Cơ hội mở rộng thị trường cho rau quả Việt Nam
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30-4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đã đạt 1,02 tỷ USD, tăng tới gần 33% so với cùng kỳ năm 2016.
- 17-04-2017Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục
- 31-03-2017Sức ép cạnh tranh của rau quả ngày càng cao
- 13-03-2017Rau quả Thái Lan, Trung Quốc 'ồ ạt' vào: Nỗi lo nhập siêu trở lại
Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về gần 8,5 triệu USD, tương đương số tiền hơn 192 tỷ đồng/ngày. Cùng với việc Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau và trái cây từ 5 quốc gia Trung Đông, đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp rau quả Việt Nam tận dụng thời cơ gia tăng xuất khẩu.
Tiềm năng lớn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 ước đạt 2,9 tỷ USD đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2017 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 4 ước đạt 313 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (gấp 2,04 lần), Nga (88,7%), Nhật Bản (50,9%),…
Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê). Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%).
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong quý đầu năm, chiếm 82,9% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Riêng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.
Theo ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngay từ đầu tháng 1/2017, Australia đã công bố bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với trái thanh long Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng của Australia và Việt Nam sẽ tiến hành các bước cuối cùng để thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất điều kiện nhập khẩu với trái thanh long từ Việt Nam. Không ít nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm đến với Việt Nam để tìm các nhà cung ứng.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhận định, rau quả đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhanh chóng và còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Về thị trường xuất khẩu, theo ông Kỳ, đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 40 thị trường trên thế giới, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Ngoài những thị trường truyền thống, hiện Việt Nam đang tăng cường mở cửa các thị trường mới, mặc dù khó tính nhưng kỳ vọng giá trị xuất khẩu cao, như: Australia hiện đã cho phép nhập khẩu vải thiều, nhãn và sắp tới là thanh long; New Zealand đã mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long, tới đây là chôm chôm; Ấn Độ (thanh long, vú sữa), Chile (thanh long)…
Rộng cửa sang UAE
Mới đây, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (MOCCAE) Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng UAE. Theo đó, các loại rau củ quả bị cấm nhập khẩu gồm: Các loại ớt chuông từ Ai Cập; bắp cải, cải thảo, rau diếp, bí, đậu và cà tím từ Jordan; các loại táo từ Lebanon; các loại dưa, cà rốt và cải xoong từ Oman; và tất cả các loại trái cây từ Yemen.
Đây được coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp rau quả Việt Nam để có thể gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, mặt hàng rau, củ, quả xuất khẩu sang UAE chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014, 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016, mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE. Tuy nhiên, để tiếp cận và nâng giá trị xuất khẩu sang thị trường UAE, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam cần lưu ý tới các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE, đặc biệt là với dư lượng thuốc trừ sâu.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, việc mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU… Điều này đã giúp tạo uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới. “Trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- ông Đạt nói.
Hải quan