của Thông tư giải thích cặn kẽ, thấu đáo. Kết quả lợi nhuận khả quan, phần dành cho cổ đông dồi dào - là những điểm sáng của CII. Tuy nhiên, nếu để ý, đó không phải là những thông tin bất ngờ. Tại ĐHCĐ thường niên của CII tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, đại diện công ty này đã chia sẻ những thông tin lạc quan hơn thế...

Trong tình hình "nước sôi lửa bỏng", cổ phiếu CII liên tục được mua vào trên sàn chứng khoán, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII bất ngờ đăng ký mua tới 15 triệu cổ phiếu công ty này. Giao dịch thành công, ông Bình nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu CII, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,76% cổ phần của công ty này.

Điều này khiến người ta nghĩ ngay đến một cuộc chạy đua mua vào cổ phiếu CII, thậm chí là một kế hoạch thâu tóm. Đặc biệt khi Tuấn Lộc (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc) liên tục có động thái mua vào, tăng tỷ lệ sở hữu tại CII.

Trong buổi giao lưu với nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc công ty cho biết việc thâu tóm CII – nếu có, cũng là chuyện bình thường.

Ông Bình cho biết, nếu như Hoàng Anh Gia Lai gắn với tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức, Vingroup gắn liền với ông Phạm Nhật Vượng,… thì CII không thực sự có một “ông chủ” nào. Các cổ đông lớn của CII hiện cũng chỉ nắm giữ trên 10% cổ phần công ty.

Trên cương vị của mình, ông Bình không thể khẳng định được ý định của Tuấn Lộc sau các lệnh mua vào liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho biết, CII chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ Tuấn Lộc nhưng đã có một số đề nghị thâu tóm CII từ các tổ chức khác. Về phía mình, ông Bình khẳng định bản thân ông không “tiếp tay” cho bất kỳ kế hoạch thâu tóm nào.

Thâu tóm CII không dễ, vì cá nhân ông Bình không “tiếp tay” và các cổ đông lớn khác của công ty hiện không có ý định bán ra.

Về giao dịch mua cổ phiếu của cá nhân, ông Lê Quốc Bình cũng cởi mở chia sẻ lý do. Ông cho rằng, một cổ phiếu có EPS ổn định ở mức 4.000 đồng/cổ phiếu, “không lý gì nó cứ ở mức giá 23 nghìn đồng mãi được”!. Bên cạnh đó, mức chi cổ tức từ 16 – 18% mỗi năm của CII đủ sức mang lại cho nhà đầu tư một khoản chênh lệch “nho nhỏ” – ngay cả trong trường hợp vay vốn ngân hàng để mua hay có sử dụng margin của các CTCK.

Số tiền mua cổ phiếu, ông Bình cho biết là do cá nhân ông vay ngân hàng và sử dụng margin. Nếu thực sự có trong tay hơn 350 tỷ đồng, “tôi thà làm CFO chứ không làm CEO làm gì” – vì số tiền nói trên nếu gửi ngân hàng thì mỗi năm lãi tiền gởi đã được một khoản không nhỏ, xài gì cho nó hết!

Với cổ phiếu CII, người đứng đầu công ty khẳng định, để “lướt sóng” không dễ. Nhưng nếu mua ở bất kỳ mức giá nào và nắm giữ trong vòng 1 năm, đều mang lại lợi nhuận. Đó cũng là lý do cá nhân ông Bình quyết định mua vào cổ phiếu với số lượng lớn như vậy.

Câu chuyện của CII còn dài với một loạt dự án lớn mà công ty đang và sẽ triển khai. CII vẫn đang là “miếng mồi ngon” mà một vài tổ chức hướng đến. Chuyện thâu tóm có thực sự có hay không, thời gian sẽ trả lời.

Đan Nguyên

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên