MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho doanh nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

03-09-2022 - 08:50 AM | Doanh nghiệp

Tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tạo cơ hội để doanh nghiệp hỗ trợ trong nước cải thiện vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp nhận định: với 15 FTA đã được ký kết đã góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam mạnh hơn, chất lượng hơn, mang theo công nghệ tốt hơn từ các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu vào Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện tử, ô tô, hàng không.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 8 tháng năm 2022, trong tổng số vốn FDI vào Việt Nam thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với số vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD (chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo nằm top 2 các ngành thu hút được nhiều dự án nhất.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu? - Ảnh 1.

Hãng Samsung cam kết đầu tư phát triển công nghệ chíp bán dẫn tại Việt Nam

Có thể kể ra dự án đầu tư từ Nhật Bản sản xuất thiết bị pin năng lượng mặt trời; hãng Boeing (Mỹ) tổ chức hội nghị hàng không vũ trụ tại Việt Nam nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng tạo hệ sinh thái tại Việt Nam; hãng Samsung cam kết đầu tư 3,3 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ cao nhất về chíp bán dẫn… Những dự án đầu tư FDI được đánh giá có thể tạo giá trị lan toả.

Bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc công ty CP sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel đánh giá những dự án FDI góp phần mang đến cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp FDI cần những doanh nghiệp trong nước với nhiều lợi thế như hi phí lao động thấp, sự ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng…

Cơ hội là có song nắm bắt được hay không, theo các chuyên gia, phụ thuộc năng lực của doanh nghiệp. Theo bà Trần Thị Thu Trang, điều quan trọng nhất có tính quyết định với doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi cung ứng được các tập đoàn nước ngoài đánh giá dựa trên các yếu tố như sự phát triển bền vững , tầm nhìn, chiến lược, văn hoá kinh doanh. Ngoài ra là một số yếu tố như đảm bảo sản xuất chất lượng, có tính hệ thống, có sự cạnh tranh về giá. “Giải quyết được những mấu chốt này, doanh nghiệp trong nước mới có thể phát triển bền vững tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà Trần Thị Thu Trang cho biết.

Hỗ trợ “cởi trói” cho doanh nghiệp

Nhìn nhận cơ hội phát triển của công nghiệp hỗ trợ từ dòng vốn FDI đang đổ mạnh về Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước đang thiếu sự hỗ trợ để nắm bắt cơ hội và bứt phá, nhất là chính sách về vốn, nhân sự.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề cập đặc thù của ngành là tập trung vốn, công nghệ, song đây điểm yếu, do nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế về nguồn lực, năng lực phát triển nên hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, do đi sau nên doanh nghiệp vừa tập trung vốn và công nghệ theo chuỗi giá trị toàn cầu vừa tập trung lao động. Đây là lợi thế nhưng cũng là bất lợi bởi chúng ta phát triển ở mức độ thấp nhất, đóng góp giá trị thấp trong chuỗi cung ứng, chủ yếu bằng sức lao động trong khi hàm lượng chất xám không nhiều.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu? - Ảnh 2.

Vốn và nhân lực chất lượng cao đang là khó khăn của ngành công nghiệp phụ trợ

Vấn đề quan trọng hơn, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, chính sách tín dụng đang “bóp nghẹt” về lãi suất trong khi doanh nghiệp thực sự rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn tài chính. “Nhiều doanh nghiệp chế biến chế tạo, nhất là doanh nghiệp điện tử khi “đói vốn” rất khó vay ngân hàng cũng như các định chế tài chính trong nước, nhưng khi có đánh giá, thẩm định kinh doanh tốt lại có thể tìm được nguồn vay từ tổ chức tài chính quốc tế. Đây chính là nguồn hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn” - bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết thêm.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ hoặc các tổ chức tài chính của nước sở tại với lãi suất rất thấp.Trong khi đó, lãi suất trong nước của Việt Nam rất cao. Sự chênh lệch này đã khiến các doanh nghiệp Việt thua ngay từ bước đầu tiên khi sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án.

Vì vậy, trong thời gian tới, theo Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, có chính sách hỗ trợ quan trọng được các doanh nghiệp hỗ trợ rất quan tâm là hỗ trợ bằng tín dụng thông qua chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất với mức bù dự kiến tối đa đến 5%, góp phần tạo ra những tác động tích cực với doanh nghiệp, tạo cơ hội nâng caocạnh tranh về giá thành.

Ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thuý Hương cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc, quan tâm chào đón các doanh nghiệp đầu chuỗi, có điều kiện cơ bản để các dự án FDI chất lượng tạo ra sự lan toả mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những mắt xích then chốt hơn.

Theo Minh Vân

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên