MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội cho họ Vinachem

Cuối năm 2016, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trình lên Bộ Công Thương đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trực thuộc. Đây chính là cơ hội để NĐT tham gia đầu tư vào các công ty con của Vinachem, vốn được đánh giá rất cao về hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Lợi thế từ công ty mẹ

Vinachem là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản và hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ; kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất. Vinachem hiện đang sở hữu 23 công ty con và 13 công ty liên kết, trong đó có CP của 18 công ty con được niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE, HNX và UPCoM.

Năm 2017, Vinachem đặt kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp đạt 43.603 tỷ đồng (tăng 5,6% so với ước thực hiện 2016); doanh thu 44.956 tỷ đồng (tăng 5,5% so với ước thực hiện 2016) và 107 tỷ đồng lợi nhuận.

Tiêu biểu như CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), CTCP Pin ắc quy Miền Nam (PAC), CTCP Bột giặt LIX (LIX), CTCP Bột giặt NET (NET), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS), CTCP Phân bón Miền Nam (SFG), CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (CSV).

Hoạt động kinh doanh của phần lớn công ty con đã cổ phần hóa đều khá hiệu quả và đồng đều. Do kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty con đều tăng trưởng tốt và khả quan, nên các đơn vị này thường xuyên chia cổ tức đều đặn (chủ yếu bằng tiền mặt) với tỷ lệ cao (10-50%), giúp Vinachem ghi nhận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ cổ tức được chia. Vì thế, hầu hết CP của các công ty con thuộc tập đoàn đều được định giá tốt và thị trường kỳ vọng sắp tới Vinachem sẽ thoái bớt vốn tại các công ty con để NĐT có thể tham gia sâu hơn.

Ngoài việc cùng tham gia hoạch định chiến lược tại các đơn vị trực thuộc, Vinachem còn hỗ trợ nguyên vật liệu đầu vào cho các công ty con (1 công ty con của Vinachem cung cấp nguồn Apatit ổn định và giá thấp cho các công ty con khác chuyên sản xuất phân lân). Tập đoàn này còn dùng uy tín, vị thế sẵn có để giúp các công ty con tiếp cận nguồn vốn giá rẻ (các đơn vị trực thuộc Vinachem thường trả lãi vay cho ngân hàng ở mức thấp hơn mức lãi suất mặt bằng chung).

Kỳ vọng đề án tái cơ cấu

Trong đề án sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp trực thuộc giai đoạn 2016-2020 Vinachem trình Bộ Công Thương vào tháng 11-2016, có nội dung quan trọng là thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ giai đoạn 2017-2019, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Vinachem cũng đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành CP khi thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ (dự kiến ít nhất 5.000 tỷ đồng). Thực hiện tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; thực hiện thoái hết vốn và bán bớt vốn để tỷ lệ nắm giữ còn 51% tại một số công ty con và công ty liên kết.

Có thể nói, việc Vinachem thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị đang hoạt động hiệu quả sẽ thu hút nhiều NĐT tham gia sâu hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty này. Qua đó giúp tăng vốn hoạt động, cùng với những định hướng, chiến lược phát triển mới sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh và biên lợi nhuận.

Đối với những đơn vị trực thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tốt (Đạm Ninh Bình, DAPVinachem), Vinachem sẽ lên kế hoạch và phương án để tái cơ cấu nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất của Chính phủ cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự phát triển trong dài hạn của các công ty.

Sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của nhiều nhóm sản phẩm. Theo đó, nhu cầu và nguồn cung được dự báo tăng ổn định, giúp nhóm sản phẩm chất tẩy rửa (LIX và NET) và nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, khí công nghiệp (CSV) tiếp tục phát triển tốt. Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ô tô sẽ kéo dài trong những năm tiếp theo, giúp đẩy mạnh nhu cầu cho các sản phẩm ắc quy (PAC) và lốp xe (DRC).

Tuy nhiên, theo giới phân tích, NĐT cần thận trọng khi đầu tư vào nhóm CP họ Vinachem bởi những rui ro các doanh nghệp này đang phải đối mặt. Theo nhận định của CTCK Maritime (MSI), nhóm ngành phân bón được dự báo tiếp tục gặp khó khăn, khi nguồn cung duy trì dồi dào (sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu từ nước ngoài) trong khi nhu cầu không cao, dẫn đến giá một số loại phân bón như phân lân, phân NPK, phân DAP sẽ khó hồi phục.

Đối với phân đạm urê của Vinachem, do được sản xuất theo công nghệ khí hóa than nhưng do giá than và khí không giảm, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh và tiêu thụ, nên giá mặt hàng này sẽ tiếp tục giảm. Đối với nhóm sản phẩm cao su, một loạt yếu tố không tích cực vẫn tồn tại, như áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các mặt hàng lốp xe giá rẻ từ Trung Quốc, giá nguyên liệu đầu vào cao su, than đen, các hóa chất khác có xu hướng tăng, sức tiêu thụ một số sản phẩm săm lốp như săm lốp cho xe đạp đang trong tình trạng bão hòa… sẽ tác động tực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp xe.

Theo Hải Hồ

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên