MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội mới cho nhà đầu tư mở hãng hàng không

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa hoàn thành dự thảo Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo này đang trong giai đoạn lấy ý kiến các bộ - ngành liên quan. Đây có thể là cơ hội mới cho nhà đầu tư muốn rót vốn vào lĩnh vực hàng không.

Theo dự báo của Bộ GTVT, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Sản lượng vận chuyển ước tính đạt 64 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030. Bộ GTVT đề xuất số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 là hơn 220 chiếc, năm 2030 là 400 chiếc, tăng 70-100 chiếc so với quy hoạch trước đây.

Hiện nay, Việt Nam có 7 doanh nghiệp (DN) được cấp phép vận tải hàng không nhưng chỉ 4 hãng tham gia khai thác thị trường. Đội máy bay mang quốc tịch Việt Nam tính đến hết năm 2017 có gần 180 chiếc. Tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, tỉ lệ đi lại bằng máy bay của người dân Việt Nam chỉ đạt 0,5%, thời điểm 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên 0,8%. Điều đó chứng tỏ thị trường hàng không Việt Nam vẫn trong tình trạng cầu vượt cung.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không, Việt Nam cần thêm nhiều hãng hàng không thay vì chỉ có 4 hãng như hiện nay. Lãnh đạo các hãng đang hoạt động cũng nhận định Việt Nam cần khoảng 10 hãng hàng không để thị trường thực sự cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không đang vướng cả quy hoạch lẫn thủ tục cấp phép.

Lĩnh vực hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn và thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Tại Việt Nam, trung bình phải 3-4 năm mới có một DN hàng không mới ra đời, công đoạn này chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về thủ tục đăng ký kinh doanh tại các sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). So với giai đoạn trước đây, thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không có 2 điểm mới: Phải phù hợp với quy hoạch ngành và phải được thẩm định song song bởi 2 cơ quan tham mưu là Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT (trước đây chỉ có Bộ GTVT thẩm định). Cho nên, nhiều nhà đầu tư dù đã thành lập DN nhưng vẫn chưa xin được phép bay để tham gia thị trường.

Đó là trường hợp của Vietstar Airlines, phải lùi thời điểm xem xét cấp phép vì đã quá tải hạ tầng. Hai DN mới là Tân Cảng, Vietbamboo Airlines đã nộp hồ sơ xin cấp phép lên Cục Hàng không Việt Nam nhưng chưa được xem xét vì phải có thêm hồ sơ xin cấp phép qua Bộ KH-ĐT.

Các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch ngành lần này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng sân bay, tạo cơ hội để nhà đầu tư không còn bị vướng yếu tố "phù hợp với quy hoạch" khi muốn tham gia thị trường.

Hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực không lưu

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tập đoàn Mitre (Mỹ) vừa ký hợp đồng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển quản lý luồng không lưu (ATFM) tại Việt Nam. Kinh phí thực hiện dự án do Cơ quan Phát triển thương mại Mỹ tài trợ trực tiếp và một phần từ nguồn vốn đầu tư phát triển của VATM.

Một trong những mục tiêu của dự án nêu trên là nhằm xây dựng lộ trình cho việc tham gia dự án "Khái niệm khai thác ATFM đa điểm nút" trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ATFM.

Theo Tô Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên